Mất hồ sơ gốc, đổi GPLX bằng cách nào?
Đối với hồ sơ đổi giấy phép lái xe do ngành giao thông vận tải cấp
Theo câu trả lời của Luật sư Đặng Thành Chung, công ty Luật An Ninh (Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội) trên Cafeauto.vn, tại Điều 50 Thông tư 58/2015/TT-BGTVT hướng dẫn về Đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ quy định về hồ sơ đổi giấy phép lái xe như sau:
“Người lái xe lập 01 bộ hồ sơ, gửi trực tiếp tại Tổng cục Đường bộ Việt Nam hoặc Sở Giao thông vận tải. Hồ sơ bao gồm:
1. Đơn đề nghị đổi, cấp lại giấy phép lái xe theo mẫu quy định tại Phụ lục 27 ban hành kèm theo Thông tư này.
2. Giấy chứng nhận sức khỏe do cơ sở y tế có thẩm quyền cấp theo quy định, trừ các đối tượng sau:
a) Người có giấy phép lái xe hạng A1, A2, A3;
b) Người chuyển đổi giấy phép lái xe hạng A4, giấy phép lái xe ô tô còn thời hạn sử dụng trên 03 (ba) tháng bằng giấy bìa sang giấy phép lái xe bằng vật liệu PET;
c) Trường hợp tách giấy phép lái xe có thời hạn và không thời hạn.
3. Bản sao giấy phép lái xe, giấy chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu còn thời hạn có ghi số giấy chứng minh nhân dân (đối với người Việt Nam) hoặc hộ chiếu còn thời hạn sử dụng (đối với người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài).”
Như vậy, chủ phương tiện khi đi đổi giấy phép lái xe phải chuẩn bị hồ sơ bao gồm các giấy tờ theo quy định tại Điều 50 nêu trên và không cần hồ sơ gốc. Việc chuyển đổi giấy phép lái xe sang vật liệu PET bạn có thể đến Sở giao thông vận tải của bất cứ tỉnh nào để được làm thủ tục đổi.
Đối với hồ sơ đổi giấy phép lái xe do ngành công an cấp
Theo câu trả lời của Luật sư Vũ Tiến Vinh, công ty luật Bảo An, Hà Nội trên báo VnExpress cho biết:
1. Hồ sơ đổi giấy phép lái xe môtô do ngành công an cấp trước ngày 31/7/1995 bị hỏng:
Người lái xe lập một bộ gửi trực tiếp tại Tổng cục Đường bộ Việt Nam hoặc Sở Giao thông vận tải, gồm:
a) Đơn đề nghị đổi, cấp lại giấy phép lái xe theo mẫu quy định tại Phụ lục 29 của Thông tư này;
b) Giấy chứng nhận sức khoẻ do cơ sở y tế có thẩm quyền cấp theo quy định;
c) Bản sao chụp giấy phép lái xe và xuất trình bản chính để kiểm tra;
d) Bản chính hồ sơ gốc (đối với trường hợp có hồ sơ gốc).
Khi đến nộp hồ sơ, người lái xe được cơ quan cấp giấy phép lái xe chụp ảnh và phải xuất trình giấy chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu (đối với người nước ngoài) còn thời hạn để đối chiếu.
2. Hồ sơ đổi giấy phép lái xe do ngành công an cấp từ ngày 31/7/1995.
Hồ sơ do người lái xe lập một bộ gửi trực tiếp tại Tổng cục Đường bộ Việt Nam hoặc Sở Giao thông vận tải, gồm:
a) Đơn đề nghị đổi, cấp lại giấy phép lái xe theo mẫu quy định tại Phụ lục 29 của Thông tư này;
b) Quyết định ra khỏi ngành (chuyển công tác, nghỉ hưu, thôi việc ...) của cấp có thẩm quyền (bản sao có chứng thực);
c) Giấy chứng nhận sức khỏe do cơ sở y tế có thẩm quyền cấp theo quy định;
d) Giấy phép lái xe của ngành công an cấp còn thời hạn sử dụng (bản chính);
Khi đến nộp hồ sơ, người đổi giấy phép lái xe được cơ quan cấp giấy phép lái xe chụp ảnh và phải xuất trình Quyết định ra khỏi ngành, giấy chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu (đối với người nước ngoài) còn thời hạn để đối chiếu.
Hồ sơ đổi giấy phép lái xe công an là hồ sơ gốc, gồm tài liệu ghi ở các điểm a, b (mục 2) nói trên và giấy phép lái xe công an đã được cắt góc, giao cho người lái xe tự bảo quản.
Để được cấp đổi Giấy phép lái xe, người yêu cầu phải nộp lệ phí theo quy định của pháp luật.
Đối với trường hợp mất cả hồ sơ gốc và cả bằng lái xe
Theo tin tức trên báo Giao thông vận tải, căn cứ điều 52 Thông tư 46/2012/TT-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải thì:
Người có giấy phép lái xe bị mất lần thứ nhất, còn thời hạn sử dụng hoặc quá thời hạn sử dụng dưới 03 tháng, không còn hồ sơ gốc, có tên trong hồ sơ của cơ quan quản lý sát hạch, khi tra cứu vi phạm của người lái xe trong Cơ sở dữ liệu quản lý giấy phép lái xe thống nhất toàn quốc, nếu không phát hiện đang bị các cơ quan có thẩm quyền thu giữ, xử lý, sau 02 tháng kể từ ngày nộp đủ hồ sơ theo quy định, được xét cấp lại giấy phép lái xe (khoản 3).
Người có giấy phép lái xe bị mất lần thứ nhất, quá thời hạn sử dụng từ 03 tháng đến dưới 01 năm, không còn hồ sơ gốc, có tên trong hồ sơ của cơ quan quản lý sát hạch, khi tra cứu vi phạm của người lái xe trong Cơ sở dữ liệu quản lý giấy phép lái xe thống nhất toàn quốc, nếu không phát hiện đang bị các cơ quan có thẩm quyền thu giữ, xử lý, sau 02 tháng kể từ ngày nộp đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định, phải dự sát hạch lại lý thuyết để cấp lại giấy phép lái xe (khoản 5).
Người có giấy phép lái xe bị mất lần thứ hai trong thời hạn 02 năm kể từ ngày cấp lại cho giấy phép lái xe bị mất lần thứ nhất, nếu có tên trong hồ sơ của cơ quan quản lý sát hạch, khi tra cứu vi phạm của người lái xe trong Cơ sở dữ liệu quản lý giấy phép lái xe thống nhất toàn quốc, không phát hiện đang bị các cơ quan có thẩm quyền thu giữ, xử lý, sau 02 tháng kể từ ngày nộp đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định, phải sát hạch lại lý thuyết để cấp lại giấy phép lái xe (khoản 7).
Như vậy, nếu không còn hồ sơ gốc vẫn được cấp lại bằng lái xe (khoản 3), phải sát hạch lại lý thuyết (khoản 5, khoản 7).
End of content
Không có tin nào tiếp theo