Thị trường

M&A: Liều thuốc tốt cho nền kinh tế

Kinh tế khó khăn luôn là cơ hội cho các vụ mua bán và sáp nhập doanh nghiệp diễn ra nhiều hơn.

Cuối cùng thì kết quả từ thương vụ M&A (mua bán và sáp nhập doanh nghiệp) được cho là có giá trị lớn nhất Việt Nam từ trước tới nay cũng thỏa lòng mong đợi của thị trường. Ngân hàng VietinBank đã bán được 20% cổ phần cho Ngân hàng Mitsubishi Tokyo UFJ (Nhật) với giá 743 triệu USD.

Vui - buồn lẫn lộn

Ngoài sự kiện nổi bật trên, còn lại đa số các thương vụ M&A của ngành ngân hàng năm qua chủ yếu theo hình thức hợp nhất, không đem lại dòng tiền mới và chưa thể đánh giá hiệu quả.

Thực ra, có thể thấy các ông lớn nước ngoài vẫn đầu tư mạnh mẽ cho hoạt động M&A ở lĩnh vực ngành hàng tiêu dùng tại Việt Nam. Các thương vụ đầu tư vào Vinamilk, Masan, Kinh Đô, Golden Gate (sở hữu chuỗi nhà hàng Ashima, Kichi Kichi, Sumo BBQ)… đều mang lại thắng lợi tài chính lớn. Trong đó thương vụ được quan tâm nhất là Jollibee (Philippines) mua lại chuỗi quán Highland Coffee.

Về mặt kinh tế, bán cho Jollibee là một hành động đúng đắn bởi Highland Coffee đang chịu sự cạnh tranh gay gắt từ chuỗi quán Trung Nguyên và nhất là sự thâm nhập sắp tới của Starbucks Coffee. Tuy nhiên, chuyên gia thương hiệu Hoàng Tùng, sáng lập viên và quản lý Công ty Pizza Home, chia sẻ: “Với cá nhân tôi, thương vụ này để lại cảm xúc khá buồn. Buồn vì Highland Coffee xứng đáng được ghi nhận là thương hiệu mạnh trong lĩnh vực ẩm thực của Việt Nam giờ lại thuộc sở hữu của một công ty nước ngoài. Hơn nữa, sau khi thuộc sở hữu của Jollibee, tôi chưa thấy được bất cứ sự đổi mới tích cực nào từ dịch vụ cho đến sản phẩm của chuỗi Highland Coffee”.

Việc diễn ra nhiều thương vụ M&A tại Việt Nam được ông Tùng phân tích là điều bình thường. Thứ nhất, mỗi đợt kinh tế khủng hoảng luôn khiến hàng loạt doanh nghiệp gục ngã và không ít
doanh nghiệp nắm lấy cơ hội đó vươn lên qua con đường M&A. Thứ hai, khủng hoảng là lưỡi dao cắt lộ ra yếu kém của không ít doanh nghiệp Việt. Những doanh nghiệp có tiềm năng nhưng thiếu bề dày quản trị thường là đích nhắm tốt nhất trong các thương vụ M&A. Đây là lúc doanh nghiệp thâu tóm có thể mua lại doanh nghiệp bị sáp nhập với mức giá rẻ nhất. Thứ ba, không ít doanh nghiệp sau một thời gian phát triển nhận thấy cần phải thay đổi.

Tâm điểm vẫn là hàng tiêu dùng

Cũng theo chuyên gia Hoàng Tùng, đặc trưng của lĩnh vực tiêu dùng cơ bản luôn đòi hỏi thời gian tạo dựng hệ thống phân phối. M&A là con đường sở hữu hệ thống phân phối trong lĩnh vực này hiệu quả nhất. Với sự góp mặt của hàng loạt ông lớn như KFC, Burger King, Subway, Domino’s hay Starbucks và McDonald’s, thị trường M&A Việt Nam năm 2013 hứa hẹn sẽ chứng kiến nhiều thương vụ bất ngờ trong lĩnh vực hàng tiêu dùng.

Trong tình cảnh hàng tồn kho lớn và thị trường kém thanh khoản, Ngân hàng Nhà nước lại chủ trương chỉ bơm vốn cho người mua nhà chứ không khuyến khích cho
doanh nghiệp bất động sản vay, xem ra doanh nghiệp bất động sản chỉ còn cửa bán lại dự án hoặc doanh nghiệp mình cho đối tác bên ngoài. Như thế thị trường M&A năm sau rất có thể bùng nổ ở lĩnh vực này. Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.Hồ Chí Minh, nhiều tập đoàn bất động sản nước ngoài đã chờ đợi từ năm 2012 và có thể họ sẽ giải ngân, tham gia mua bán dự án trong năm 2013.

Ông Andy Hồ, Giám đốc điều hành, Trưởng bộ phận đầu tư Quỹ VinaCapital tại Việt Nam, lưu ý các nhà đầu tư M&A không nên mua từng dự án mà mua cả tài sản của doanh nghiệp thông qua thị trường chứng khoán. Bởi với diễn biến ảm đạm hiện tại trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu của các
doanh nghiệp bất động sản luôn có giá trị giao dịch thấp hơn giá trị tài sản thực tế (bao gồm cả các dự án).

Lĩnh vực tài chính - ngân hàng cũng sẽ được nhà đầu tư quan tâm nhưng không phải hai bên tự nguyện mà buộc phải hợp nhất theo lộ trình tái cấu trúc. Đơn cử là đề án hợp nhất Ngân hàng Phương Tây (Westernbank) và Tổng Công ty Tài chính CP Dầu khí PVFC đã được Thủ tướng đồng ý phê duyệt ngày 28-12 vừa qua.

Chưa hẳn là nguy cơ

M&A là xu hướng toàn cầu và đặc biệt là công cụ mạnh mẽ giúp các tập đoàn hùng mạnh nước ngoài chiếm lĩnh thị trường một cách nhanh nhất, thị trường Việt Nam cũng không ngoại lệ. Doanh nghiệp nước ngoài đã có đầy đủ tất cả yếu tố: sản phẩm, hệ thống quản trị, tài chính hùng mạnh…, chỉ còn thiếu thời gian. Một thương hiệu dù mạnh đến mấy nhưng nếu thời gian chưa đủ dài cũng sẽ không thể “ngấm” vào được thói quen của người dân bản địa. Nhưng đó có phải là một sự đe dọa hay không? Theo tôi thì nó vừa có vừa không. Nhiều tập đoàn nước ngoài sau khi M&A sẽ tìm cách dập tắt thương hiệu bản địa và thay thế bằng thương hiệu mình sẵn có. Trong trường hợp này, đó là sự đe dọa. Trong khi đó sau nhiều vụ M&A, các tập đoàn nước ngoài vẫn để thương hiệu bản địa tồn tại song song cùng thương hiệu của họ. Khi đó người tiêu dùng có nhiều sự lựa chọn hơn nên không hẳn là sự đe dọa.

 

 

Thảo Nguyên (Theo Pháp luật TP.HCM)

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo