Pháp luật

Ly kỳ hành trình truy lùng kẻ bắt cóc trẻ sơ sinh

Hàng loạt cuộc gọi về công an Q.7 trình báo sau khi báo chí đăng tải ảnh phác họa của nghi can, và cuộc điện thoại của người phụ nữ lạ mở nút thắt vụ án.

Nút thắt vụ án

Liên quan đến vụ bắt cóc trẻ sơ sinh như VietNamNet thông tin, đến nay nghi can Lê Thị Bích Trâm (SN 1989, ngụ Q.7, tạm trú huyện Bình Chánh, TP.HCM) đã bị bắt giữ và những ly kỳ của vụ án dàn hé lộ.
 
Đại tá Nguyễn Hoàng Tuấn - Trưởng công an Q.7 nhớ lại, khi vụ bắt cóc trẻ sơ sinh xảy ra, ban chỉ huy công an Q.7 xác lập chuyên án do chính ông làm trưởng ban. Toàn thể cán bộ, trinh sát đội cảnh sát hình sự được huy động vào cuộc.
 
Lê Thị Bích Trâm khi ra đầu thú trưa 13/1.
 
Đại tá Tuấn kể: "Ban đầu trinh sát của chúng tôi tiếp cận những người liên quan, nhân chứng, đặc biệt là người xe ôm hành nghề trước cổng bệnh viện có chở nghi can bế đứa bé nghi vấn đi ra từ bệnh viện.

Anh em trinh sát lần theo hành trình di chuyển nhưng hoàn toàn mất dấu bởi nghi can xoá dấu vết tinh vi bằng cách thuê nhiều xe ôm để đi qua những đoạn đường khác nhau, có những đoạn đi bộ xa".
 
Phương án tiếp, nhiều tổ trinh sát được điều động đến khắp các bến xe, bến tàu trên địa bàn TP.HCM để đón lõng "mẹ mìn" sẽ đưa đứa trẻ di chuyên liên tỉnh. Nhưng kết cục cũng không có manh mối nào.
 
Song song đó, chiều 11/1, thông qua một số gợi ý, ban chuyên án mời hoạ sĩ Phan Vũ Linh - giảng viên Trường ĐH Mỹ Thuật TP.HCM vào cuộc để vẽ chân dung nghi phạm theo lời kể của 3 người trực tiếp tiếp xúc với nghi can bắt cóc trẻ em là cha, mẹ và dì của cháu bé. Tấm ảnh của hoạ sĩ được đăng tải trên báo chí, chia sẻ lan rộng trên mạng xã hội…
 
Từ ảnh phác hoạ chân dung nghi can này mà người dân từ khắp nơi gọi về trình báo nghi vấn về người phụ nữ có đứa trẻ mà họ gặp ở địa phương.
 
Thượng tá Nguyễn Văn Thanh - đội trưởng đội cảnh sát hình sự, công an Q.7, TP.HCM
 
Thượng tá Nguyễn Văn Thanh - Đội trưởng đội CSHS, công an Q.7 xác nhận: "Hơn 40 trinh sát được chia làm 6 tổ công tác đến tận những nơi nguồn thông tin của dân báo như: Sóc Trăng, Kiên Giang, Long An, Bình Dương... truy tận góc ngọn một số trường hợp phụ nữ có trong tay những đứa trẻ đầy nghi vấn. Nhưng kết cục xác định tất cả không phải là mục tiêu điều tra của ban chuyên án".
 
Một tình tiết giờ mới biết là trong số những tin báo có thông tin của người phụ nữ lạ xin giấu tên. Qua chân dung họa sĩ phác họa đăng trên báo, người phụ nữ này xác nhận nghi phạm là người mà bà quen cách đây không lâu.
 
Người phụ nữ này tiết lộ, quen với 1 cô gái trẻ ngụ huyện Bình Chánh ở Bệnh viện Từ Dũ khi cô gái đi khám thai. Do muốn tìm con nuôi nên bà có nhờ cô gái đó tìm hộ và 2 bên có trao đổi số điện thoại cho nhau.
 
Bất ngờ ngày 10/1, cô gái đó gọi điện thoại cho bà xác nhận là đã…tìm được “hàng”. Bà hỏi về nguồn gốc đứa bé thì cô gái ấm ớ.
 
Khi nhìn hình ảnh phác họa trên báo, bà quả quyết cô gái đó chính là người mới liên lạc với bà. Từ số điện thoại đã trao đổi, bà liên hệ lại nhưng số này nằm ngoài vùng phủ sóng….
 
Chi tiết vụ giải cứu cháu bé
 
Khi có manh mối, tổ trinh sát dưới sự điều động của đại tá Tuấn, dùng các biện pháp nghiệp vụ xác minh, khoanh vùng thì xác định được nơi trú ngụ của cô gái mà người phụ nữ lạ trên khai báo, là nhà số 26/29 ấp 1, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh.
 
Tổ trinh sát bí mật tiếp cận thì đến đêm 12/1 đã xác định được Trâm chính là người đã bắt cóc trẻ sơ sinh ở bệnh viện Q.7 vào sáng 9/1.
 
Xác định mục tiêu đã rõ ràng, đại tá Tuấn chỉ đạo toàn bộ các mũi trinh sát khác đa phần ở các tỉnh, lập tức về Sài Gòn. Hàng chục thanh niên bụi bặm bí mật bao vây toàn bộ con hẻm và xung quanh ngôi nhà được xác định có nghi can Trâm đang giữ cháu bé.
 
Cháu bé được giải cứu an toàn về với bố mẹ.
 
Thượng tá Thanh kể: “Tình hình anh em báo về là suốt mấy ngày liền Trâm ở lỳ trong phòng, có cháu bé bên cạnh. Nhưng ngôi nhà có tầng lầu, không biết bên trong như thế nào, nên trưởng ban chuyên án chỉ đạo không thể bắt Trâm như các loại hình tội phạm khác.

Chỉ cần sơ suất hay hành động của Trâm lúc bị trấn áp tác động lên cháu bé còn quá non nớt có thể nguy hiểm đến tính mạng của bé”.
 
Do đó ban đầu ban chuyên án sử dụng biện pháp thông qua người quen biết với gia đình chồng của Trâm để rỉ tai với họ về sự thật đứa bé Trâm đang nuôi giữ.
 
Mẹ chồng và em chồng đã hợp tác để thuyết phục Trâm đầu thú, mà trước đó 2 người này đã ngờ ngợ về chuyện Trâm sinh con…
 
“Nửa đêm 2 người bên chồng đã nói chuyện và Trâm đã thú nhận nhưng sau đó lại ở lỳ trong phòng đóng cửa và ôm đứa bé, khóc nức nở”, thượng tá Thanh kể chi tiết.
 
Sau 1 đêm đấu tranh tâm lý và có sự vận động từ phía gia đình nhà chồng của Trâm theo sự hướng dẫn của trinh sát công an, đến 10h40 sáng 13/1, Trâm bất ngờ và chủ động gọi điện thoại đến công an Q.7 theo số điện thoại có đăng trên báo. Trâm xin đầu thú và giao nộp lại đứa bé.
 
Nhận được điện thoại chỉ đạo của lãnh đạo ban chuyên án, lực lượng trinh sát đã trắng đêm bao vây, ép sát ngôi nhà. Vài phút sau, Trâm bế cháu bé ra, tự tay giao nộp và công an đã bắt giữ, di lý đối tượng về cơ quan công an để điều tra.
 
4 ngày đêm truy lùng; trong đó có gần 15h đấu tranh tâm lý với nghi can, ban chuyên án của công an Q.7 đã hoàn thành việc giải cứu cháu bé bị bắt cóc một cách tài tình.
VietnamNet
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo