Tài chính - ngân hàng

Mía đường tồn kho, cơ hội nóng đã qua

Hàng trăm nghìn tấn đường đang ùn ùn chất kho chờ xuất khẩu. Các DN mía đường như ngồi trên lửa khi đề xuất XK đường vẫn chưa được thông qua.
Thấp thỏm chờ!
 
Vào giữa năm 2012, khi mà niên vụ mía đường đang rục rịch cho thu hoạch, Hiệp hội Mía-Đường VN (VSSA) đã dự báo sản lượng đường có thể lên đến 1,5 triệu tấn, trong khi nhu cầu tiêu dùng hằng tháng trong nước chỉ khoảng 1,2 – 1,3 triệu tấn. Đường dôi dư, cộng vào đó là 178.000 tấn đường tồn kho của vụ trước, thêm vào đó phải gánh khoản đường nhập khẩu theo quota hằng năm là 70.000 tấn, tất cả cộng lại khiến lượng đường chưa được lưu thông và dồn ứ trong các kho bãi của DN rơi vào khoảng hơn 400.000 tấn. Đại diện VSSA tại phía bắc - ông Hà Hữu Phái - cho biết: “Chưa kể đến lượng lớn đường nhập lậu vào VN từ biên giới Tây Nam. Mọi thứ khiến nguồn đường đang bị dồn ứ quá lớn so với mọi năm, điều này đã được dự báo từ trước, song vì vẫn phải chờ ý kiến của Bộ Công Thương về đề nghị XK nên đến thời điểm này, các DN vẫn phải tiếp tục... chờ”.
 
Theo ông Hà Hữu Phái, cách đây gần 2 tháng, trước tình trạng nguồn đường dư thừa, VSSA đã có văn bản đề nghị Bộ Công Thương xem xét xuất khẩu khoảng 300.000 tấn đường ra nước ngoài. Khi đó, nhu cầu nhập đường của phía Trung Quốc khá lớn, phần vì do nước này đang thiếu nguồn cung, phần vì chênh lệch giá đáng kể khiến nhiều thương lái sang VN thu mua đường để kiếm lời. “Hiện tại nhu cầu đường của Trung Quốc đã bão hòa, lượng đường cần nhập họ đã nhập đủ, trong khi đó DN trong nước vẫn phải tiếp tục chờ ý kiến của Bộ Công Thương. Họ có lý của họ bởi phải tính đến cung-cầu, nếu đường nội địa lại vì lý do nào đó thiếu hụt, thì chắc chắn thị trường sẽ ảnh hưởng lớn. Cơ hội XK đã qua, khi mà Tết Nguyên đán đã cận kề, và ra tết thì hy vọng tiêu thụ lẫn xuất đường đều quá mong manh” – ông Phái nói. 
 
Lo đường “nội”, ngại đường… “ngoại”?
 
Hiện lượng đường tồn kho tại 38 nhà máy thuộc VSSA là gần 250.000 tấn, tăng 100.000 tấn so với cùng kỳ năm 2012. Số lượng này dự báo còn tăng lên do tình hình tiêu thụ của DN gặp khó khăn. Giá bán đường tại các nhà máy dao động từ 13.900đ - 14.200đ/kg. Đường nhập lậu ở mức 14.000đ/kg và giá đường xuất khẩu sang Trung Quốc là 14.900 - 15.100đ/kg. Đường trong nước thì đang thấp thỏm chờ xuất, trong khi đó đường nhập lậu vẫn mặc sức tung hoành. Theo thống kê của VSSA, mỗi ngày có hàng trăm tấn đường lậu được “tuồn” qua biên giới vào nội địa. Tính trung bình mỗi năm, lượng đường nhập lậu chiếm khoảng 30% thị phần trong nước (với khoảng 300.000 – 400.000 tấn/năm). Số đường này luôn có giá rẻ hơn giá bán trong nước nên vẫn có cớ tiêu thụ mạnh, khiến không ít bà con khốn đốn bởi giá thu mua mía liên tục rớt thảm hại. 
 
Theo VSSA, lượng đường trong nước tồn kho lớn có phần “đóng góp” của đường nhập lậu qua biên giới hàng trăm tấn mỗi ngày. Trong khi đó, đường nhập lậu giá thấp hơn giá đường trong nước nên hệ lụy là nhà máy đường hoạt động cầm chừng, còn nông dân trồng mía thì dĩ nhiên “lãnh đủ”. Về phương án “giải cứu” số đường tồn kho này, ông Hà Hữu Phái cho hay Bộ Công Thương đã có xem xét đề nghị và đã trình Chính phủ, chờ câu trả lời từ Chính phủ. Như vậy, từ nay đến lúc chờ ý kiến chỉ đạo của cơ quan chức năng, ngành mía đường vẫn phải tiếp tục thấp thỏm về nguồn tiêu thụ, mạnh ai nấy chạy, khi mà mọi cơ hội “nóng” cho đường dường như đã qua!
 
 
 
 
Nhật Minh (Theo LĐ)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo