Xã hội

Mai Thúc Lân và bài học lễ phép với dân

Ông Mai Thúc Lân từ trần để lại nhiều thương tiếc cho đồng bào cả nước.

Ông sinh ra ở Quảng Nam, bắt đầu dấn thân phục vụ nhân dân từ chân ruộng vùng Kinh Bắc đến cương vị Phó chủ tịch Quốc hội, cuộc đời ông trải qua biết bao buồn vui sóng gió. Nhưng dù ở cương vị nào, ông vẫn là một cán bộ mẫu mực vì dân vì nước, cuộc đời ông trong veo.

Ảnh: Ngọc Thắng
 
Tôi biết nhiều về ông, nhưng khi viết những dòng này trong tâm tưởng tôi chỉ thấp thoáng bóng dáng một người đàn ông thấp bé xách chiếc cặp bước vào một căn hộ tập thể ở Phương Mai vào mỗi buổi chiều. Đó là nhà của ông, một Phó chủ tịch Quốc hội, một căn hộ bình thường như bao căn hộ bình thường khác của người dân Hà Nội. Hồi đó tôi ở căn hộ ngay tầng trên căn hộ của ông, nên tôi biết rõ. Sau khi về hưu ông mới chuyển về ở một nơi khác, chứ hồi đương chức ông vẫn ở đó.
 
Trong những ngày nghỉ, lâu lâu tôi lại xuống nhà ông chơi, nói bao đồng chuyện này chuyện khác. Nhà văn Nguyễn Chí Trung, nguyên trợ lý Tổng bí thư Lê Khả Phiêu, có lần nhắc tôi khi xuống nhà ông Mai Thúc Lân nhớ mang một ít nho biếu cho ông ấy, nghĩ lại thấy tức cười. Tôi chỉ xuống nhà ông ăn trái cây của vợ ông mua về thôi chứ không bao giờ mang nho hay bất cứ thứ gì đến, ông Mai Thúc Lân chẳng bao giờ nhận quà cáp của ai, dù là một gói trái cây, nghe lời xúi dại của ông Nguyễn Chí Trung chắc tôi đã bị mắng.
 
Thỉnh thoảng tòa soạn cần bài liên quan đến Quốc hội, tôi lại xuống gặp ông phỏng vấn. Gần 15 năm trước, Báo Thanh Niên đăng trên trang nhất bài tôi phỏng vấn ông, với tựa đề Hãy thay các “đơn xin” bằng “giấy yêu cầu”. Ông bảo, lâu nay trong quan hệ giữa công dân với các cơ quan công quyền, cần việc gì bao giờ dân cũng phải làm “đơn xin...”, đó là điều không thể chấp nhận được. Người làm chính quyền là công bộc của dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn không ngần ngại nói chính quyền là đầy tớ của dân, chữ đầy tớ đúng nghĩa đen của nó nên Cụ Hồ không để trong ngoặc kép. Chủ mà làm việc gì cũng phải xin đầy tớ thì thật là vô lý. Đó còn là sự vô lễ đối với dân. Bởi vậy ông đề nghị thay tất cả các thứ “đơn xin” bằng “giấy yêu cầu” trong quan hệ giữa người dân với các cơ quan công quyền. Ông biết thay đổi một mẫu giấy tờ chưa thể làm thay đổi được một cung cách đã ăn sâu thâm căn cố đế trong cả một hệ thống, nhưng ít ra điều đó cũng có tác dụng nhắc nhở, rằng người làm chính quyền phải nhớ mình là công bộc nên phải lễ phép với dân.
 
Bài báo được bạn đọc hoan nghênh, nhưng tất nhiên chẳng có bao nhiêu tác dụng, trừ một thay đổi trong luật Doanh nghiệp, thay “Giấy phép kinh doanh” bằng “Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh”. Sự thay đổi này ít có người để ý, nhưng dù sao nó cũng mở đầu cho sự lễ phép đối với dân trong một văn bản pháp luật.
 
Ông Mai Thúc Lân một đời đau đáu với những oan khuất của người dân. Căn hộ tập thể ông ở trong một chung cư không rào không cổng nên hằng ngày những người dân bị oan vẫn đón ông trên lối đi. Dù rất phiền toái, sáng đi làm gặp họ, chiều về cũng gặp họ, nhưng ông vẫn không né tránh, ông từ tốn nói chuyện với họ khi có thời gian, hướng dẫn họ đến những nơi cần đến và giúp họ những gì ông có thể giúp được.
 
Tôi không kể những chuyện quan trọng ông đã làm, đã ứng xử, đã đối phó khi là chủ tịch, bí thư tỉnh ủy từ Hà Bắc tới Quảng Nam - Đà Nẵng cũng như khi làm Phó chủ tịch Quốc hội vì tôi không chứng kiến. Các đồng chí và những người cộng sự với ông có lẽ sẽ nói cho lớp người đi sau học hỏi.
 
Tôi chỉ có thể nói ông là một trong những hòn đá tảng chống tham nhũng, ngăn tệ bè phái và nỗ lực không ngừng nghỉ để góp phần làm cho chế độ, một chế độ mà ông suốt đời phụng sự, thực sự là chế độ phục vụ nhân dân.
 
Nguyên Phó chủ tịch Quốc hội Mai Thúc Lân đã trút hơi thở cuối cùng vào lúc 5 giờ 5 phút sáng 29.10, tại Bệnh viện T.Ư Quân đội 108, sau một thời gian lâm bệnh; hưởng thọ 79 tuổi.
 
Ông Mai Thúc Lân sinh ngày 6.1.1935, quê quán xã Điện Phước, H.Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Ông là Ủy viên T.Ư Đảng khóa 7, khóa 8; từng giữ nhiều chức vụ quan trọng như Phó chủ tịch tỉnh Hà Bắc (Bắc Ninh - Bắc Giang); Phó bí thư Tỉnh ủy kiêm Chủ tịch UBND tỉnh Hà Bắc; Ủy viên Thường vụ Quốc hội - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế ngân sách của Quốc hội khóa 9; Bí thư tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng; Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam (sau khi Quảng Nam - Đà Nẵng chia tách tỉnh).
 
Trước khi nghỉ hưu, ông giữ cương vị Phó chủ tịch Quốc hội khóa 10 (1997 - 2002). Gần đây nhất, năm 2007, ông được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh.
 

Dự kiến, lễ tang nguyên Phó chủ tịch Quốc hội Mai Thúc Lân sẽ được tổ chức tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội; lễ viếng diễn ra từ 7 giờ đến 11 giờ ngày 4.11.2014. 

Ẩn chứa tư cách kẻ sĩ
 
Anh Mai Thúc Lân có lẽ là một trong những người lãnh đạo mà tôi kính trọng toàn diện. Trong công việc, anh là người lãnh đạo có trí tuệ, năng lực, sâu sắc, quyết liệt và quyết đoán. Trong đối xử với đồng chí, anh chân thành, có tình; bản thân luôn thẳng thắn nhưng cũng biết sử dụng, nhận ra mặt mạnh của anh em.
 
Thời kỳ Quảng Nam - Đà Nẵng tái lập năm 1997, giữa bộn bề công việc và khó khăn của buổi ban đầu, kể cả tư tưởng và băn khoăn của cán bộ từ Đà Nẵng vào công tác... nhưng anh Lân đã quy tụ, tập hợp được, ổn định rất nhanh vấn đề dân tình và quan tình. Con người anh ngó cứng nhắc vậy nhưng thực ra rất mềm, có tính hài hước và nghệ sĩ. Nói về nhân cách Mai Thúc Lân, đó là con người tuyệt vời, trước hết là sự liêm chính, trong sáng, rất ghét cái xấu nhưng chí tình chí nghĩa. Phẩm hạnh của anh, kể cả giai đoạn còn công tác ở Quảng Nam, ra trung ương hay khi nghỉ hưu, đều khiến người khác phải ngước nhìn.
 
Bản thân tôi học được từ anh rất nhiều điều, về sự kiên quyết, năng lực tư duy, tầm trí tuệ, nhân cách sống. Anh say mê với công việc, sẵn sàng xả thân nhận vai trò lãnh đạo tỉnh Quảng Nam giai đoạn chia tách khi tuổi đã ngoài 60. Anh Mai Thúc Lân có cá tính rất Quảng Nam, luôn gai góc khi đặt vấn đề với cấp dưới hoặc đề xuất với cấp trên. Trong anh ẩn chứa tư cách của kẻ sĩ, thanh cao và tự trọng.
 
Nguyễn Sự (Bí thư Thành ủy TP.Hội An)
Theo Thanh niên
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo