Xã hội

Máy bay CASA 212 gặp nạn: Nhói đau nhớ về "anh cả", Đại tá Lê Kiêm Toàn

(DNVN) - Đại tá Lê Kiêm Toàn, người trực tiếp lái máy bay CASA 212 cùng 8 quân nhân đã anh dũng hy sinh. Đồng đội nhói đau nhớ về nụ cười hào sảng, giọng nói vang mạnh mẽ của người "anh cả" Lữ đoàn 918.

Tin tức trên báo Tiền phong ngày 16/6 khi nghe tin dữ máy bay tuần thám CASA 212 - 8983  gặp sự cố, cả Lữ đoàn 918 (Quân chủng Phòng không - Không quân) vô cùng bàng hoàng. Càng đau buồn hơn nữa khi biết tin Đại tá Lê Kiêm Toàn, Lữ Đoàn trưởng đầu tiên được coi là người anh cả, chèo lái con thuyền đơn vị từ khi thành lập Lữ đoàn trong suốt 8 năm an toàn bay, cùng 8 đồng đội đã anh dũng hy sinh sau khi CASA 212 gặp nạn.

Lữ đoàn 918 là đơn vị duy nhất của Quân chủng Phòng không – Không quân (PKKQ) chuyển loại và tiếp nhận sử dụng máy bay tuần thám CASA 212 để  thực hiện nhiệm vụ trên giao và nhiệm vụ tuần thám biển cho lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam.

CASA 212 - 8983 lần đầu tiên hạ cánh và trở về an toàn từ Trường Sa. Trong ảnh: Đại tá, Cơ trưởng Lê Kiêm Toàn, Lữ đoàn trưởng 918. Ảnh Tiền phong.

CASA 212 do tập đoàn Airbus sản xuất tại Tây Ban Nha  ngoài ra trên máy bay này còn có “hệ thống tuần thám biển MSS-6000” do Thụy Điển sản xuất, nên các phi công, sĩ quan tuần thám phải được tuyển chọn để cử đi học tập, chuyển loại máy bay tại hai quốc gia nói trên.

Đại tá Lê Kiêm Toàn là người  được cấp trên tin tưởng giao nhiệm vụ, là chỉ huy cao nhất, trưởng đoàn khóa đào tạo chuyển loại máy bay CASA 212 tại Tây Ban Nha và Thụy Điển trong 2 năm 2011 và 2012. Cùng được đào tạo chuyển loại máy bay mới tuần thám CASA 212 đầu tiên của Việt Nam với Đại tá Toàn còn có Phi đội phó, Tham mưu trưởng Lê Quang Hòa (lái chính), hai lái phụ là thiếu tá Nguyễn Văn Chính, Chính trị viên, phi đội Phi công cấp 3 (hiện đã hy sinh) và Phó Phi đội trưởng huấn luyện Phạm Quốc Hưng.

Trở về đơn vị, Lữ đoàn 918 thực hiện nhiệm vụ theo đặc thù huấn luyện để sắp xếp đội bay. Ngay khi chiến đấu cơ Su-30KM2 gặp nạn trên biển ngày 14/6, Lữ đoàn 918 được lệnh của Quân chủng thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm. Lãnh đạo chỉ huy Lữ đoàn chia 2 tổ bay, mỗi tổ có 2 kíp lái chính và lái phụ cùng phi hành đoàn tinh nhuệ nhất tham gia.

Tại thời điểm này, trong 3 chiếc máy bay tuần thám mang ký hiệu 8981; 8982; 8983 thì chiếc CASA 212 - 8983 là chiếc đầu tiên và duy nhất được người anh cả, Lữ đoàn trưởng Đại tá Lê Kiêm Toàn thực hiện bay huấn luyện hạ cánh an toàn tại Trường Sa, đánh dấu bước trưởng thành mới  khai thác, sử dụng máy bay mới CASA 212 thực hiện nhiệm vụ bay từ đất liền ra đảo.

Tổ 1 tham gia bay tìm kiếm trong 2 ngày 14 và 15/6 vừa trở về thì Đại tá Toàn cùng tổ bay của mình có 2 lái chính, hai lái phụ cùng các  phi công, thành viên bay và nhân viên tuần thám, kỹ thuật hàng không lên đường tiếp tục hành trình tìm kiếm đồng đội trên biển.

 

Thiếu tá Đào Ngọc Xuân, Phó Chủ nhiệm Chính trị Lữ đoàn 918, đồng thời là phi công máy bay vận tải AN-26 cho biết, đêm 15/6 trời nổi giông bão, sáng 16/6 trời vẫn chưa ngừng mưa, nhưng việc tìm kiếm đồng đội và chiến đấu cơ Su-30KM2 là nhiệm vụ hàng đầu nên Đại tá Toàn lái chính cùng đội bay của mình  thực hiện lệnh cất cánh từ sân bay Gia Lâm (Hà Nội) lúc 9h10. 

Đến 12h30, khi nhận được thông tin CASA 212 - 8983 mất liên lạc, cả Lữ đoàn 918 bàng hoàng đến khó tin. “Tất cả đồng đội, chiến sĩ của anh đều mong đó chỉ là sự cố nhỏ rồi sớm sẽ trở lại bình thường để thực hiện nhiệm vụ. Bởi, suốt 8 năm qua Trung đoàn 918, nay được tổ chức lại là Lữ đoàn 918, Đại tá Toàn trên cương vị là Lữ đoàn trưởng đầu tiên luôn đảm bảo an toàn bay nổi tiếng trong toàn quân”, Thiếu tá Xuân cho biết.

Trước khi ra sân bay, khi giao nhiệm vụ cho tổ bay, anh Toàn còn nói với anh em rằng “mình đi tìm đồng đội mình là đau thương rồi nhưng phải hết sức chú ý đảm bảo an toàn, nắm chắc tọa độ, bay theo lệnh của sở chỉ huy”... Đó gần như là những câu nói cuối cùng của anh” - đại tá Nguyễn Hoài Thủy chỉ huy bay ở căn cứ của Lữ đoàn 918 đau xót kể với phóng viên báo Tuổi trẻ.

Đại tá Lê Kiêm Toàn dễ gây ấn tượng với người khác bởi ngoại hình không thể lẫn vào đâu được: làn da ngăm đen, vóc người vạm vỡ, đậm mình và giọng nói vang, mạnh mẽ cùng nụ cười đầy hào sảng. Anh em trong đơn vị vẫn gọi anh bằng cách gọi rất thân mật: Toàn béo, Toàn gấu. Ai gặp cũng không thể quên nụ cười của anh, rổn rảng, thoải mái và toát lên khí chất của một vị chỉ huy.

Ít ai biết lữ đoàn trưởng Đại tá Lê Kiêm Toàn xuất thân là phi công lái máy bay chiến đấu Mig-21 của trung đoàn 929. Trong quá trình lái Mig-21, anh từng gặp sự cố khi đang bay nhưng xử lý tốt sự cố và tiếp tục tung bay. “Khả năng, cá tính của anh Toàn đúng là của phi công phản lực: mạnh mẽ, nhanh nhẹn, chắc chắn, cẩn thận và rất am hiểu kỹ thuật” - thượng tá Nguyễn Thái Sơn (phó chủ nhiệm chính trị lữ đoàn 918) một trong những người gắn bó với đại tá Lê Kiêm Toàn cho biết.

 

Đại tá Nguyễn Hoài Thủy chia sẻ: “Với chúng tôi, anh Toàn là chim đầu đàn. Anh Toàn học ở Tây Ban Nha chỉ hai tháng rồi về nước, khai thác CASA 212 cho đến bây giờ. Anh đào tạo tôi, phê chuẩn cho tôi làm giáo viên, tôi lại dạy lại cho anh em. Hồi đi tìm MH-370, tôi lái một chiếc, anh Toàn lái một chiếc”. Là phi công cấp 1 với gần 3.000 giờ bay tích lũy, bay được cả bốn loại khí tượng, đại tá Lê Kiêm Toàn thường bay kèm các phi công mới cho đến khi họ có thể bay độc lập.

“Tôi học được rất nhiều điều từ người anh của mình. Anh là phi công chiến đấu nên rất bản lĩnh, độc lập và quyết đoán” - đại tá Thủy nhói đau kể lại. Trong ký ức của đồng đội, đại tá Lê Kiêm Toàn là người rất hòa đồng, vui tính, dí dỏm. “Anh ấy cười suốt ngày, thấy căng thẳng là làm giảm nhiệt ngay và biết điều tiết cảm xúc.

Theo Thượng tá Nguyễn Thái Sơn, “Anh Toàn là thầy của những người thầy phi công về CASA 212. Chúng tôi đã mất mát quá lớn. Nhìn anh cứ tưởng anh nóng tính nhưng khi chỉ huy bay, anh chưa bao giờ quát mắng phi công. Anh nhẹ nhàng chỉ ra cho phi công biết để điều chỉnh thao tác, đợi đến khi hạ cánh an toàn về mới nhắc nhở”.

Như tin tức đã đưa, máy bay CASA 212 mang số hiệu 8983 mất liên lạc lúc 12h30 ngày 16/6, tại tọa độ 19o25'40"N-107o19'54"E (cách nam tây nam đảo Bạch Long Vĩ thuộc TP Hải Phòng khoảng 44 hải lý khi bay tìm kiếm cứu nạn phi công máy bay Su-30KM2 mất tích trước đó.

Trên máy bay có 9 sĩ quan và quân nhân do Đại tá Lê Kiêm Toàn, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 918 thuộc Quân chủng Phòng không - Không quân lái chính. Sau đó, lực lượng tìm kiếm cứu nạn đã vớt được một số bộ phận của chiếc máy bay CASA 212 gồm mảnh khung vỏ, lốp và càng sau bên trái.

 

Đến ngày 24/6 Thượng tướng Võ Văn Tuấn, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam xác nhận quân nhân trong phi hành đoàn CASA 212 đã hy sinh.

Nên đọc
Hồng Hà (T/H)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo