Mãi lộ Việt Nam sẽ tái diễn trên phạm vi cả nước?
Giới “xế” đường dài một thời “khiếp vía” vì những "chiêu" làm tiền trắng trợn của một số nhân viên Trạm cân tải trọng Dầu Giây (Trảng Bom, Đồng Nai). Câu hỏi đặt ra là tiêu cực sẽ ở mức độ nào khi các trạm cân lưu động (TCLĐ) được thiết lập đồng loạt trong phạm vi cả nước?.
"Trạm mãi lộ Dầu Giây"
Sau 2 năm đưa vào hoạt động, Trạm cân Dầu Giây đã để xảy ra tiêu cực. Cụ thể, năm 2001, một ê kíp gồm 27 cán bộ, nhân viên, trong đó có 2 trạm phó, 3 ca trưởng của trạm cân này đã bị TAND tỉnh Đồng Nai xử phạt án tù về tội nhận hối lộ và môi giới hối lộ.
Năm 2004 trạm dừng hoạt động, nhưng đến năm 2009 thì hoạt động trở lại và liên tiếp sau đó, trạm cân “khét tiếng” này được dư luận và báo chí biết tới bởi một loạt sai phạm của các nhân viên cân xe vì cố tình làm sai lệch kết quả kiểm tra nhằm trục lợi.
Cụ thể, tháng 9/2010, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Nai đã lập chuyên án điều tra khi cùng lúc bắt quả tang một kíp trực gồm có hai nhân viên của trạm và một Thanh tra viên của Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) làm việc tại đây đã có hành vi nhận tiền chung chi của tài xế quá tải.
Theo đó, nắm được tâm lý lái xe không muốn tốn tiền phạt và thuê nhân công, bến bãi để hạ tải,…các nhân viên nói trên của Trạm cân Dầu Giây đã lên kế hoạch “làm ngơ” để nhận tiền, bằng các thủ đoạn dẫn xe quá tải vào trạm cân động, can thiệp vào hệ thống máy tính để xuất phiếu cân xe đúng tải trọng quy định rồi cho xe đi hoặc xe quá tải không qua cân động nhưng vẫn được các nhân viên trạm cân “phù phép” bằng cách tác động vào máy tính, in phiếu cân xe khống rồi lập biên bản.
Tại “điểm nóng” này, ngoài những người thi hành công vụ bị xử lý trước pháp luật, còn có không ít lái xe bị xử lý về tội đưa hối lộ. Trạm kiểm tra tải trọng phía Nam này một thời cũng là “đất sống” cho giới “cò” chuyên hành nghề dẫn xe quá tải qua trạm để ăn hoa hồng từ lái xe quá tải…
Không những thế, gần đây người ta còn phát hiện có cả “thiết bị là” được gắn ở hộp điều khiển cân động của trạm khiến hệ thống cân xe hoạt động “không bình thường”.
Mãi lộ sẽ tái diễn trên diện rộng?
Thực tế từ trạm cân Dầu Giây khiến nhiều người lo ngại tiêu cực, mãi lộ sẽ tái diễn khi Tổng cục ĐBVN đồng loạt cấp cân để kiểm soát tải trọng trên phạm vi cả nước.
Trả lời báo chí về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục ĐBVN khẳng định: Hệ thống các trạm cân mới đã được hiện đại hóa, những khâu trong quy trình kiểm tra xử lý dễ xảy ra tiêu cực đã được tự động cập nhật vào phần mềm bảo mật mà nhân viên vận hành không thể tự ý sửa chữa, thay đổi kết quả. Ngoài ra, việc ứng dụng thiết bị công nghệ hiện đại có kết nối với trung tâm của Tổng cục và kết nối với những đơn vị chức năng liên quan để công khai, minh bạch số liệu thực hiện cùng giám sát, hậu kiểm cũng sẽ giúp loại trừ các cơ hội tiêu cực...
Cũng theo ông Phó Tổng cục trưởng, Bộ GTVT và Tổng cục ĐBVN sẽ tăng cường giám sát, kiểm tra và cương quyết “xử” nghiêm các cá nhân vi phạm theo pháp luật, đồng thời đề nghị người dân và báo chí cùng giám sát hoạt động của các trạm kiểm soát tải trọng này.
Theo ông Nguyễn Văn Huyện, Chánh Thanh tra Bộ GTVT, phản hồi từ quần chúng nhân dân cho thấy, tình trạng tiêu cực, mãi lộ trong lực lượng CSGT nhiều hơn so với lực lượng Thanh tra giao thông. Tuy nhiên, để “phòng bệnh”, chúng tôi sẽ có kế hoạch phối hợp với Thanh tra của Bộ Công an tiến hành thanh tra đột xuất các trạm cân trên các tuyến QL được cho là “nóng”.
“Công tác phối hợp giữa 2 lực lượng này để cho hiệu quả, theo tôi chủ trương thì đã rõ rồi, phần còn lại là về địa phương, lãnh đạo các tỉnh, thành phố cần sâu sát, chỉ đạo quyết liệt nữa thì hoạt động sẽ tốt thôi”, ông Nguyễn Văn Huyện cho biết.
Theo Pháp luật Việt Nam
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo