Quốc tế

Mô hình kinh tế lý tưởng nào cho Triều Tiên dưới thời ông Kim Jong-un?

Sau một loạt động thái ngoại giao gây bất ngờ trong thời gian qua, nhà lãnh đạo Kim Jong-un dường như đang ấp ủ một tầm nhìn mới về tương lai phát triển cho nền kinh tế Triều Tiên sau nhiều năm bị cấm vận.

Theo Giáo sư kinh tế Kim Byung-yeon tại Đại học Quốc gia Seoul, các chuyên gia vẫn đang tranh cãi về ý định thực sự của nhà lãnh đạo Kim Jong-un về tầm nhìn phát triển đất nước cũng như khả năng mở cửa nền kinh tế của Triều Tiên. Họ cho rằng Triều Tiên có thể học theo các mô hình phát triển kinh tế của Trung Quốc, Việt Nam, Singapore. Thậm chí Bình Nhưỡng có thể học theo mô hình của Hàn Quốc dưới thời Tổng thống Park Chung Hee - người đã có công lớn trong thành tựu công nghiệp hóa gây tiếng vang của đất nước Hàn Quốc sau khi bị chiến tranh tàn phá.

Ông Kim Jong-un tới thăm một nông trại tại Triều Tiên (Ảnh: Reuters).

Những người lạc quan nói rằng Triều Tiên đang trên con đường tự do hóa sau khi tuyên bố chấm dứt chương trình phát triển vũ khí hạt nhân. Trong khi đó, một số ý kiến hoài nghi vẫn không chắc chắn về việc một chính quyền vốn nổi tiếng là khép kín như Bình Nhưỡng có thể dễ dàng thay đổi như vậy hay không. Câu hỏi được đặt ra là, liệu nhà lãnh đạo Kim Jong-un có thể trở thành một nhà cải cách giống cố lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình trước đây?

Xét trong bối cảnh lịch sử, 7 nhà nước xã hội chủ nghĩa từng tiến hành cải cách kinh tế trên quy mô lớn, nhưng chỉ có hai nhà nước thành công là Trung Quốc và Việt Nam. Các chính quyền khác như Liên Xô, Hungary và Nam Tư cũ đều không chuyển đổi nền kinh tế thành công.

Theo Giáo sư Kim Byung-yeon, yếu tố quyết định kết quả thành - bại của quá trình cải cách nền kinh tế là sự linh hoạt của ban lãnh đạo một quốc gia. Trung Quốc đã có bước chuyển mình đáng kể theo con đường mở cửa và cải cách từ năm 1978 nhờ tư tưởng cởi mở và linh hoạt của nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình. Năm 1986, nhờ ban lãnh đạo có tư tưởng cởi mở, Việt Nam cũng tiến hành cải cách kinh tế trong thời kỳ Đổi Mới để xây dựng nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Thuận lợi và thách thức

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un dường như đang đứng ở ngã tư đường. Ông có thể lựa chọn đi theo con đường mở cửa và cải cách chưa từng có trong lịch sử Triều Tiên. Tuy vậy, bản năng của một nhà lãnh đạo có thể kéo ông trở lại con đường phát triển quen thuộc của Triều Tiên trước đây khi nền kinh tế vận hành dưới sự kiểm soát hoàn toàn của nhà nước.

 

Chủ tịch Tập Cận Bình đón nhà lãnh đạo Kim Jong-un tại Bắc Kinh ngày 20/6 (Ảnh: Reuters).

So với thế hệ của cha - cố lãnh đạo Kim Jong-il, nhà lãnh đạo Kim Jong-un có tư tưởng tiến bộ hơn trong lĩnh vực kinh tế. Từ khi ông Kim Jong-un lên nắm quyền năm 2011, Triều Tiên không còn siết chặt các hoạt động thị trường và các nông trại tập thể đã được giao cho các nhóm nhỏ điều hành, thay vì thuộc sự quản lý hoàn toàn của nhà nước. Tuy vậy, những thay đổi này vẫn chưa đảm bảo đưa nền kinh tế Triều Tiên chuyển hoàn toàn sang nền kinh tế thị trường.

Tương tự Việt Nam và Trung Quốc, các doanh nghiệp tư nhân cần được cho phép hoạt động, hệ thống thị trường cần được hợp pháp hóa và các nông trại tập thể được giao hoàn toàn cho tư nhân quản lý. Chỉ bằng những cách như vậy, nền kinh tế Triều Tiên mới có thể vượt qua giới hạn và đạt được tốc độ tăng trưởng hơn 4% mỗi năm thay vì quay trở lại con đường khép kín như trước đây.

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un có thể lựa chọn mô hình phát triển kinh tế tương tự Việt Nam và Trung Quốc chỉ khi ông cảm thấy cần làm như vậy dưới sức ép của hoạt động thương mại và thị trường. Tuy nhiên, nếu hoạt động thương mại và thị trường của Triều Tiên trở nên năng động hơn, nhà lãnh đạo Kim Jong-un có thể cảm thấy lo ngại về những thách thức đặt ra cho chính quyền của ông. Ông Kim Jong-un có thể sẽ phải tìm cách thỏa hiệp với lực lượng kinh tế thị trường thay vì lực lượng kinh tế tập trung như trước đây.

Mô hình Trung Quốc?

Trong chuyến thăm lần thứ 3 tới Trung Quốc hồi đầu tuần, ông Kim Jong-un đã có chuyến thị sát thực tế tới Học viện Khoa học Nông nghiệp Trung Quốc và chi nhánh của Công ty Đầu tư Cơ sở Hạ tầng Bắc Kinh. Đây đều là hai tổ chức nằm trong khuôn khổ Sáng kiến Vành đai, Con đường đầy tham vọng của Trung Quốc, trong đó Bắc Kinh chủ trương mở rộng tầm ảnh hưởng toàn cầu bằng cách cho các nước khác vay tiền để phát triển các dự án hạ tầng lớn do các công ty Trung Quốc thực hiện.

 

Ông Kim Jong-un tới thăm Học viện Khoa học Nông nghiệp Trung Quốc (Ảnh: Reuters).

Học viện Khoa học Nông nghiệp Trung Quốc là nơi nghiên cứu chuyên sâu về máy móc nông nghiệp, ngăn ngừa dịch bệnh thú y và sản xuất các giống lúa, ngô lai. Đây đều là những điều mà Triều Tiên đang rất cần. Trong khi đó, Công ty Đầu tư Cơ sở hạ tầng Bắc Kinh là một doanh nghiệp nhà nước chuyên xây dựng đường hầm và phát triển bất động sản. Các chuyên gia về Triều Tiên ở Trung Quốc cho rằng Bắc Kinh có thể đang tìm cách mở rộng Sáng kiến Vành đai, Con đường sang Triều Tiên.

“Chủ tịch (Trung Quốc) Tập Cận Bình muốn ông Kim Jong-un bắt đầu tiến hành cải cách kinh tế giống Trung Quốc. Do vậy họ sẽ dành phần lớn thời gian để thảo luận vấn đề này”, Oriana Skylar Mastro, chuyên gia Trung Quốc tại Viện Doanh nghiệp Mỹ, nhận định.

Theo Ngân hàng thế giới, Trung Quốc đã thành công trong việc đưa 800 triệu người dân thoát khỏi nghèo đói nhờ cải cách nền kinh tế theo định hướng thị trường vào năm 1978. Do vậy, nếu có bất kỳ quốc gia nào có thể giúp Triều Tiên cải thiện nền kinh tế, thì đó chỉ có thể là Trung Quốc.

Reuters ngày 21/6 dẫn một nguồn tin cho biết gần 20 doanh nhân Singapore dự kiến sẽ tới thăm Triều Tiên trong thời gian tới để tìm kiếm cơ hội hợp tác tại nước này. Michael Heng, một nhà tư vấn doanh nghiệp tại Singapore, nói rằng ông đã nhận được lời mời đi cùng phái đoàn tới Triều Tiên. Lời mời được đưa ra vào ngày 13/6, tức một ngày sau khi ông Kim Jong-un gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Singapore.
Nên đọc
Theo Dân trí
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo