Pháp luật

Mâu thuẫn giữa Mai Văn Phúc và Dương Chí Dũng

Vợ bị cáo Mai Văn Phúc chia sẻ, chồng mình và ông Dũng xảy ra sự bất hòa đã lâu, nên không có chuyện hai người hợp tác.

Mặc dù đang rất bối rối trước phiên xét xử phúc thẩm của chồng mình sắp diễn ra trong thời gian tới nhưng bà Ngô Thị Vân (sinh năm 1961) – trú tại phường Thụy Khuê (Tây Hồ - Hà Nội) – vợ của cựu Tổng Giám đốc Vinalines Mai Văn Phúc vẫn nén lại những tâm trạng này để về quê chăm mẹ bị ốm ở Quảng Ninh.

Bà Vân tỏ ra hết sức mệt mỏi nhưng trên khuôn mặt bà như dãn ra phần nào sự lo lắng khi có người để mình dốc bầu tâm sự.

Bà Vân chia sẻ: “Ngoài tình yêu vợ, thương con thì anh Phúc chỉ còn một tình yêu mãnh liệt với công việc của mình. Điều đó khiến tôi nhiều lúc cũng phải chạnh lòng vì có khi đi làm cả ngày về nhà với vợ với con ăn được bữa cơm tối cũng phải nhanh nhanh chóng chóng để làm việc”.

Theo lời bà Vân, từ ngày ông Phúc bị bắt, tinh thần của bà và những người thân trong gia đình đã suy sụp rất nhiều. Bà Vân chia sẻ: “Thực tình sau khi tòa sơ thẩm tuyên án tử hình với anh Phúc, tôi đã cố gắng hết sức mình để vượt qua nỗi đau này.

Với tình cảm, tư cách, trách nhiệm của một người vợ tôi luôn mong muốn một bản án công minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật với chồng mình.

Tôi đã làm hết tất cả những gì mình có thể để anh Phúc không phải chịu oan sai. Giờ tôi chẳng biết được điều gì là tốt cho anh Phúc nữa. Những điều tôi nói ra không biết có gây hại cho anh Phúc hay không nhưng tôi chỉ biết nói lên sự thật…”.

Bà Ngô Thị Vân (người mặc áo tối màu) đau khổ trước bản án tử hình của chồng.

Chia sẻ về mối quan hệ của chồng mình với Dương Chí Dũng – nguyên Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, người cũng bị TAND TP. Hà Nội tuyên án tử hình trong phiên xét xử sơ thẩm với cùng tội danh, bà Vân nói: “Chồng tôi và anh Dũng quen nhau đã lâu và làm cùng với nhau trong cùng một ngành.

Tuy nhiên, từ lâu giữa hai người đã xảy ra mối bất hòa, anh Dũng chẳng ưa gì chồng tôi cả, điều này thì tất cả nhân viên trong công ty đều biết. Vì vậy, làm sao hai người có thể cùng nhau câu kết tham ô, làm trái quy định nhà nước được?”.

Lý giả về mối bất hòa trong quan hệ giữa Mai Văn Phúc và Dương Chí Dũng, bà Vân nhận định: “Có thể là do tính cách hoặc trong cách làm việc, điều hành công ty có những quan điểm bất đồng.

Điều này là kết quả từ nhiều lần hai người có ý kiến trái ngược nhau nên kể ra sẽ rất dài dòng mà chẳng biết ai là người đúng, ai là người sai vì mỗi người đều có những quan điểm cá nhân của mình”.

Chiều tối ngày 19/4, bà Vân đã có buổi gặp gỡ luật sư bào chữa cho chồng mình để chuẩn bị cho phiên xét xử sơ thẩm diễn ra vào ngày 22/4 tại TAND TP. Hà Nội.

Nộp tiền bồi thường, Dương Chí Dũng cũng chưa chắc thoát án tử

Thông tin từ Cục Thi hành án dân sự TP.Hà Nội cho hay, gia đình bị cáo Dương Chí Dũng đã nộp tại cơ quan này 4,7 tỷ đồng tiền khắc phục hậu quả trong vụ “đại án” tại Vinalines. Trong khi đó, gia đình bị cáo Mai Văn Phúc cũng đã nộp được 3,5 tỷ đồng.

Tuy nhiên, với việc gia đình bị cáo Dũng và Phúc nộp tiền sau phiên tòa sơ thẩm thì hiện cũng chưa thể xác định rõ đây là khoản tiền khắc phục cho hành vi phạm tội “Tham ô” hay “Cố ý làm trái”?.

Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc tại phiên xét xử sơ thẩm tại TAND TP. Hà Nội.

Một số luật sư cho rằng, để làm rõ nội dung trên thì tại phiên tòa phúc thẩm tới đây, cần hỏi bị cáo Dũng và Phúc để xem ý kiến chính thức của họ đối với khoản tiền mà gia đình bị cáo đã nộp. 

Nếu hai bị cáo này cho rằng đây là khoản tiền khắc phục hậu quả cho hành vi “Tham ô” thì tất nhiên họ phải nhận tội, vì phải có việc tham ô mới có chuyện nộp lại tiền.

Tham khảo ý kiến của một số luật sư, được biết nếu các bị cáo nhận tội và có việc khắc phục hậu quả ở phiên tòa phúc thẩm tới đây thì Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc sẽ có hai tình tiết giảm nhẹ ở tội “Tham ô tài sản” là người phạm tội “tự nguyện bồi thường, khắc phục hậu quả” và “thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải” - thuộc trường hợp có nhiều tình tiết giảm nhẹ theo hướng dẫn ở Mục 4.2 Nghị quyết 01? Như vậy, có khả năng Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc sẽ được giảm án tử hình. 

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia pháp lý cũng cho rằng, Nghị quyết 01 nói trên cũng chỉ mang tính chất hướng dẫn trong công tác xét xử của Tòa án. Còn về nguyên tắc chung thì khi quyết định hình phạt, Tòa án phải căn cứ vào diễn biến công khai tại phiên tòa trên cơ sở các quy định của BLHS, cân nhắc tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội, các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự. 

Theo Đất Việt
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo