Xã hội

Máy bay mất tích ở Vũng Tàu: Đau xót gia cảnh phi công hy sinh

(DNVN) - Ít ai biết phi công Dương Lê Minh hy sinh trong vụ rơi máy bay xảy ra tại Bà Rịa Vũng Tàu là người thứ 2 trong gia đình tử vong vì tai nạn máy bay.

Sau hơn 1 ngày tìm kiếm chiếc trực thăng EC-130, trưa 19/10, lực lượng chức năng đã tìm thấy xác máy bay và thi thể 3 phi công tại núi Bao Quan, thuộc khu núi Dinh, xã Châu Pha, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, theo tin tức trên báo Tiền phong. 

Ba phi công gồm: đại úy Dương Lê Minh (SN 1984, quê Khánh Hòa, giáo viên) cùng hai trung úy học viên là Đặng Đình Duy (SN 1991, quê Thanh Hóa) và Nguyễn Văn Tùng (SN 1991, quê Hà Nam). 

Đại úy Dương Lê Minh. (Ảnh: PL TP.HCM)

Theo nguồn tin tại hiện trường, chiếc trực thăng cháy rụi và vỡ vụn, cả ba thi thể phi công còn nguyên vẹn nhưng mới nhận dạng được một người.

Sáng 18/10, phi công Dương Lê Minh đã tử nạn trong vụ rơi máy bay xảy ra tại khu vực núi Dinh, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Anh là người thứ 2 trong gia đình hy sinh vì tai nạn máy bay, báo Dân việt đưa tin.

Trước đó, cha của anh là thượng tá Dương Văn Thanh - Phó Trung đoàn Không quân 910 cũng đã hy sinh khi huấn luyện bay cho học viên ngày 29/4/2005.

Theo nhiều đồng nghiệp, cả hai đều là những phi công cự phách của Không quân Việt Nam. Đại tá Đàm Văn Toản, Chính ủy Sư đoàn Không quân 916, chia sẻ: "Anh Dương Văn Thanh là phi công thế hệ đàn anh. Khi còn học tại Trường sỹ quan Không quân, chúng tôi được biết anh là một phi công mẫu mực trong cả sinh hoạt ngoài đời lẫn khi anh làm nhiệm vụ bay".

Theo vị này, tháng 4/2005, lúc nghe tin anh Thanh gặp nạn, rất nhiều người đã không thể tin được. Sau này, mọi người trong nghề mới biết, hôm đó anh tham gia huấn luyện máy bay cánh bằng L39 - một máy bay quân sự loại nhỏ.

 

Khi máy bay gặp sự cố kỹ thuật chết máy trên không, chỉ huy bay đã nhiều lần yêu cầu anh Thanh nhảy dù để đảm bảo tính mạng, nhưng anh Thanh đã chấp nhận hy sinh, không nhảy dù mà ra lệnh cho học viên là phi công Đào Việt Hưng mở cửa buồng lái phụ nhảy ra thoát nạn.

"Anh Thanh đã điều khiển máy làm động tác kỹ thuật bay lao ra biển tránh đâm vào khu du lịch Vinpearl lúc đó đang rất đông người vui chơi" - đại tá Toản nhớ lại. 

"Hành động quả cảm của người phi công quê Yên Mô, Ninh Bình đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang vào năm 2007" - đại tá Toản cho hay.

Khi người cha hy sinh, đại úy Dương Lê Minh đang là học viên của Trường sỹ quan Không quân. Lúc đó mẹ anh đã khuyên anh nên bỏ nghề binh nghiệp, nhưng nghĩ về người cha, nghĩ về tuổi thơ đã gắn bó với những chuyến bay từ nhỏ, anh Minh đã quyết tâm nén đau thương để tốt nghiệp loại xuất sắc và cũng được giữ lại trường làm giáo viên huấn luyện bay như cha mình.

Trước chuyến bay định mệnh gặp nạn tại khu vực núi Dinh, sỹ quan Dương Lê Minh được đánh giá là một trong những giáo viên, phi công có tay nghề cao, có gia đình truyền thống, bản lĩnh chính trị vững vàng.

 

Nên đọc
Hồng Hà (T/H)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo