Miền Trung - Tây Nguyên: Hạn giữa mùa mưa
Khí hậu biến đổi, mực nước biển dâng, thời tiết bất thường... là những thông tin không mới, tuy nhiên, công tác phòng ngừa, đối phó dường như còn quá thụ động. Giữa mùa mưa năm 2012, thay vì lũ lụt như nhiều năm trước, khu vực miền Trung - Tây Nguyên lại phải đối mặt với nạn hạn hán. Các giải pháp hiện còn mang tính đối phó, ngắn hạn và không bền vững...
Ruộng lúa đành bỏ trắng
Theo dự báo của Đài Khí tượng thuỷ văn Trung ương, đã xảy ra hiện tượng thời tiết bất thường trong mùa mưa lũ năm 2012. Mùa mưa ở khu vực Tây Nguyên và Nam bộ kết thúc sớm hơn bình thường và ngay sau đó xuất hiện nắng nóng kéo dài, rất ít mưa. Khu vực Trung bộ từ Thanh Hoá đến Nghệ An gần như không xảy ra mưa lớn, lượng mưa trung bình các tháng đều thiếu hụt so với bình quân nhiều năm.
Riêng khu vực từ Quảng Trị đến Ninh Thuận đã thiếu hụt lượng mưa từ 70-90% trong 2 tháng chính mùa mưa là tháng 10 và 11.2012. Vì lượng mưa thiếu hụt như vậy, dòng chảy trên các sông khu vực miền Trung - Tây Nguyên đều nhỏ hơn trung bình các năm trước từ 45-50%, một số tỉnh từ Quảng Trị đến Khánh Hoà nhỏ hơn 70%. Đặc biệt các hồ chứa nước thuỷ điện, thuỷ lợi ở các tỉnh miền Trung đều thiếu hụt 20-50% so với dung tích thiết kế, trong đó ở các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định thiếu hụt đến 60- 80%.
Khô hạn đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình sản xuất nông nghiệp ở các tỉnh thành khu vực miền Trung - Tây Nguyên hiện nay. Một số địa phương vùng duyên hải phải… thương thảo với các nhà máy thuỷ điện xả nước để cứu đồng ruộng. Nhưng có nơi ở hạ nguồn như TP.Đà Nẵng thì không biết thương lượng với ai, hồ chứa nước nào? Hàng ngàn hécta trồng lúa đành phải bỏ trắng vì nhiễm mặn.
Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TP.Đà Nẵng -ông Huỳnh Vạn Thắng cho rằng đây là cú nốc-ao cho ngành nông nghiệp địa phương. Đang giữa mùa mưa, thông thường mọi năm thì đây là thời điểm miền Trung oằn lưng chống lũ. Nước ngập bời bời khắp nơi, năm nay lại phải lo đi chống hạn. Mà hạn hán lại tỏ ra khốc liệt ngay từ bây giờ. Đà Nẵng, địa phương hạ nguồn hệ thống Vu Gia - Thu Bồn, phụ thuộc rất nhiều đến lưu lượng nước đang sụt giảm bất thường. Từ giữa tháng 11.2012 đến nay, nhà máy nước Cầu Đỏ - nơi cấp 90% nguồn nước sinh hoạt cho toàn TP.Đà Nẵng đã phải dẫn nguồn từ trạm bơm An Trạch - cách nhà máy hơn 10km - điều chưa từng xảy ra trong vòng 30 năm nay.
Để cứu các trạm bơm, phục vụ các cánh đồng ở vùng trung lưu như Điện Bàn, Đại Lộc… (Quảng Nam), nhà máy nước Cầu Đỏ, 11 cửa đập An Trạch phải đóng chặt, vì thế, gần 200ha đất trồng lúa ở Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn, TP.Đà Nẵng và hàng ngàn hécta ruộng khác ở Điện Ngọc, Điện Nam (huyện Điện Bàn, Quảng Nam) đành bỏ trắng vì các trạm bơm bị nhiễm mặn từng đầu tháng 11.2012 đến nay.
Đắk Mi vẫn là dòng sông chết sau nhà máy thuỷ điện Ảnh: Thanh Hải
Giải pháp ngắn hạn, ít hiệu quả
Theo ông Nguyễn Thái Lân - Trưởng phòng dự báo Đài khí tượng thuỷ văn Trung Trung bộ, tình hình thời tiết vào mùa khô năm 2013 sẽ khiến ngành sản xuất nông nghiệp ở khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên nhiều bất lợi. Còn ông Huỳnh Vạn Thắng - Phó GĐ Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đà Nẵng cho hay, hiện Đà Nẵng đã khôi phục trạm bơm Tuý Loan và chuẩn bị phương án xả nước hồ thuỷ lợi Đồng Nghệ về đập An Trạch, tất cả nhằm "tiếp sức" cho nhà máy nước Cầu Đỏ. Phải ưu tiên nguồn nước cho sinh hoạt, ăn uống của con người trước. Tuy vậy, giải pháp này cũng rất mong manh nếu khô hạn kéo dài, mưa ở thượng nguồn thấp thì các nguồn "tiếp sức" kia cũng cạn kiệt sớm. Riêng về sản xuất nông nghiệp, hiện nay vụ rau quả cho dịp tết nguyên đán và lúa vụ đông - xuân đang phải đối mặt với khô hạn. Các trạm bơm đã phải hoạt động hết công suất. Tất nhiên chi phí xăng dầu, điện sẽ làm khốn đốn người nông dân, đội giá thành sản phẩm.
Trước tình hình này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Tài nguyên Môi trường… đã chỉ đạo các địa phương thành lập phương án chống hạn cho năm 2013 ngay từ bây giờ. Với Đà Nẵng, Chi cục thuỷ lợi đã hoàn tất phương án, trình UBND TP phê duyệt. Các giải pháp cũng chỉ là tạm thời, ngắn hạn như: Sẽ đề nghị chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ lúa nước sang cây hoa màu chịu khô như đậu, bắp, khoai… Phải điều tiết, sử dụng nguồn nước hợp lý, tiết kiệm; phải tìm nguồn bổ sung. Ông Thắng bình luận: "Giải pháp chắp vá hiện nay là nỗ lực của cán bộ ngành thuỷ nông, song tôi cho rằng chúng ta đã quá chủ quan, thụ động trước biến đổi khí hậu thời tiết đã được dự báo từ sớm".
Theo ông Thắng, ngoài những nguyên nhân tự nhiên như biến đổi khí hậu, mưa ít thất thường, sự thay đổi dòng chảy… thì con người đã tác động không nhỏ, làm cho tình trạng khô hạn (và lũ lụt trước đó) trở nên khốc liệt hơn. Với Đà Nẵng, việc thay đổi dòng, mở rộng khẩu độ thoát nước Vu Gia (nguồn cung cấp nước chính cho TP.Đà Nẵng) ở sông Quảng Huế từ 20-50% như hiện nay làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến nội thuỷ và nguồn cung nước cho TP. Quá trình thay đổi này khá lâu, nhưng việc đầu tư, chỉnh trị dòng chảy này kéo dài hàng chục năm mà vẫn không đem lại hiệu quả cao.
Mới nhất, nhà máy thuỷ điện Đắk Mi 4 đã chặn tiệt dòng sông Cái - thượng nguồn Vu Gia để chuyển dòng sang Thu Bồn, phát điện, khiến 1,7 triệu dân vùng hạ du cùng vùng môi sinh rộng lớn bị ảnh hưởng tiêu cực. Chính phủ đã có phán quyết, giải quyết tranh chấp, buộc Đắk Mi 4 phải xây cống, trả lại một phần nguồn nước cho lưu vực cũ, song vì lợi nhuận phát điện, đến nay dòng Đắk Mi từ phía sau nhà máy thuỷ điện vẫn là dòng sông chết. Đây không phải là trường hợp cá biệt.
Đất sản xuất nông nghiệp và cả môi trường tự nhiên, môi trường sống của con người, sinh vật phía sau các nhà máy thuỷ điện ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bên cạnh sự biến đổi thất thường của khí hậu, thời tiết. Hậu quả càng nặng nề khi mọi cảnh báo trước đó không làm thay đổi hành vi gây tác động tiêu cực từ con người.
Hơn 140.000 tỉ đồng ứng phó biến đổi khí hậu ở miền Trung
Thủ tướng Chính phủ vừa có quyết định về quy hoạch thủy lợi khu vực miền Trung giai đoạn 2012-2020 và định hướng đến năm 2050 trong điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Phạm vi quy hoạch tại 12 tỉnh, thành phố từ Thanh Hóa đến Khánh Hòa với tổng kinh phí dự kiến khoảng 140.000 tỉ đồng. Phương án tổng thể là tập trung sửa chữa, nâng cấp các hồ chứa nước; củng cố, nâng cấp công trình đầu mối, kiên cố hóa, từng bước xây dựng và hoàn thiện các công trình lớn, liên vùng phục vụ đa mục tiêu, cấp nước cho các khu công nghiệp...
Bên cạnh đó, gia cố các hệ thống đê sông, đê biển; phòng, chống ngập úng cho các khu dân cư tập trung; tiếp tục xây dựng quy trình vận hành liên hồ chứa trên các lưu vực sông trong cả mùa lũ và mùa kiệt nhằm phục vụ đa mục tiêu.
Thạch Thảo (Theo Lao Động)
End of content
Không có tin nào tiếp theo