Quốc tế

Lý do Nga sẽ không dám bắn hạ máy bay Mỹ ở Syria

Theo đánh giá của giới quân sự, Nga có các hệ thống tên lửa đất đối không cũng như nhiều máy bay chiến đấu tiên tiến ở Syria nhưng cũng không thể địch nổi với sức mạnh của Mỹ nếu khơi mào một cuộc chiến tranh trên không ở Syria.

Ngày 19/6 vừa qua, trong khi căng thẳng ở Syria chưa được giảm bớt lại trở nên leo thang khi một máy bay của Mỹ đã bất ngờ bắn hạ một máy bay Su-22 của Không quân Syria bằng tên lửa không đối không, theo tin tức trên báo TTXVN.

Theo thông báo của Mỹ, chiếc máy bay Syria đã tấn công các đơn vị dân quân của người Kurd Syria (YPG); trong khi đó, các quan chức của chính quyền Damascus khẳng định, chiếc Su-22 khi ấy đang thi hành sứ mệnh chống IS.

Sau đó, Nga đã ngay lập tức phản ứng mạnh mẽ. Theo đó, Nga đã đơn phương tạm ngừng hiệu lực của Bản ghi nhớ với phía Mỹ về an toàn bay trên bầu trời Syria. 

Thậm chí, Bộ Quốc phòng Nga còn tuyên bố, bất kỳ máy bay, trực thăng hay khí cụ bay không người lái trong khu vực thực hiện nhiệm vụ chiến đấu của lực lượng Không quân-vũ trụ Nga ở Syria sẽ bị đặt vào tầm ngắm của tên lửa phòng không Nga.

Đánh giá về tuyên bố của Nga, theo giới quân sự, rất khó có cuộc chiến trên không nào giữa Nga với Mỹ ở Syria dù Nga có mạnh miệng đe dọa, theo tin tức trên báo PL TP. HCM.

Theo đánh giá của Business Insider, Nga có các hệ thống tên lửa đất đối không cũng như nhiều máy bay chiến đấu tiên tiến ở Syria nhưng cũng không thể địch nổi với sức mạnh của Mỹ nếu khơi mào một cuộc chiến tranh trên không ở Syria.

Tại Địa Trung Hải luôn có một tàu sân bay của Mỹ chở hàng chục máy bay tiêm kích F/A-18E Super Hornet. Chưa kể Mỹ còn có hàng trăm máy bay chiến đấu F-15, F-16 khắp Thổ Nhĩ Kỳ, Qatar, Jordan.

Theo nhà phân tích quân sự cấp cao Omar Lamrani tại Công ty phân tích địa chính trị và tình báo Mỹ Stratfor hoạt động toàn cầu, Nga có khoảng 25 máy bay ở Syria nhưng chỉ có khoảng 10 chiếc thật sự có sức mạnh trên không như Su-35, Su-30. Số máy bay này sẽ phải đối mặt với một lượng lớn máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ năm, máy bay tiêm kích F/A-18E Super Hornet, F-15, F-16, cả máy bay ném bom B-1, B-52. Chưa kể đến sức mạnh hải quân Mỹ và hàng trăm quả tên lửa Tomahawk được triển khai gần Syria.

Ảnh minh họa.

“Nga có sức mạnh phòng thủ rất lớn chứ không phải là không có. Tuy nhiên, sức mạnh trên không của Mỹ lại vượt trội hơn rất nhiều” - nhà phân tích Lamrani nói với Business Insider. Ông công nhận Nga có một số máy bay có sức mạnh bằng thậm chí hơn cả máy bay Mỹ nhưng lại kém về số lượng.

Nga biết rõ hạn chế của mình và không dễ dàng gì, nếu không muốn nói là không thể đi đến quyết định bắn máy bay Mỹ, theo nhà phân tích Lamrani. Thế nhưng trong trường hợp Nga cứ làm như đã dọa, là bắn máy bay Mỹ và liên quân ở Syria thì sẽ thế nào?

Liên quân do Mỹ dẫn đầu đang rất thận trọng theo dõi từng hành động của Nga trong thời điểm này. Theo nhà phân tích Lamrani, ngoài các máy bay tiêm tích F/A-18E Super Hornet đảm trách phần lớn các chiến dịch quân sự ở Syria và hoạt động công khai, Mỹ còn có một số lượng máy bay tàng hình F-22 hoạt động như một vật đệm giữa các máy bay mình và Nga. Nếu máy bay Nga ra tay bắn máy bay Mỹ hay của liên quân, các máy bay tàng hình F-22 này sẽ tiêu diệt máy bay Nga trước khi nó có thể về đến căn cứ.

Nếu do thám của Mỹ phát hiện Nga có sự huy động máy bay lớn và bất thường ở Syria, Mỹ sẽ không ngồi yên đợi số máy bay này của Nga cất cánh lên trời rồi mới tấn công mà sẽ tấn công ngay vào căn cứ Nga. Đây sẽ là công việc của đội tàu sân bay tấn công USS George H. W. Bush với rất nhiều tên lửa hành trình, giống vụ Mỹ nã 59 quả tên lửa Tomahawk vào căn cứ không quân Sharyat của Syria ngày 7/4.

Dù có thể gây cho Mỹ không ít thiệt hại nhưng chung cuộc thì Nga sẽ không trụ nổi trước Mỹ, chưa kể đến lực lượng liên quân đằng sau Mỹ.
Cũng phải công nhận sức mạnh hải quân trong khu vực của Nga khá mạnh, có thể đe dọa các căn cứ không quân Mỹ trong khu vực. Tuy nhiên, để làm được điều này Nga phải chịu rủi ro xung đột chính trị với các nước mà Mỹ đặt căn cứ là Thổ Nhĩ Kỳ, Jordan, Qatar.

 

Một lý do nữa cho việc Nga sẽ không tấn công máy bay Mỹ, theo nhà phân tích Lamrani, Nga sẽ không đặt cược quá nhiều vào Syria vì đây không phải là quyền lợi quốc phòng sống còn của mình. Theo chuyên gia  Anna Borshchevskaya về chính sách đối ngoại của Nga ở Trung Đông tại Viện Chính sách cận đông Mỹ, can thiệp quân sự ở Syria là một cách lái chú ý khỏi các vấn đề kinh tế-xã hội nội bộ Nga. Gây thêm thương vong cho binh sĩ Nga trong cuộc chiến với Mỹ không có lợi cho mục đích này.

Nên đọc
Công Danh (tổng hợp theo TTXVN, PL TP. HCM)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo