Xã hội

Mi-171: Giám định ADN để xác định danh tính quân nhân bị nạn

Theo Trung tướng Võ Văn Tuấn việc giám định ADN sẽ phải hoàn thành trước ngày 11/7. Ngoài ra, trước mắt cần ưu tiên, tập trung mọi điều kiện tốt nhất để cứu chữa cho 3 quân nhân bị thương đang điều trị tại Viện bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác, bằng nỗ lực cao nhất.

Chị Phương, vợ đại úy Tâm cùng cháu nhỏ tại nhà trọ. ảnh: Minh Đức

Con vẫn ngóng bố về…

Gia đình đại úy Nguyễn Đào Hồng Tâm (SN 1980, hy sinh trong vụ máy bay trực thăng Mi - 171 rơi ngày 7/7) ở khu tập thể 918, phường Phúc Đồng, Long Biên, Hà Nội. Lúc chúng tôi đến đã có rất nhiều người đến chia buồn, động viên chị Vũ Thị Phương (SN 1980), vợ của đại úy Tâm. Chị Phương cho biết, vợ chồng chị sinh được hai cháu gái tên là Nguyễn Hà Ngân (SN 2013) và Nguyễn Lan Anh (SN 2006). Anh chị đang ở trong một căn phòng chưa đầy 10 m2, thuê với giá 2,3 triệu đồng/tháng. 
 
“Từ hôm anh ấy hy sinh tới nay, cháu lớn liên tục hỏi bố ở đâu, sao không gọi điện, không thấy về... Hiện cháu lớn tôi đang phải đưa đến nhà bà con gửi để không cho cháu biết. Thường ngày các cháu quấy khóc thì tôi lại gọi điện cho chồng. Mỗi khi nghe giọng anh ấy, các cháu lại im ngay...”, chị Phương nghẹn ngào nói.
 
Thượng tá Hoàng Văn Long, đồng đội của đại úy Tâm cho biết thêm: Chị Phương hiện đang là giáo viên giảng dạy tại trường THCS Gia Thụy. Cả hai vợ chồng sống nhờ vào đồng lương, chưa có điều kiện mua nhà riêng, đang phải ở thuê. Chính vì vậy gia đình chưa thể lập bàn thờ riêng để đón anh về. Mặc dù gia cảnh còn nhiều khó khăn nhưng trong công tác đại úy Tâm lúc nào cũng gương mẫu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ huấn luyện được giao. Đại úy Tâm là người có nhiều kinh nghiệm huấn luyện cho lính đặc nhiệm. 
 
Nỗ lực cứu người
 
Trao đổi với chúng tôi về nguyên nhân dẫn đến vụ tai nạn, Trung tướng Võ Văn Tuấn, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam cho biết, cơ quan chức năng đang khẩn trương giải mã dữ liệu của hộp đen máy bay gặp nạn để tìm ra nguyên nhân vụ tai nạn. Cho tới thời điểm này, nguyên nhân của vụ tai nạn có thể xác định là do sự cố kỹ thuật.
 
 

Sáng 8/7, Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân đã chỉ đạo Trung đoàn Không quân 916 họp thống nhất với một số hộ dân ở thôn Hòa Lạc, xã Bình Yên, huyện Thạch Thất (Hà Nội), nơi chiếc Mi-171 số hiệu 01 bị rơi ngày 7/7 về việc hỗ trợ, đền bù thiệt hại. Theo đó, do bị thiệt hại như sập một căn nhà cấp 4, sập 80m2 tường gạch, hư hại vườn cây ăn quả… của 2 gia đình ông Dương Ngọc Ô và gia đình ông Hoàng Chí Định đã nhận bồi thường với tổng số tiền đền bù là gần 232 triệu đồng.

Theo Trung tướng Võ Văn Tuấn, việc điều tra nguyên nhân tai nạn, xử lý, giải mã dữ liệu hộp đen và tiến hành giám định ADN để xác định chính xác danh tính những quân nhân đã hy sinh trong vụ tai nạn sẽ do Hội đồng điều tra tai nạn của Quân chủng Phòng không - Không quân thực hiện. Việc giám định ADN sẽ phải hoàn thành trước ngày 11/7. Ngoài ra, trước mắt cần ưu tiên, tập trung mọi điều kiện tốt nhất để cứu chữa cho 3 quân nhân bị thương đang điều trị tại Viện bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác, bằng nỗ lực cao nhất. 

Một lần nữa, Phó Tổng tham mưu trưởng khẳng định, trước khi hy sinh, việc tổ bay cố gắng đưa máy bay ra khu vực địa hình trống trải, tránh xa khu dân cư. Trong tình huống nguy cấp như vậy là hành động rất dũng cảm. 

Cũng trong chiều qua, trao đổi với phóng viên qua điện thoại, Trung tướng Nguyễn Văn Thanh, Chính ủy Quân chủng Phòng không - Không quân khẳng định, công tác giải mã dữ liệu hộp đen của chiếc Mi-171 số hiệu 01 đang được tiến hành bình thường, chưa có gì trục trặc. Bên cạnh đó, công tác giám định ADN đối với những người đã hy sinh cũng đang được Quân chủng tiến hành một cách tích cực, cẩn trọng.

 

Sáng cùng ngày, Thượng tướng Ngô Xuân Lịch, Bí thư T.Ư Đảng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị đã tới Viện bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác thăm 3 quân nhân bị thương đang được chăm sóc đặc biệt là Đinh Văn Dương, Nguyễn Hoàng Anh và Nguyễn Văn Tuấn (đều là chiến đấu viên thuộc Tiểu đoàn Đặc công 18 - Bộ Tư lệnh Thủ đô). Tại đây, Thượng tướng Ngô Xuân Lịch đã chỉ đạo phải huy động đội ngũ thầy thuốc, phương tiện, thuốc men tốt nhất để cứu chữa những quân nhân này, với tinh thần “còn nước còn tát”. minh đức - 

Thêm một chiến sĩ tử vong

Ngày 8/7, do bệnh tình quá nặng, một chiến sĩ trong số những người đang điều trị tại Viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác đã tử vong. TS Nguyễn Viết Lượng, Phó Giám đốc Viện Bỏng cho biết, cả 5 bệnh nhân đều bị bỏng sâu ít nhất 40% diện tích cơ thể, bỏng hô hấp, rạn sọ não, dập phổi, gẫy chân, tay. Lãnh đạo Viện đã bố trí mỗi chiến sĩ có 2 bác sĩ và 2 điều dưỡng chăm sóc 24/24 giờ. Ngoài 7 bác sĩ và 28 điều dưỡng của khoa Hồi sức cấp cứu phải tăng buổi trực thêm. 

Chiều 8/7, PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế đã đến thăm ba chiến sĩ đang điều trị tại Viện Bỏng và tặng quà cho người nhà các chiến sĩ. Bộ trưởng yêu cầu ban Giám đốc Viện Bỏng huy động tối đa nguồn lực để cứu sống các chiến sĩ, không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc, huyết tương... 

 

Tiền Phong
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo