Pháp luật

Mạnh tay với doanh nghiệp FDI bỏ trốn

Đã đến lúc cần mạnh tay xử lý doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) kinh doanh thua lỗ, không hiệu quả, bỏ của chạy lấy người, để lại hậu quả nặng nề.

(Đầu Tư) Trong danh sách các doanh nghiệp mà Cục Thuế tỉnh Bình Dương muốn “truy tìm tung tích”, không khó nhìn thấy những cái tên nước ngoài: Công ty TNHH Deok Chang Complex, Công ty TNHH Woodus, Công ty TNHH LD Scanmach Việt Nam…


Đây đều là những doanh nghiệp đã bỏ khỏi địa chỉ kinh doanh, mà không chỉ cơ quan thuế, còn hải quan, cơ quan đăng ký kinh doanh, đơn vị cho thuê cơ sở hạ tầng… và cả người lao động đều muốn tìm kiếm.

Tương tự, gần đây, liên tục nhiều tên của doanh nghiệp FDI được nhắc đến.

“Đình đám” nhất có lẽ phải kể đến “vụ án” Tricon Tower của Công ty cổ phần Minh Việt. Chủ đầu tư đột nhiên “mất tích”, hàng trăm khách hàng như ngồi trên đống lửa vì lo mất hàng trăm tỷ đồng đã đóng vào đó để mua căn hộ. Hay vụ việc của Công ty liên doanh Lifepro, chủ đầu tư Dự án LuxFashion (Gia Viễn, Ninh Bình).

Thực ra, Lifepro là cái tên không mới. Shin Cap (100% vốn Hàn Quốc, TP.HCM); Hojin (TP.HCM); Diing Long Việt Nam (Bình Dương); Kwang Sung Việt Nam (Đồng Nai); Tân Đài Việt (Thái Bình)… cũng vậy. Không mới bởi những doanh nghiệp này đã thuộc diện “doanh nghiệp vắng chủ” từ lâu, nhưng sau một thời gian khá dài, vẫn chưa thể xử lý.

“Ở Đồng Nai có gần 50 doanh nghiệp FDI thuộc diện vắng chủ, nhưng chúng tôi mới chỉ thu hồi giấy chứng nhận đầu tư của 17 dự án, số còn lại chưa xử lý được”, ông Võ Thanh Lập, Trưởng ban Quản lý KCN tỉnh Đồng Nai cho biết.

Tình trạng này diễn ra không chỉ ở Đồng Nai, mà còn ở nhiều địa phương khác trong cả nước. Hà Nội và TP.HCM là hai ví dụ điển hình nhất, với số lượng doanh nghiệp FDI bỏ trốn, xù nợ lên tới hơn 100. Theo thống kê qua báo cáo từ các địa phương, thì tính đến hết tháng 5/2013, có 518 doanh nghiệp FDI thuộc diện vắng chủ, với tổng vốn đăng ký trên 900 triệu USD.

Các doanh nghiệp này chủ yếu hoạt động trong các lĩnh vực dịch vụ, như quản lý doanh nghiệp, xây dựng, bất động sản… Và phần lớn doanh nghiệp này đều là dự án có quy mô nhỏ, dưới 500.000 USD và thường thuê lại nhà xưởng của các nhà đầu tư khác mà không có hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản.

Sau một thời gian đi vào hoạt động, thua lỗ kéo dài, không trả được lương cho người lao động, nợ đối tác, “quên” nghĩa vụ thuế với Nhà nước, các doanh nghiệp đóng cửa, ngừng kinh doanh, rồi… bỏ của chạy lấy người. Tài sản để lại không lớn, nhưng khó xử lý. Nợ không nhỏ nhưng không thể thu hồi, người lao động mất việc làm, bị nợ lương, Nhà nước bị thất thu ngân sách, lại lãng phí tài nguyên đất đai…

“Thời gian gần đây, số lượng doanh nghiệp, dự án FDI không còn hoạt động tại trụ sở đăng ký, chủ đầu tư bỏ về nước hoặc không thể liên lạc được gia tăng đáng kể. Điều này buộc chúng ta phải có hướng xử lý”, ông Trần Hào Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) bày tỏ quan điểm.

Thực tế cho thấy, các cơ quan quản lý Nhà nước thời gian qua rất “nhức đầu” với việc xử lý tình trạng doanh nghiệp FDI vắng chủ. Cơ quan Hải quan, hồi năm ngoái, đã cảnh báo và yêu cầu các cục hải quan địa phương rà soát danh sách doanh nghiệp đang nợ thuế. Nhưng tất cả cũng mới chỉ dừng lại ở mức đó.

Các sở Kế hoạch và Đầu tư Đồng Nai, Thái Bình, Bình Dương… khi xử lý các doanh nghiệp FDI bỏ trốn cũng vô cùng lúng túng và nhiều lần phải “cầu viện” Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhưng vướng mắc nằm ở quy định pháp lý, nên “gà vẫn mắc tóc”.

“Pháp luật hiện hành chưa có quy định về thu hồi giấy chứng nhận đầu tư với doanh nghiệp FDI vắng chủ. Việc giải thể, thanh lý doanh nghiệp đối với các doanh nghiệp FDI vắng chủ, có phát sinh các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác cũng không dễ dàng. Thu hồi đất để giao cho nhà đầu tư khác cũng khó, vì còn phải xử lý các tài sản đã hình thành trên đất…”, ông Hùng thừa nhận.

Mặc dù vậy, tình hình sẽ khá hơn, khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành khác đang “chung tay” để xử lý doanh nghiệp FDI bỏ trốn. Nhiều khả năng, ngay trong tháng 8 này, sẽ có những đề xuất đầu tiên liên quan đến vấn đề này.
 
 
Nguyên Đức
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo