Lưu vực sông Đồng Nai quá tải
Không thể chờ doanh nghiệp hứa
Danh sách đề xuất này dựa vào bộ tiêu chí đánh giá các ngành nghề cần cấm hoặc hạn chế đầu tư trên lưu vực sông Đồng Nai, do một nhóm nhà khoa học của bộ Nghiên cứu và xây dựng.
Có ba tiêu chí: đặc trưng nguồn tiếp nhận; loại hình công nghệ có nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước; lưu lượng, đặc tính nước thải, hiện trạng hệ thống xử lý nước thải. Theo nhóm này, khi xây dựng tiêu chí trên, đã có sự tính toán đến tầm nhìn xa xu thế phát triển trong tương lai với các loại ngành nghề, ngưỡng chịu tải hiện tại của lưu vực sông, áp dụng mô hình đánh giá, tài liệu nước ngoài…
Tuy nhiên, tại hội thảo, khá nhiếu ý kiến đại biểu tỉnh, thành lo ngại rằng đề xuất này sẽ gây ảnh hưởng lớn đến việc phát triển kinh tế địa phương. Đại diện tỉnh Tây Ninh cho biết hiện có tới 80% cơ sở sản xuất là sản xuất mì, cơ quan chức năng luôn liệt vào dạng gây ô nhiễm nặng, nhưng hiện đã có công nghệ xử lý triệt để chứ không gây ô nhiễm như xưa, tương tự là các ngành thuộc da, xi mạ…
Ông Bùi Cách Tuyến, cục trưởng tổng cục Môi trường đồng ý với khẳng định của nhóm nghiên cứu trước băn khoăn của nhiều đại diện tỉnh, thành. Ông nói: “Tuy chưa cập nhật đến khả năng xử lý nguồn thải của các công nghệ mới với nhiều ngành nghề hiện nay, nhưng với thực trạng hiện tại, chúng tôi khẳng định rằng: không thể chờ doanh nghiệp hứa mà rất cần mạnh dạn tạm thời cấm, hoặc hạn chế nhiều ngành nghề đang gây ô nhiễm lớn hiện nay”.
Không còn khả năng tiếp nhận nguồn thải
Ông Trần Hồng Thái, viện phó viện Khí tượng thuỷ văn và môi trường cảnh báo: hiện nay toàn bộ lưu vực sông Đồng Nai chảy qua 11 tỉnh, thành đã không còn khả năng tiếp nhận nước thải đối với các thông số TSS, COD, BOD, amoni, tổng N và tổng P.
Ngoại trừ vùng thượng lưu sông Đồng Nai đến cửa xả thuỷ điện Trị An, và thượng lưu sông Sài Gòn đến chân đập hồ Dầu Tiếng còn khả năng tiếp nhận nguồn thải tốt, thì những vùng còn lại chỉ tiếp nhận nguồn thải ở mức độ trung bình đến thấp. Báo động nhất là sông Thị Vải và hệ thống mặt nước kênh rạch thuộc khu vực nội thị TP. Hồ Chí Minh và TP Biên Hoà, đã không còn khả năng tiếp nhận nguồn thải.
Cũng qua đánh giá các loại hình sản xuất chính trên lưu vực sông Đồng Nai, nhóm nghiên cứu nói trên nhận thấy có sáu ngành nghề đang gây ô nhiễm nghiêm trọng đến lưu vực sông: sản xuất cao su, giấy và bột giày, dệt nhuộm, da giày – thuộc da, luyện kim, và công nghiệp hoá chất.
Đến nay, những ngành nghề này đều đang xả lượng nước thải lớn ra sông nhưng đa số đều chưa được xử lý, công nghệ sản xuất thì lạc hậu hoặc trung bình.
Thống kê 40 cơ sở dệt nhuộm, may mặc nằm ngoài khu công nghiệp, trên lưu vực sông, với tổng lượng thải gần 32.000m3/ngày đêm, thì có đến 85% đơn vị chưa có hệ thống xử lý nước thải hoặc có mà quá thô sơ, chủ yếu ở TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Long An; 103 nhà máy sản xuất cao su trên lưu vực sông với hơn 41.000m3 nước thải/ngày đêm ra sông thì 80% hệ thống xử lý nước thải quá thô sơ; 22 cơ sở sản xuất hoá chất ngoài khu công nghiệp với tổng lượng thải trên 10.000m3/ngày đêm thì gần 84% cơ sở không có hoặc có hệ thống xử lý nước thải thô sơ.
Ngành da giày – thuộc da (đặc trưng nước thải mùi hôi thối, hàm lượng BOD, COD, TSS, crôm rất cao) cũng tương tự, ngay cả cơ sở sản xuất quy mô lớn như công ty TNHH Pouchen (TP.HCM), Ching Luh (Long An) cũng đều không có hệ thống xử lý nước thải… Riêng 101 khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên lưu vực sông với tổng lượng thải hơn 200.000m3/ngày đêm thì vẫn còn trên 30% khu chỉ mới đang xây dựng hoặc chưa có hệ thống xử lý nước thải.
Ngoài ra, 171 làng nghề trên lưu vực sông với tổng lượng thải hơn 41.000m3/ngày đêm, thì hầu hết đều không có hệ thống xử lý nước thải, công cụ thủ công truyền thống, lạc hậu.
Theo SGTT
End of content
Không có tin nào tiếp theo