Máy tia đất quay tít trong thẩm mỹ viện Cát Tường
Vụ bác sỹ thẩm mỹ viện Cát Tường phi tang thi thể nạn nhân xuống sông Hồng, chiều 27/12, gia đình nạn nhân đã nhờ ông Vũ Văn Bằng cùng thiết bị của mình đến nhà bác sỹ Tường và thẩm mỹ viện 45 Giải Phóng để kiểm tra lại.
Không có tín hiệu tại nhà riêng bác sĩ Cát Tường
Chia sẻ từ gia đình nạn nhân, vì còn một số nghi ngờ nên gia đình quyết định nhờ đến TS Vũ Văn Bằng thuộc Viện nước và công nghệ môi trường, cùng với thiết bị đo tia địa bức xạ của mình đến kiểm tra lại một số địa điểm, trong đó có nhà riêng của bác sỹ Nguyễn Mạnh Tường (ngõ 78, thôn Hoàng Ba, xã Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm, Hà Nội), thẩm mỹ viện Cát Tường (45 Giải Phóng) và một địa điểm tại khu đô thi Vĩnh Hưng.
Tại nhà riêng của bác sỹ Nguyễn Mạnh Tường, tuy không được vào bên trong nhưng khi đứng ngoài cửa, máy của ông Bằng không phát hiện được một tín hiệu nào cho thấy có dấu hiệu thi thể tại đây. Được biết, theo lời của vị khoa học này, chiếc máy có khả năng phát hiện dấu hiệu thi thể trong bán kính 200m.
Trước việc không có thi thể trong nhà riêng của bác sỹ Nguyễn Mạnh Tường, ông Phạm Đức Quang, cậu của chồng nạn nhân chia sẻ, với thông tin này, chúng tôi có thể loại bỏ được những nghi vấn lâu nay.
Ông Quang cũng cho biết thêm gia đình có nhận được những thông tin về việc nhiều người nói ra nói vào về tính tin cậy của chiếc máy ông Bằng, tuy nhiên, hiện tại ngoài ông Bằng ra không có ai giúp đỡ gia đình. Đồng thời, chiếc máy này còn có nhiều cơ sở hơn những lời chỉ điểm của những nhà tâm linh, ngoại cảm.
Máy quay tít trong thẩm mỹ viện
Sau khi rời nhà bác sỹ, đoàn tìm kiếm đã thay đổi lịch trình và không qua viện E như kế hoạch ban đầu, đi thẳng đến thẩm mỹ viện Cát Tường (45 Giải Phóng).
Khi giơ máy ở ngoài cửa, ngay lập tức máy đã quay chỉ vào hướng bên trong cơ sở. Cửa thẩm mỹ viện chưa mở, ông Bằng đi vào cửa hàng giầy bên cạnh và chiếc máy cũng quay chỉ vào địa điểm nằm sâu trong nhà 45 Giải Phóng.
Vào bên trong nhà, chiếc máy của giáo sư Bằng quay tít tại nơi là bàn phẫu thuật của nạn nhân. Theo ông Phạm Đức Quang, gia đình chưa hề nói vị trí bàn phẫu thuật này cho ông Bằng và ông Bằng cũng chưa bao giờ đến địa điểm này.
Bên trong thẩm mỹ viện, chiếc máy đo của nhà khoa học này quay tít tại ba điểm, một điểm bồn cầu phía trong cùng của nhà, một điểm ở chân tường và một điểm ông cho rằng là bể phốt của ngôi nhà. Kết hợp với điểm bàn phẫu thuật, ông Bằng đã chỉ ra bốn điểm có thi thể.
Chia sẻ về những tín hiệu này, ông Vũ Văn Bằng bày tỏ: “Theo kinh nghiệm của tôi, và những tín hiệu từ máy đo bức xạ truyền về bộ xử lý, tôi cho rằng còn có một phần thi thể của nạn nhân ở trong thẩm mỹ viện này, và có thể bị tắc dưới bồn cầu. Còn việc vì sao không có mùi tử thi, có lẽ với một gói hóa chất khử mùi là có thể làm được việc đó”.
Tính thực hư của chiếc máy đo tia đất
Sau một loạt bài viết về hành trình tìm kiếm thi thể nạn nhân Lê Thị Thanh Huyền có sự tham gia của máy đo tia đất và ông giáo sư Vũ Văn Bằng, đã có rất nhiều độc giả cho rằng không thể tin tưởng được vào chiếc máy này.
Phản hồi của độc giả ký danh nguoihathanh, gửi hôm 25/12/2013 đã nói thẳng: “Ai sửa chữa điện tử thì thấy rất rõ 2 đầu cắm av màu đỏ và xanh (thường dùng truyền tín hiệu hình tiếng ở tv) và cái jắc nối màu đen cắm vào nhau. Nếu chiếc máy có tác thực sự thì chỉ cần nối đoạn dây điện từ trong cái ống hình trụ lên cái khung sắt như kiểu anten là xong cho gọn. Đằng này lại cố tạo ra cho vẻ hầm hố, chiếc máy này theo tôi chả có tác dụng gì.”
Một độc giả tên Nguyễn Thế Nghĩa đã có một phản hồi rất tâm huyết hôm 24/12/2013:
“Kính gửi anh Bằng, tôi là giáo viên vật lý, Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội, lẽ ra tôi không định lên tiếng, nhưng vì thấy anh đã "nói sai" lâu quá nên tôi đành phải lên tiếng. Khoa học là rõ ràng và chân thực, các máy móc thiết bị đều phải được kiểm tra, kiểm chuẩn, chứng minh bằng thực nghiệm rõ ràng. Vì vậy, nếu đúng như anh tuyên bố là máy BXT-13 (máy đo địa bức xạ - PV) do anh thiết kế có khả năng tìm được hài cốt, tôi sẽ mất cho anh bất cứ cái gì, kể cả cái đầu của tôi, còn nếu không đúng như thế, tôi chỉ xin khắc lên trán anh chữ "nói sai" thôi.
Điều kiện là có hội đồng khoa học giám sát thí nghiệm, báo chí ghi hình trực tiếp. Thí nghiệm như sau: có 4 cái hộp giống hệt nhau, chỉ có 1 hộp có hài cốt, và bí mật. Mang 4 hộp ra bãi đất trống, để ở 4 góc của hình vuông, mỗi cạnh hình vuông 20 mét. Anh đứng ở tâm hình vuông dùng máy của anh phải dò đúng vị trí hộp có hài cốt, sau mỗi lần dò đều mở hộp công khai để kiểm chứng, sau đó đưa 4 hộp vào phòng kín, đóng lại, rồi lại mang ra, thay đổi vị trí, để bằng mắt không ai biết hộp nào, vị trí nào có hài cốt. Thí nghiệm phải lặp lại 10 lần...
Tôi đã từng chế tạo máy đo từ trường nhỏ, tôi cũng biết về tất cả các loại bức xạ, vì vậy tôi khảng định những thông tin anh đưa ra là sai, ngụy biện. Không thể dùng máy dò bức xạ để dò hài cốt, không thể dùng máy dò từ trường để dò hài cốt. “Tia đất” là khái niệm không có ở đâu trên thế giới. Hy vọng không có những PHÁT MINH không có kiểm chứng mà cứ tự khẳng định nữa.”
Tuy nhiên, cũng có những lời bênh vực giáo sư Bằng. Một độc giả ký tên Tiến sỹ khoa học Trần bày tỏ: “Nên công bằng với các kết quả tìm kiếm của bác Bằng làm được. Riêng tôi biết máy BXT của bác Bằng tìm được hài cốt trong một khu vườn ở Congpongthom Campuchia. Không nên đánh giá bằng cảm tính. Khoa học là dựa vào kết quả đúng sai.
Báo Đất Việt
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo