Mâu thuẫn lợi ích Trung - Nga tại Trung Á
Báo Anh và tạp chí Nhật Bản hôm qua nhận định, Lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng phát xít tại Mátxcơva hôm 9/5 nói lên nhiều điều về địa chính trị ngày nay, đặc biệt là khi Chủ tịch Trung Quốc là khách mời danh dự của Tổng thống Nga, và nhiều thỏa thuận lớn giữa 2 nước được ký kết. Tuy nhiên, quan hệ Nga - Trung được cho là vẫn bị thống trị bởi sự cạnh tranh, đặc biệt ở Trung Á.
Nhân chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Mátxcơva, hàng loạt thỏa thuận về thương mại, kinh tế và năng lượng được ký kết. Vấn đề chính trong chương trình nghị sự là thỏa thuận kết nối Liên minh Kinh tế Á - Âu và dự án Con đường Tơ lụa.
Tuần tới sẽ diễn ra một sự kiện mang tính biểu tượng cho quan hệ đối tác chiến lược ngày càng khăng khít giữa hai nước là 3-4 tàu Hải quân Trung Quốc và 6 tàu Hải quân Nga sẽ tập trận bắn đạn thật ở vùng biển phía đông của Địa Trung Hải, sau nhiều đợt tập trận chung tương tự ở Thái Bình Dương kể từ năm 2013, nhằm gửi một thông điệp rõ ràng đến Mỹ và các đồng minh. Ở khía cạnh thực tế hơn, đợt tập trận tuần tới sẽ thúc đẩy việc Trung Quốc muốn bán tàu khu trục tên lửa dẫn đường lớp 054A cho Nga. Đây cũng sẽ là trải nghiệm thực tế ở khu vực không ổn định mà Trung Quốc đang ngày tăng hiện diện về kinh tế, báo Anh The Economist đưa tin.
Tuy nhiên, khúc mắc vẫn đôi khi nổi lên trong quan hệ Mátxcơva - Bắc Kinh. Nga đóng vai trò chủ chốt khi giúp Trung Quốc hiện đại hóa quân đội trong những năm 1990. Nhưng kể từ giữa thập kỷ qua, việc Trung Quốc sao chép công nghệ quân sự của Nga để trở thành đối thủ cạnh tranh của Nga trên thị trường vũ khí khiến doanh số bán vũ khí của Nga sang nước láng giềng sụt giảm mạnh.
Nga cũng đề phòng nguy cơ trở thành nhà cung cấp tài nguyên thiên nhiên thuần túy cho cỗ máy công nghiệp Trung Quốc. Các nhà quan sát cho rằng, nếu Nga có thể bán cho châu Âu lượng khí đốt đủ để duy trì tăng trưởng kinh tế, Mátxcơva sẽ vẫn để thỏa thuận bán khí đốt cho Trung Quốc ở trạng thái chờ. Kế hoạch xây dựng 2 đường ống dẫn khí từ Siberia sang Trung Quốc được thông báo từ năm 2006 nhưng rơi vào im lặng cho đến tận gần đây, sau khi xảy ra cuộc khủng hoảng Ukraine.
Cuộc khủng hoảng Ukraine buộc Nga phải “xoay trục” kinh tế sang châu Á nhằm giảm tác động của các biện pháp trừng phạt của phương Tây. Đối với Trung Quốc, đây là cơ hội vàng để tăng tiếp cận nguồn tài nguyên thiên nhiên của Nga với giá ưu đãi và tham gia vào các dự án hạ tầng lớn đáng ra rơi vào tay các đối thủ phương Tây.
Khó khăn của Nga được cho là cũng thể hiện rõ trong quyết định gần đây nhằm khôi phục xuất khẩu vũ khí công nghệ cao sang Trung Quốc. Hồi tháng 4, Nga đồng ý bán hệ thống tên lửa phòng không S-400 cho Trung Quốc, để từ đó Trung Quốc có lợi thế lớn hơn ở khu vực đảo Đài Loan và Điếu Ngư/Senkaku.
Mâu thuẫn lợi ích ở Trung Á
Mâu thuẫn chính giữa hai nước được cho là cạnh tranh ảnh hưởng ở Trung Á, khu vực một thời là sân sau của Nga. Nỗ lực lập Liên minh Kinh tế Á - Âu của Tổng thống Nga Vladimir Putin được cho là một phần nhằm cạnh tranh với ảnh hưởng kinh tế ngày càng tăng của Trung Quốc ở Trung Á - khu vực mà Trung Quốc muốn phát triển dự án Vành đai Kinh tế Con đường Tơ lụa mới. Trung Quốc cũng đang sử dụng Tổ chức Hợp tác Thượng Hải để thúc đẩy hợp tác an ninh với khu vực này.
Ở Trung Á, triển vọng tạo nên một liên kinh kinh tế sâu rộng hơn như ông Putin dự kiến được cho là ngày càng bị đe dọa bởi sự hội nhập kinh tế nhanh của các quốc gia Trung Á với Trung Quốc. Xu hướng này càng được đẩy nhanh khi Bắc Kinh nỗ lực đưa Trung Á vào các kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng Á - Âu, thúc đẩy hợp tác năng lượng và thương mại giữa các tỉnh phía tây Trung Quốc và các thị trương châu Âu dưới đề án Vành đai Kinh tế Con đường Tơ lụa mới. Dù Trung Quốc nỗ lực gạt đi những lo ngại của Mátxcơva, rằng kế hoạch này không nhằm chống lại Nga, nhưng các nhà quan sát cho rằng, Liên minh Kinh tế Á - Âu của ông Putin và những kế hoạch tham vọng của Trung Quốc ở Trung Á không tương thích về lợi ích.
Trung Quốc nhanh chóng chiếm vị thế thống trị về kinh tế và chính trị của Nga từ giữa thế kỷ 19 ở khu vực Trung Á. Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của tất cả 5 nước cộng hòa Trung Á, với tổng giá trị thương mại hiện nay hơn gấp đôi so với Nga. Đẩy mạnh đầu tư vào khu vực này, Trung Quốc đã xây dựng những đường ống dầu khí lớn xuyên khắp Trung Á và phá vỡ vị thế thống trị về xuất khẩu năng lượng của Nga. Các nước Trung Á hiện nay cung cấp cấp cho Bắc Kinh khoảng 40% khí đốt xuất khẩu. Tháng 9 năm ngoái, Tajikistan và Trung Quốc khởi công xây dựng đường ống dẫn khí mới để biến Tajikistan trở thành nước trung chuyển mới nhất trong hệ thống cung cấp khí đốt từ Trung Á sang Trung Quốc.
Mâu thuẫn giữa Mátxcơva và Bắc Kinh bộc lộ qua những ý kiến mật bị rò rỉ của cựu Đại sứ Trung Quốc tại Kazakhstan, ông Cheng Guoping, vào tháng 1/2010. Ông Cheng nói rằng, ở Trung Á, Trung Quốc và Nga là đối thủ trên mặt trận kinh tế, và “phản ứng của Nga sẽ không buộc Trung Quốc hạn chế hợp tác ở khu vực”. Ông Cheng cũng dự đoán “ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc sẽ phá vỡ sự độc quyền của Nga ở khu vực”. Vào thời điểm đó, ông Cheng không chỉ “thể hiện quan điểm tích cực về vai trò của Mỹ ở khu vực” mà còn cho rằng NATO nên tham gia “như một khách mời” vào các cuộc đối thoại trong khuôn khổ Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, tạp chí Nhật Bản The Diplomat đưa tin.
Một khó khăn khác là quan hệ hợp tác năng lượng và quân sự của Nga với một số nước có khúc mắc với Trung Quốc như Ấn Độ.
Theo TPO
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo