Mất hơn 2.000 tỷ đồng vì chất tạo nạc
Ngày 6/4, đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn do Thứ trưởng Nguyễn Thị Xuân Thu dẫn đầu, đã kiểm tra công tác quản lý chăn nuôi, giết mổ và kiểm soát việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi tại tỉnh Đồng Nai.
Nguồn từ thương lái?
Báo cáo về tình hình kiểm tra, kiểm soát việc sử dụng chất cấm, ông Trần Văn Quang, Chi cục phó Chi cục Thú y Đồng Nai, cho biết qua kiểm tra 93 mẫu thức ăn và nước tiểu lấy tại các cơ sở chăn nuôi lợn, Chi cục Thú y phát hiện 11 cơ sở chăn nuôi có mẫu xét nghiệm dương tính với chất cấm.
Trước đó, ông Quang nêu ra những bất cập trong việc xử lý đối tượng vi phạm khi vào tháng 8/2011, Công an huyện Thống Nhất phát hiện một đối tượng vận chuyển 5kg Salbutamol (98%) đi tiêu thụ.
Tuy nhiên, đối tượng này chỉ bị xử phạt 6,5 triệu đồng vì chưa đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, do hiện nay chỉ có ngành nông nghiệp có chế tài cấm sản xuất, kinh doanh và sử dụng chất này, còn ngành y tế vẫn cho chỉ định được dùng làm thuốc hỗ trợ điều trị các bệnh về hô hấp.
Qua kiểm tra, tỉnh Đồng Nai nhận định các đối tượng sử dụng chất cấm thời gian qua hầu hết là các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ có tổng đàn dưới 100 con.
Có thể nguyên nhân các hộ sử dụng chất cấm để tạo nạc là do một bộ phận thương lái đã gây áp lực về giá, buộc người chăn nuôi sử dụng chất cấm, sau đó mua sản phẩm này với giá cao hơn khoảng 5.000 đồng/kg.
Trong ngày, đoàn kiểm tra đến cơ sở chăn nuôi lợn của ông Nguyễn Văn Thái. Đây là hộ nằm trong số 11 cơ sở chăn nuôi vừa bị phát hiện có mẫu thức ăn dương tính với chất cấm Salbutamol.
Ông Thái thừa nhận kết quả kiểm tra, nhưng không nhận có trộn chất cấm vào thức ăn chăn nuôi và đề nghị cơ quan chức năng phân tích rõ chất cấm nằm ở thành phần nào trong thức ăn hỗn hợp mà ông đã sử dụng.
Tuy nhiên, ông Thái nhìn nhận từng có người đề nghị sử dụng chất cấm.
Có thể tái bùng phát
Ông Dương cho biết thống kê kết quả phân tích chất cấm trong ba tháng đầu năm cho thấy, đã phát hiện dương tính đối với 13/268 mẫu thức ăn chăn nuôi (chiếm 4,8%); 8/179 mẫu thịt, gan lợn (chiếm 4,4%) và 7/108 mẫu nước tiểu lợn (chiếm 6,4%).
Cục Chăn nuôi thành lập hai đoàn kiểm tra lấy 90 mẫu tại 15 tỉnh miền Bắc và duyên hải Nam Trung Bộ; qua phân tích, phát hiện có ba mẫu dương tính tại Hòa Bình, Bắc Ninh và Hải Dương.
Như vậy, số lượng mẫu dương tính ở khu vực phía Bắc và duyên hải Nam Trung bộ là khá thấp.
Ông Dương nhận định: “Tình hình sử dụng chất cấm thuộc nhóm Beta Agonist trong chăn nuôi hiện nay cơ bản đã được kiểm soát giảm và đưa tình hình trở lại với mức độ thực tế. Tuy nhiên, việc sử dụng chất cấm này vẫn còn nhiều phức tạp và tiềm ẩn những nguy cơ bùng phát trở lại, nhất là khi vấn đề này đã trở thành kế sinh nhai và làm giàu của một số đối tượng kinh doanh và chăn nuôi bất chính”.
Ông Dương kiến nghị Bộ Y tế xem xét bỏ quy định giới hạn cho phép Ractopamine trong thực phẩm như các chất Clenbuterol và Salbutamol hiện nay.
Qua việc kiểm tra tại Đồng Nai, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn yêu cầu các ngành chức năng tỉnh Đồng Nai tìm ra đầu mối cung cấp chất cấm cho người chăn nuôi.
Theo TP
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Đề xuất cho doanh nghiệp tự quyết giá xăng dầu có tỷ trọng tiêu thụ thấp
Vĩnh Phúc nỗ lực 'xanh' hoá để phát triển bền vững
Bất động sản miền Trung khởi sắc: Đà Nẵng, Quảng Bình dẫn đầu xu hướng tăng trưởng
Thủ tướng: Can thiệp vào hoạt động doanh nghiệp nhà nước sẽ làm méo mó thị trường, cản trở phát triển