Thị trường

Mổ xẻ những khoản vay nợ công ở Việt Nam

Nói về việc Nhà nước phát hành trái phiếu Chính phủ để bù đắp những khoản vay nợ công ngày một nhiều, TS Vũ Đình Ánh cảnh báo nguy cơ rơi vào vòng xoáy nợ nần!

Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh có thể xác định đầu tư công ở Việt Nam là miếng bánh được phân chia khéo, được trao đi đổi lại giữa trung ương và địa phương, là sản phẩm của cơ chế xin - cho, trong đó hai phía “xin” và “cho” đều có hiện tượng “đi có, về có”, và cũng có hiện tượng “gửi dự án”.

 

Hệ quả là đầu tư công kém hiệu quả, thất thoát lên đến 20 - 30%, công trình rất đắt, chồng chất nợ nần.


Đầu tư lớn, hiệu quả nhỏ



Việt Nam vẫn chưa có Luật Đầu tư công, Luật Quản lý hay kinh doanh vốn nhà nước và Luật Mua sắm công, nên theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, việc quản lý số vốn khổng lồ này có rất nhiều sơ hở, dẫn đến tham ô, lãng phí và cấu thành của đầu tư công chưa được xác định rõ ràng.



Không phủ nhận Đầu tư công đã đóng góp không nhỏ cho hạ tầng kỹ thuật của nền kinh tế, góp phần xóa đói, giảm nghèo, tuy nhiên ông Doanh cho rằng, trong những năm gần đây, tỷ lệ đầu tư trên GDP ngày càng tăng lên trong khi hiệu quả ngày càng giảm.

 

Tình trạng lãng phí, đầu tư kém hiệu quả rất phổ biến nhưng chỉ phát hiện rất ít trường hợp tham ô và bị đưa ra xử lý. Điều đáng chú ý, Đầu tư công ở Việt Nam lại tập trung vào đầu tư kinh tế rất cao, song tỷ lệ đầu tư vào các lĩnh vực xã hội thấp, và có xu hướng giảm dần trong những năm gần đây.

 

Đặc biệt đáng lo là quyết định chấp thuận đầu tư thường được dựa trên các yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và khả năng huy động vốn, trong khi các tiêu chuẩn về hiệu quả đầu tư chưa được quy định chặt chẽ, chưa có hiệu lực ràng buộc pháp lý.



Theo nhìn nhận của mình, ông Doanh khẳng định: “Sự kém hiệu quả của Đầu tư công nằm ở quy hoạch, kế hoạch, quy trình quyết định đầu tư, tức là ở thể chế và bộ máy. Nếu không có thay đổi trong thể chế và bộ máy, rất khó có thể tái cấu trúc Đầu tư công, và nó sẽ vẫn chỉ dừng lại ở việc cắt xén dự án”.


Trả nợ cũ bằng phát hành nợ mới

Việt Nam đang xây dựng 20 cảng biển quốc tế, xây dựng và mở rộng 22 sân bay dân dụng, trong đó có 8 sân bay quốc tế, đang xây dựng 18 khu kinh tế biển, 30 khu kinh tế cửa khẩu, 260 khu công nghiệp, 650 cụm công nghiệp. Trong thời gian từ 2001 – 2010 đã thành lập mới 307 trường đại học, học viện, bình quân mỗi tỉnh có 6 trường. Tuy nhiên, thực tế thì chưa có một cảng nước sâu nào có tầm cỡ quốc tế.

Theo số liệu mới nhất của Bộ Tài chính, đến cuối năm 2011, nợ công chiếm 54,6%GDP, trong đó nợ chính phủ là 43,6% GDP còn nợ nước ngoài chiếm 41,5% GDP, tương đương 50 tỉ USD, dự kiến đến hết năm nay, nợ công khoảng 58,4% GDP, đến 2015, tổng số nợ công sẽ khoảng 60 - 65% GDP. 

 

Các tổ chức quốc tế cho rằng quy mô nợ của Việt Nam gia tăng nhanh trong giai đoạn 2006 - 2010, và tiếp đà tăng này trong giai đoạn 2011 - 2015. IMF dự báo tới năm 2015, nợ công của Việt Nam sẽ tăng lên 86,2 tỷ USD, nợ nước ngoài cũng tăng tương ứng từ 41,7 tỷ USD lên 73,8 tỷ USD.



Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cũng cho rằng, so với mức độ nợ công chung của các nước mới nổi và đang phát triển thì nợ công của Việt Nam có quy mô lớn hơn và đang có xu hướng gia tăng nhanh chóng, do cả nguyên nhân thâm hụt ngân sách cũng như nguyên nhân vay nợ để đầu tư.



Ông Ánh phân tích thêm, nếu theo chuẩn quốc tế thì thâm hụt ngân sách nhà nước đã tăng vọt từ dưới 10.000 tỷ năm 2006 lên hơn gấp đôi vào năm 2007 và hơn 8 lần vào năm 2009. Hiện tượng này cho thấy xu hướng gia tăng thâm hụt ngân sách nhà nước đã xuất hiện trước khi có khủng hoảng kinh tế toàn cầu, khủng hoảng chỉ làm thâm hụt nặng nề hơn.



Để bù đắp bội chi, Việt Nam buộc phải vay trong nước và vay nước ngoài. Do số nợ vay được sử dụng vào những mục đích không sinh lợi nên toàn bộ số chi trả nợ gốc phải trông vào phát hành nợ mới, đặc biệt là vay trong nước và ngân sách nhà nước đang đứng trước “vòng xoáy” nợ nần, với qui mô nợ Chính phủ ngày càng lớn.

 

Việt Nam tăng trưởng kinh tế 5,1%

Theo báo cáo về Kinh tế Vĩ mô - Triển vọng thị trường Việt Nam tháng 5 vừa được Ngân hàng HSBC đưa ra, HSBC đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2012 từ 5,7% trước đây xuống 5,1%. Theo nhóm nghiên cứu của HSBC, từ đầu năm tới hết tháng 3, khi Ngân hàng Nhà nước  hạ các lãi suất chính sách, tổng lượng vốn vay đã giảm 1,9%, cho thấy nhu cầu vốn trong nước thấp hơn nhiều so với mong đợi. Với tín dụng thu hẹp và tăng trưởng kinh tế chỉ đạt 4,1% trong quý 1, theo dự báo của HSBC, Ngân hàng Nhà nước sẽ hạ tiếp các lãi suất chính sách trong các quý tới. Và đợt giảm lãi suất tiếp theo có lẽ vào đầu quý 3.2012.



Ngoài ra, sự suy giảm tổng cầu mạnh sẽ khiến lạm phát trong tháng 5 này sẽ ở mức 1 con số, dự báo mức lạm phát trong năm nay sẽ khoảng 9,8%, thay vì 11,0% như dự báo trước đây.

H.Linh

 

Theo Phương Trà(ĐV)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo