Thị trường

Mô hình chuyển đổi đất canh tác lúa kém sang trồng ngô

Ông Nguyễn Văn Thanh, quyền Tổng Giám đốc điều hành kiêm Giám đốc Marketing Công ty Dekalb Việt Nam (Hoa Kỳ) trao đổi về mô hình “Chuyển đổi đất canh tác lúa kém hiệu quả sang trồng ngô” nhằm hỗ trợ phát triển nông nghiệp bền vững tại Việt Nam.

(dautu) Ông Nguyễn Văn Thanh phân tích: Hàng năm, Việt Nam phải nhập khẩu 1,5 - 1,7 triệu tấn ngô thương phẩm để sản xuất thức ăn chăn nuôi, trong khi thị trường xuất khẩu gạo liên tiếp gặp khó khăn đầu ra. Nhận thức được vấn đề này, chúng tôi đã nghiên cứu, khảo nghiệm và xây dựng thành công các mô hình chuyển đổi, đồng thời tổ chức các hội thảo truyền tải thông tin và kỹ thuật cho bà con, giúp nâng cao thu nhập từ đồng ruộng, góp phần hỗ trợ Chính phủ giải quyết khó khăn về nông nghiệp, hướng đến phát triển nông nghiệp bền vững. 

Đơn cử, tháng 5/2013, Dekalb Việt Nam phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội thảo công bố mô hình chuyển đổi thành công từ trồng lúa sang ngô tại An Giang, giúp lợi nhuận của nông dân tăng gấp 3 lần. Chúng tôi đang tích cực phối hợp cùng các nhà quản lý, nhà khoa học và đối tác giới thiệu và nhân rộng mô hình này.

Vậy chiến lược đầu tư của Dekalb là gì, thưa ông?


Công ty TNHH Dekalb Việt Nam được thành lập tháng 8/2010. Thuộc Tập đoàn Monsanto – tập đoàn hàng đầu thế giới về nông nghiệp, với chiến lược phát triển nông nghiệp bền vững, Dekalb Việt Nam đang theo đuổi mục tiêu “Đầu tư bền vững vì nền nông nghiệp Việt Nam bền vững” thông qua áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ và giới thiệu bộ giống lai tốt nhất. Chúng tôi thực hiện chiến lược này thông qua 3 lĩnh vực chính là chọn tạo giống, công nghệ sinh học nông nghiệp và ứng dụng các kỹ thuật canh tác nông nghiệp tiên tiến.

Riêng đối với ngô, để giới thiệu được một giống tốt tới nông dân Việt Nam, chúng tôi phải trải qua quá trình chọn tạo và khảo nghiệm vô cùng khắt khe trong gần một thập kỷ. Hàng năm, chúng tôi chọn ra một bộ gồm hơn 200 giống lai mới, sau đó khảo nghiệm tại các vùng, miền trên toàn quốc. Phải mất 3 năm khảo nghiệm để từ hơn 200 giống đó chọn ra được 3 giống có ưu thế lai phù hợp nhất với điều kiện Việt Nam và tiếp tục mất 3 năm khảo nghiệm 3 giống này tại hàng trăm điểm ở các vùng trồng ngô trên cả nước để chọn 1 giống tốt nhất đưa ra thị trường.

Ông đánh giá thế nào về môi trường cạnh tranh ở Việt Nam?

Kinh doanh hạt giống luôn là một ngành có sự cạnh tranh cao. Chính vì thế, Dekalb Việt Nam chủ trương đầu tư bền vững để nâng cao khả năng cạnh tranh và phát triển lâu dài.

Tại Việt Nam, Dekalb luôn là một đối tác tin cậy, đồng hành cùng Chính phủ và nông dân giải quyết các thách thức trong nông nghiệp. Hơn 45.000 nông dân Việt Nam đã được tập huấn kiến thức canh tác ngô lai hiệu quả cao của Dekalb. Mô hình “Trồng dầy” của Dekalb đã giúp nông dân ở các tỉnh Sơn La, Phú Thọ, Đắc Lắc, Đồng Nai, An Giang, Đồng Tháp và Bà Rịa - Vũng Tàu tăng sản lượng ngô 40 - 60%; Sáng kiến “Chuyển đổi đất canh tác lúa kém hiệu quả sang trồng ngô” của chúng tôi đã giúp nông dân Đồng bằng sông Cửu Long tăng thu nhập gấp 3 lần so với trồng lúa.

Dekalb Việt Nam có gặp khó khăn gì không, thưa ông?

Một trong những thách thức chính không chỉ ở Việt Nam, mà còn ở hầu hết khu vực châu Á là sự thiếu đồng bộ về chính sách đối với cây trồng công nghệ sinh học. Hàng năm, Việt Nam nhập khẩu ngô, đậu tương từ Mỹ, Argentina, Brazil, nơi mà hầu hết là cây trồng công nghệ sinh học. Trong khi đó, hệ thống pháp lý vẫn chưa hoàn thiện để nông dân Việt Nam có thể trực tiếp ứng dụng và hưởng lợi từ công nghệ này.

 

Xin cảm ơn ông !

 

 

Phan Long

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo