Miễn học phí và sự có lỗi với giáo viên liên quan gì đến ngân sách?
Muốn đào tạo chất lượng cao, lại muốn miễn học phí?
Mới đây, Bộ Nội vụ báo cáo đề cương đề án đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính, tổ chức lại hệ thống đơn vị sự nghiệp công lập với Chính phủ. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, 80% ngân sách giáo dục chi cho con người, còn lại chi cho hoạt động dạy học, nâng cao chất lượng giáo trình... Tỷ lệ này không hợp lý, cần cơ cấu lại.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ băn khoăn: Tại sao muốn đào tạo chất lượng cao nhưng lại đòi miễn học phí, làm gì có chuyện đó. Hiện một số đơn vị còn không muốn tự chủ, vẫn giơ hai túi, một túi xã hội hóa, một túi xin ngân sách, như vậy là không thể chấp nhận.
Trao đổi với PV, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết (Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Cựu Đại biểu Quốc hội) cho rằng, miễn học phí, nhưng mỗi một học sinh chỉ được miễn vài chục nghìn, nên tổng số tiền của cả nước không nhiều. Vậy nên cần phải tính toán ngân sách sao cho hợp lý.
“Theo tôi, trong điều kiện ngân sách khó khăn, khi đã miễn cho học sinh Tiểu học và Trung học cơ sở, phải tính đến chuyện tăng học phí đối với các cấp học và trình độ đào tạo khác, ví dụ như Trung học phổ thông, Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục nghề nghiệp. Những lĩnh vực này cần thu học phí đủ bù chi ngân sách nhà nước dồn vào chi cho các cấp học phổ cập” - Giáo sư Thuyết nói.
Bên cạnh đó, trong quy định của luật nên rạch ròi giữa học phí và tiền dịch vụ. Nhà nước chi ngân sách cho học phí, còn các khoản dịch vụ (ăn trưa, ăn giữa giờ, giữ xe,…) nếu có thì phải thu tiền, nếu không sẽ đẩy các trường vào thế bí. Tuy nhiên, để việc thu phí dịch vụ đạt được hiệu quả, thì nhà nước cần phải hướng dẫn các trường thực hiện, nếu không sẽ dẫn tới tình trạng lạm thu. “Nhà nước có thể hướng dẫn các trường vay tiền phụ huynh học sinh, chứ không nhất thiết phải thu, khi nào con ra trường thì trả lại” - Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết đề xuất.
Để tránh lạm thu, GS Nguyễn Minh Thuyết lưu ý việc cần phải chấn chỉnh hoạt động của Hội phụ huynh để đảm bảo các khoản thu đạt hiệu quả. Theo GS Thuyết, hội này được lập ra và thực hiện nguyên lý giáo dục nhà trường, gia đình, xã hội. Tuy nhiên, hiện nay nhiều hội phụ huynh lại thực hiện không đúng chức năng nhiệm vụ của mình. Bởi vậy, chính quyền địa phương cần phải giám sát các hội này, nếu có vi phạm phải xử lý ngay.
Đồng quan điểm với Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm (Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội) nhận định, miễn học phí cho đến hết cấp Trung học cơ sở là một việc rất tốt, nhưng cần đặt trong tương quan với ngân sách 20% dành cho giáo dục có được tăng khi miễn học phí. Vấn đề này phải được đặt ra là ngân sách phải tăng thì mới miễn giảm học phí.
Theo TS Lâm, việc này cũng cần phải nhìn nhận ở nhiều góc độ. Người dân cần chất lượng giáo dục. Kinh phí giáo dục hiện tại còn thiếu nên cần phải huy động sức dân, và điều quan trọng là người dân cần không được lạm thu giáo dục, chứ không chỉ là chuyện miễn học phí. Bởi vậy, chỉ nên miễn cho một số vùng sâu vùng xa, vùng có hoàn cảnh khó khăn, chứ không nên áp dụng đại trà, vì nhìn chung, nhất là các thành phố lớn chưa cần đến điều đó.
“Chúng ta đang có lỗi với giáo viên”
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết cho biết, vấn đề tăng lương cho giáo viên đã được đề cập trong nghị quyết 29/NQ-TW của BCH TƯ Đảng.
Theo Giáo sư Thuyết, nghị quyết chỉ nói lương giáo viên xếp ở bậc cao nhất của ngạch hành chính, chứ không so với ngành khác. Vì vậy cần có một thang bảng lương riêng cho giáo viên. Còn việc tăng đến mức nào thì cần phải có lộ trình.
“Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đề ra quy định nâng bậc lương giáo viên là để thể chế hóa yêu cầu của Nghị quyết 29. Thực hiện việc này thứ nhất là đảm bảo cuộc sống cho giáo viên, thứ hai là thu hút người tài vào ngành” - Giáo sư Thuyết nói và đề xuất, cần khôi phục lại phụ cấp cho các giáo viên được điều đi làm công tác quản lý giáo dục.
Tiến sĩ Tùng Lâm cũng cho rằng, không thể để lương giáo viên quá thấp như hiện nay. Cần trả lương sao cho giáo viên đảm bảo cuộc sống tối thiểu thì họ mới yên tâm cống hiến được. Ngoài ra, việc tăng lương giáo viên càng sớm càng tốt, nhưng áp dụng với những đối tượng đáp ứng được yêu cầu về mặt chuyên môn. Việc tăng lương ấy cũng phải gắn liền với việc giáo viên nâng cao năng lực, trình độ để đáp ứng với trình độ mới. Phải gắn 3 khâu: đào tạo bồi dưỡng, sử dụng và tuyển chọn, đãi ngộ với nhau. Lấy những điều kiện này để buộc giáo viên phải thay đổi.
“Chúng ta đang có lỗi với giáo viên khi mà việc trả lương không đúng sức lao động, không mang tính khuyến khích sáng tạo, tâm huyết, cống hiến của người giáo viên. Bởi họ chủ yếu trông chờ vào đồng lương chứ không thể nào tham ô, tham nhũng được” - Tiến sĩ Tùng Lâm trăn trở.
End of content
Không có tin nào tiếp theo