Phân tích

Mách nước "chiêu" khuyến khích người dân dùng hàng nội của Chính phủ Thái

(DNVN) - Thương vụ Việt Nam tại Thái Lan (Bộ Công thương) cho biết, để khuyến khích người dân sử dụng các sản phẩm nội địa, Chính phủ Thái Lan đã có nhiều sáng kiến và thực hiện nhiều chương trình như One Tambon One Product (mỗi làng một sản phẩm); tư vấn đóng gói bao bì sản phẩm tại mỗi địa phương...

Theo đó, để tận dụng lợi thế về sự phong phú của sản vật địa phương nhằm quảng bá, duy trì danh tiếng đặc sản từng vùng miền, cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra trong thời kỳ đương nhiệm 2001-2006 đã đưa ra ý tưởng xây dựng Chương trình mỗi làng một sản phẩm dựa trên chương trình One Village One Product (OVOP) được triển khai rất thành công tại Nhật Bản.

Theo Chương trình này, cơ quan đầu mối được ủy quyền sẽ chịu trách nhiệm hỗ trợ doanh nghiệp hoặc chủ cơ sở sản xuất ở mỗi địa phương. Phạm vi hỗ trợ bao gồm tài chính, chia sẻ kinh nghiệm nâng cao chất lượng, tư vấn quảng bá, tiếp thị và phân phối sản phẩm. Nguồn kinh phí hỗ trợ sẽ trích từ kinh phí hoạt động chương trình của Chính phủ Thái Lan.

Ảnh minh họa.

Nhóm chuyên gia của chương trình sẽ trực tiếp tham gia tư vấn cho các doanh nghiệp hoặc chủ cơ sở sản xuất tại từng địa phương nhằm mục đích cải tiến chất lượng góp phần nâng cao giá trị sản phẩm. Mạng lưới phân phối của chương trình phủ khắp nhiều tỉnh thành trong nước bao gồm hệ thống siêu thị, cửa hiệu giới thiệu sản phẩm. Doanh nghiệp và chủ cơ sở sản xuất nhận lại toàn bộ doanh thu bán hàng sau khi hàng hóa được bán tại hệ thống cửa hiệu.

Bên cạnh sáng kiến này, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm Chính phủ Thái Lan đã khởi động chương trình tư vấn đóng gói bao bì sản phẩm từ tháng 10/2015.

Ý tưởng xây dựng chương trình xuất phát từ thực tiễn thiếu hụt kinh nghiệm đóng gói ảnh hưởng gián tiếp đến việc bảo đảm chất lượng sản phẩm trong quá trình vận chuyển. Nhiều sản phẩm đạt chất lượng tốt những do không được bảo quản tốt nên đã ít nhiều giảm chất lượng khi đến tay người tiêu dùng. Đây là lý do làm giảm tính cạnh tranh của hàng sản xuất nội địa so với hàng ngoại nhập.

Nguồn kinh phí duy trì hoạt động của chương trình được trích từ ngân sách của Chính phủ Thái Lan. Doanh nghiệp và chủ cơ sở sản xuất tại địa phương sẽ được nhóm chuyên gia của chương trình chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn kỹ thuật và hỗ trợ vốn mua sắm trang thiết bị đóng gói nhằm bảo đảm và nâng cao chất lượng sản phẩm.

Cũng theo Thương vụ Việt Nam tại Thái Lan, cũng để khuyến khích người dân dùng hàng nội Chính phủ Thái còn áp dụng mô hình cửa hiệu tạp hóa gia đình. Chương trình này hướng tới nhóm đối tượng thu nhập thấp ở nhiều vùng miền gặp khó khăn về địa hình và cơ sở vật chất.

 

Chính phủ Thái coi đây là kênh phân phối quan trọng thúc đẩy tiêu dùng sản phẩm nội địa và đã triển khai chương trình hỗ trợ vốn nâng cấp cửa hiệu tạp hóa gia đình tại nhiều tỉnh thành khác nhau. Hàng hóa phân phối tại cửa hiệu tạp hóa gia đình sẽ có giá cả cạnh tranh hơn phù hợp với mức sống của người dân địa phương.

Một biện pháp nữa để khuyến khích người dân tiêu dùng hàng nội được Chính phủ Thái đưa ra đó là gói kích cầu tiêu dùng 1 tỉ Đô-la Mỹ. Phương pháp này đã được Thủ tướng Prayut Chan-o-chan thông qua nhằm kích cầu tiêu dùng nội địa trong bối cảnh nền kinh tế Thái Lan cần động lực thúc đẩy phát triển. 

Theo đó, mỗi bản làng được cấp số tiền trị giá 138,000 Đô-la Mỹ để triển khai nhiều dự án của chính phủ nhằm kích cầu tiêu dùng tại địa phương.

Trong phạm vi khối doanh nghiệp, nhiều chương trình nâng cao nhận thức người tiêu dùng và hỗ trợ quảng bá doanh nghiệp cũng đã được triển khai. Tập đoàn bán lẻ hàng đầu Thái Lan Central đơn vị tiêu biểu. Thế mạnh của họ là cơ sở vật chất sẵn có, kinh nghiệm lâu năm phân phối hàng tiêu dùng và mạng lưới cửa hàng phủ khắp mọi tỉnh thành. Đây là điều kiện hoàn hảo để quảng bá, xúc tiến tiêu dùng các sản phẩm trong nước.

VĂN HUY
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo