Thị trường

Hàn Quốc dẫn đầu vốn FDI vào Việt Nam

(DNVN) - Theo Cục đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch Đầu tư), trong 10 tháng năm 2015, tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm của Hàn Quốc tại Việt Nam là 6,221 tỷ USD.

Theo số liệu của hệ thống thông tin về Đầu tư nước ngoài, tính đến ngày 20/10/2015, Hàn Quốc đã đầu tư 583 dự án mới tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký là 2,278 tỷ USD. Có 257 lượt dự án đăng ký tăng vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 3,942 tỷ USD. Tính chung trong 10 tháng năm 2015, tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm của Hàn Quốc tại Việt Nam là 6,221 tỷ USD.

Theo Cục đầu tư nước ngoài, vốn FDI của Hàn Quốc vẫn rót mạnh nhất vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo trong tổng thể 16 ngành lĩnh vực có vốn FDI của Hàn Quốc tại Việt Nam.

Vốn FDI Hàn Quốc đổ mạnh nhất vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo. Ảnh minh họa.

Cụ thể, lĩnh vực Công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư Hàn Quốc với 330 dự án đầu tư đăng ký mới và 217 lượt dự án tăng vốn, với tổng số vốn cấp mới và tăng thêm là 5,633 tỷ USD, chiếm 90,5% tổng vốn đầu tư đăng ký. 

Lĩnh vực sản xuất, phân phối điện đứng thứ hai với hai với 3 dự án đăng ký cấp mới với tổng vốn đầu tư đăng ký là 200 triệu USD, chiếm 3,2% tổng vốn đầu tư. Đứng thứ ba là lĩnh vực Bán buôn, bán lẻ, sửa chữa với 64 dự án đầu tư mới và 6 lượt dự án tăng vốn, tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 94,2 triệu USD chiếm 1,5% tổng vốn đầu tư.

Nếu phân theo hình thức đầu tư, trong tổng số 583 dự án cấp mới của Hàn Quốc tại Việt Nam trong 10 tháng đầu năm 2015 thì có tới 539 dự án được đầu tư dưới hình thức 100 vốn nước ngoài và cũng có 249 lượt dự án đầu tư dưới hình thức này được điều chỉnh vốn, với tổng số vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 5,973 tỷ USD, chiếm 96% tổng vốn đầu tư  đăng ký. Các dự án còn lại thuộc hình thức liên doanh, công ty cổ phần và hợp đồng hợp tác kinh doanh chiếm tỉ lệ nhỏ.

Nếu theo địa bàn đầu tư, thì trong thời gian qua, các nhà đầu tư Hàn Quốc đã đầu tư vào 41 tỉnh thành phố, trong đó Bắc Ninh dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 3,33 tỷ USD, chiếm 53,6% tổng vốn đầu tư đăng ký. Đồng Nai đứng thứ hai với tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 401,9 triệu USD, chiếm 6,5% tổng vốn đầu tư đăng ký. Hải Phòng đứng thứ ba với tổng số vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm 305,7 triệu USD, chiếm 4,9% tổng vốn đầu tư.

Một số dự án lớn của Hàn Quốc được cấp phép trong 10 tháng năm 2015 là:

 

- Dự án Cty SamSung Display Việt Nam với số vốn đầu tư tăng thêm là 3 tỷ USD; dự án này được cấp phép năm 2014 với số vốn đầu ban đầu là 1 tỷ USD; dự án được đầu tư tại KCN Yên Phong 1, Bắc Ninh với mục tiêu sản xuất, lắp ráp, gia công, tiếp thị hoặc bán các loại màn hình.

- Dự án Heesung Electronics Việt Nam, tổng vốn đầu tư 154 triệu USD với mục tiêu sản xuất, lắp ráp linh kiện mô-đun tinh thể lỏng (LCM) định vị tự động tại tỉnh Hải Phòng.

- Dự án Cty TNHH MTV điện gió Trà Vinh 1(NM điện gió Hàn Quốc-Trà Vinh GĐ1), tổng vốn đầu tư 120 triệu USD với mục tiêu sản xuất điện từ năng lượng gió cung cấp điện vào lưới điện quốc gia tại tỉnh Trà Vinh.

VĂN HUY
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo