Tài chính - ngân hàng

Ma rốc - thị trường mới giàu tiềm năng

Trong năm 2014, giao thương hai chiều giữa Ma rốc và Việt Nam có tổng kim ngạch đạt 156,3 triệu USD, tốc độ tăng trưởng 54% với nhiều lĩnh vực đa dạng. Vì thế, trong tương lai, Ma rốc là một thị trường tiềm năng để các DN Việt Nam mở rộng, tiến sâu hơn vào châu Phi.

 

Có độ “mở” lớn
 
Vương quốc Ma rốc có một vị trí địa lý, chính trị quan trọng ở khu vực Bắc Phi, là điểm trung chuyển hàng hóa vào châu Âu và Tây Phi. Nhận định chung về thị trường Ma rốc, trong “Diễn đàn DN Việt Nam - Ma rốc” được tổ chức mới đây, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đánh giá, Ma rốc có điều kiện phát triển, là đối tác kinh tế quan trọng ở châu Phi cũng như thế giới. Việt Nam và Ma rốc có điểm tương đồng về độ “mở” của thị trường, đẩy mạnh hợp tác, hội nhập quốc tế. Ma rốc đang tiến hành cắt giảm thuế quan theo cam kết WTO cùng nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương đã được ký kết, trong đó có EU và Hoa Kỳ.
 
Lương thực – thực phẩm, da giày và công nghệ thông tin là 3 ngành mũi nhọn Ma rốc cần hợp tác với Việt Nam. Ảnh: Danh Lam.
 
Giới thiệu về cơ hội đầu tư và thương mại tại Ma rốc, bà Zahra Maafiri, Tổng Giám đốc Trung tâm xúc tiến XK Ma rốc cho biết, Ma rốc có rất nhiều điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư và hợp tác quốc tế đặc biệt với Việt Nam. Quan hệ chính trị - ngoại giao Việt Nam – Ma rốc ngày càng phát triển, ngoài Hiệp định Thương mại giữa hai nước được ký kết vào tháng 6-2001, thời gian gần đây, hàng loạt các hiệp định khác được ký kết như: Hiệp định tránh đánh thuế hai lần, Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư… Bên cạnh đó, Ma rốc còn có cơ sở hạ tầng, giao thông hiện đại, hệ thống ngân hàng tiên tiến, thuận lợi cho hoạt động XNK nên các DN Việt Nam ngày càng quan tâm đến Ma rốc, hàng hóa Việt Nam được người tiêu dùng địa phương biết đến và đánh giá cao.
 
Nhờ những hoạt động tích cực kể trên, hơn 10 năm qua, trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Ma rốc đã có bước tăng trưởng nhanh chóng, từ con số 8,5 triệu USD năm 2004 lên 31,1 triệu USD năm 2009 và lên 156,3 triệu USD vào năm 2014. Đáng chú ý, trong cán cân thương mại, Việt Nam luôn xuất siêu với giá trị lớn. Cơ cấu mặt hàng XK của Việt Nam đã có sự dịch chuyển theo hướng tích cực từ các mặt hàng XK thô như cà phê, hạt tiêu… đã giảm dần, nhường chỗ cho hàng công nghiệp như điện thoại, máy vi tính và linh kiện, dệt may, giày dép. Số lượng mặt hàng XK chủ lực ngày càng đa dạng hơn, không chỉ bó hẹp vào một, hai sản phẩm như những năm trước đây.
 
Về đầu tư, hợp tác, theo bà Zahra Maafiri, Ma rốc ưu tiên 3 lĩnh vực chính: Lương thực - thực phẩm, da giày và công nghệ thông tin.
 
DN cần vượt khó
 
Bất cứ thị trường nào cũng đều có thuận lợi và khó khăn, nhất là những thị trường mới như Ma rốc. Hiện nay, bạn hàng truyền thống của Ma rốc là EU, Mỹ và các nước trong khối Ả rập, tại châu Á là Trung Quốc và Nhật Bản, nên nếu DN Việt Nam mang hàng hóa sang thì khả năng canh tranh về giá với hàng Trung Quốc là không thể tránh khỏi. Bên cạnh đó, Ma rốc vẫn áp dụng nhiều rào cản thương mại, cụ thể là biểu thuế hải quan NK hàng hóa ở mức khá cao cùng nhiều quy định phi thuế quan khác như giấy phép, cam kết NK…
 
Về mặt địa lý, Ma rốc là thị trường ở khá xa nên chi phí vận chuyển hàng hóa tăng cao, thêm vào đó, môi trường kinh doanh còn phức tạp (thủ tục hành chính chậm trễ, quan liêu... còn khá phổ biến), khác biệt về ngôn ngữ (ngôn ngữ chính tại Ma rốc là tiếng Ả rập và tiếng Pháp) cùng tôn giáo đạo Hồi cũng gây trở ngại nên DN còn khá e dè, chưa dám mạo hiểm và chưa thực sự quan tâm đến thị trường này.
 
Khó khăn là vậy, nhưng theo đánh giá của ông Nguyễn Tương, Trưởng Văn phòng đại diện Hiệp hội DN dịch vụ logistics Việt Nam tại Hà Nội, nếu DN dám mạo hiểm, vượt qua được những khó khăn thì đây là thị trường rất giàu tiềm năng. Hơn nữa, trình độ kinh tế - xã hội của Ma rốc đang ở mức tương đương với Việt Nam nên các ngành mà Ma rốc cần hợp tác đều là thế mạnh của Việt Nam, DN có thể dễ dàng cung ứng. Hơn nữa, Ma rốc có vị trí thuận lợi nên đây có thể là cánh cửa để DN Việt Nam tiến sâu vào châu Phi và đi sang châu Âu. Ông Tương còn cho rằng, giao thương 2 chiều thuận lợi sẽ là đòn bẩy giúp ngành logistics Việt Nam có thêm điều kiện phát triển.
 
Theo Vụ Thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á (Bộ Công Thương), DN muốn thâm nhập vào thị trường châu Phi nói chung và Ma rốc nói riêng cần phải quan tâm, tìm hiểu kỹ về đặc điểm thị trường, tiềm năng, thế mạnh, chính sách thương mại và đầu tư, chế độ XNK, các quy định về thuế hải quan, tập quán thương mại… đặc biệt, DN cần có tính kiên trì, cởi mở, xây dựng lòng tin và sự hợp tác trên nguyên tắc hai bên cùng có lợi. Bên cạnh đó, DN cũng nên tăng cường các chuyến thăm dò thị trường, tham dự các hội chợ triển lãm quốc tế… để tìm kiếm bạn hàng.
 
Cùng với tìm thị trường XK hàng hóa, DN Việt Nam cũng cần quan tâm đến việc hợp tác đầu tư tại chỗ (trên một số lĩnh vực chế biến thực phẩm, đánh bắt hải sản, gỗ nội thất…) để khai thác nguồn nguyên liệu và nhân công dồi dào tại Ma rốc, trên cơ sở đó phát triển hàng XK sang các nước thứ 3, đặc biệt là các nước đã có FTA với Ma rốc.
Theo HQ Online
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo