Minh bạch: mục tiêu chung của quản trị doanh nghiệp và nhà nước
Khái niệm quản trị doanh nghiệp ngày nay đã vượt khuôn khổ hoạt động của cá nhân doanh nghiệp. Có thể nói quản trị doanh nghiệp bao gồm tất cả các quy tắc, nguyên tắc hành xử và các cơ chế giám sát thực thi, nhằm quản trị các mối quan hệ giữa hai đối tượng: một bên là những người điều hành doanh nghiệp, kể cả các cổ đông lớn và bên kia gồm những nhà đầu tư các nguồn lực vào doanh nghiệp.
Một trong những mục tiêu cạnh tranh của từng doanh nghiệp (vai trò doanh nghiệp) là làm sao huy động được các nguồn lực bên ngoài với chi phí thấp nhất. Trong khi đó, mục tiêu của Nhà nước (hay nói cách khác là trách nhiệm của Nhà nước) là làm sao tạo được khung thể chế, các nguyên tắc ứng xử, đánh giá để hệ thống các doanh nghiệp huy động được các nguồn lực bên ngoài với chi phí thấp nhất.
Nói rộng hơn, hệ thống thể chế phải kiểm soát được mâu thuẫn giữa các nhóm lợi ích (ví dụ khối doanh nghiệp, nhà đầu tư…), ngăn cản sự hình thành các nhóm lợi ích chi phối nguồn lực chung của quốc gia. Khả năng của các doanh nghiệp trong việc huy động này phản ánh sức mạnh của một hệ thống tài chính của nền kinh tế. Tất cả nằm ở chỗ: chi phí tài chính thấp xét về cả vi mô và vĩ mô. Ở đây vai trò của doanh nghiệp và trách nhiệm của Nhà nước là không thể xem xét tách rời.
Thống nhất với nhau ở điểm trên, các học giả (qua các nghiên cứu thực tế) cho rằng chi phí huy động các nguồn lực tài chính sẽ giảm thiểu ở các quốc gia có hệ thống các quy định, giám sát thực thi, chế tài (tư pháp) hiệu quả và truyền thông mạnh mẽ, độc lập. Vì vậy, có thể nói, nỗ lực từ phía Nhà nước nhằm giúp doanh nghiệp giảm thiểu chi phí huy động tài chính không gì khác hơn chính là việc tạo khung pháp lý nâng cao tính minh bạch của từng doanh nghiệp.
Trong quá trình cải thiện hệ thống pháp lý, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật, vai trò độc lập và công tâm của hệ thống truyền thông báo chí là đặc biệt quan trọng. Truyền thông báo chí độc lập sẽ tiên phong trong việc công khai hoá và giải quyết các mâu thuẫn lợi ích giữa các nhóm lợi ích vốn là nguyên nhân cản trở sự minh bạch, cản trở sự hình thành một hệ thống thể chế vì lợi ích chung.
Có thể nói rằng, tính minh bạch và sự cân bằng lợi ích của các nhóm lợi ích để đảm bảo công bằng xã hội thật ra là hai mặt của một vấn đề nhằm tối ưu hoá việc sử dụng các nguồn vốn tài chính. Bản thân việc minh bạch là điểm giao của cả quản trị doanh nghiệp và quản trị nhà nước mà ở đó, việc đảm bảo sự độc lập của hai hệ thống tư pháp và truyền thông là hai yếu tố quyết định.
Trong khi chờ đợi một hệ thống quy định và chế tài định hướng bảo vệ nhà đầu tư, bảo vệ lợi ích chung, bên cạnh việc yêu cầu tuân thủ nghiêm ngặt các quy định bắt buộc về công bố thông tin, việc khuyến khích các doanh nghiệp tự nguyện cung cấp thông tin cần thiết cho thị trường, nỗ lực làm trong sáng hoạt động của mình là điều cần thiết trước mắt. Từ đó, “dẫn dắt” các quy định của Nhà nước theo hướng bảo vệ nhà đầu tư, mạnh mẽ hơn, thúc đẩy nhanh hơn quá trình hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu, mà ở đó sự minh bạch vốn dĩ vừa là đòi hỏi vừa là nhân tố đảm bảo phát triển dài hạn.
Về phía doanh nghiệp, thiết nghĩ đề xuất trên đây có thể được xem như công cụ trong việc cạnh tranh hạ thấp chi phí huy động và sử dụng các nguồn tài chính từ bên ngoài. Việc xem công bố thông tin không chỉ là trách nhiệm mà còn là một “tiêu chuẩn chất lượng” và quảng bá cho chính bản thân, hẳn sẽ mang lại một lợi thế cạnh tranh lành mạnh và độc đáo cho bản thân doanh nghiệp trên đường phát triển.
Đương nhiên, một giải pháp toàn diện từ cả hai, doanh nghiệp và Nhà nước, trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh bằng tính minh bạch của cá nhân từng doanh nghiệp cũng như của cả hệ thống, là điều đáng hoan nghênh nhất. Để đảm bảo thành công, vai trò độc lập của hệ thống tư pháp và truyền thông, như đã phân tích, có ý nghĩa quan trọng.
Theo SGTT
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Công bố bộ quy tắc đạo đức, ứng xử nghề nghiệp môi giới bất động sản
Đề xuất cho doanh nghiệp tự quyết giá xăng dầu có tỷ trọng tiêu thụ thấp
Vĩnh Phúc nỗ lực 'xanh' hoá để phát triển bền vững
Bất động sản miền Trung khởi sắc: Đà Nẵng, Quảng Bình dẫn đầu xu hướng tăng trưởng
Thủ tướng: Can thiệp vào hoạt động doanh nghiệp nhà nước sẽ làm méo mó thị trường, cản trở phát triển