Mới chỉ có 56 người được vay từ gói hỗ trợ 30.000 tỉ đồng
Ngày 26-7, Bộ Xây dựng cho biết vừa có báo cáo lên Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải về tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ về gói tín dụng 30.000 tỉ đồng cho vay hỗ trợ nhà ở.
(Tuổi Trẻ) Theo đó, Bộ Xây dựng cho biết tính đến thời điểm trung tuần tháng 7-2013, các ngân hàng thương mại đã giải ngân được khoảng 11 tỉ đồng cho 56 khách hàng là hộ gia đình, cá nhân.
Bên cạnh đó các ngân hàng thương mại đã nhận được nhiều hồ sơ xin vay (trong đó Vietinbank nhận được 160 hồ sơ, BIDV nhận được khoảng 100 hồ sơ) và đang tích cực triển khai tiến hành việc thẩm định để cho vay theo quy định.
Về phía tổ chức (bao gồm doanh nghiệp là chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội và doanh nghiệp là chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại chuyển đổi sang nhà ở xã hội), Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản xác nhận đăng ký hợp đồng cho vay đối với hai doanh nghiệp: Công ty cổ phần Vicoland là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội tại tỉnh Thừa Thiên - Huế với số tiền gần 118 tỉ đồng và Công ty cổ phần tư vấn - thương mại - dịch vụ địa ốc Hoàng Quân là chủ đầu tư dự án chuyển đổi sang nhà ở xã hội tại TP.HCM với số tiền 540 tỉ đồng, trong đó đã giải ngân cho Vicoland 34 tỉ đồng.
Bộ Xây dựng cũng cho biết tính đến trung tuần tháng 7-2013, trên địa bàn cả nước đã có 47 dự án đăng ký chuyển đổi từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội, với quy mô xây dựng khoảng 33.000 căn hộ, tổng mức đầu tư khoảng 19.000 tỉ đồng; 16 dự án nhà ở thương mại đăng ký điều chỉnh cơ cấu căn hộ, với quy mô thiết kế ban đầu khoảng 4.700 căn hộ, nay xin điều chỉnh tăng lên 6.600 căn hộ.
Trong báo cáo này, Bộ Xây dựng cũng lên tiếng phủ nhận thông tin nhiều dự án tại TP.HCM không được vay vốn trong khi các chủ đầu tư được vay vốn phần lớn đều là doanh nghiệp thuộc Bộ Xây dựng và ở phía Bắc.
Bộ Xây dựng khẳng định theo tiêu chí xác định doanh nghiệp được vay vốn ưu đãi không có sự phân biệt giữa doanh nghiệp nhà nước với doanh nghiệp khác thuộc các thành phần kinh tế, cũng như không có sự phân biệt khác nhau giữa các địa phương theo vùng miền.
Theo đó bộ này dẫn chứng: trong số 30 dự án mà Bộ Xây dựng đề xuất Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại xem xét để cho vay chỉ có bốn dự án của doanh nghiệp nhà nước (chiếm 13%), bốn doanh nghiệp cổ phần nhà nước không chi phối (chiếm 13%), còn lại là 22 dự án của các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác (chiếm 74%). Trong đó TP.HCM có 5 dự án, thành phố Đà Nẵng 6 dự án, thành phố Hà Nội có 4 dự án, tỉnh Đồng Nai có 3 dự án, các địa phương còn lại (Thừa Thiên - Huế, Kiên Giang...) chỉ có 1 dự án.
Lâm Hoai
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Bất động sản miền Trung khởi sắc: Đà Nẵng, Quảng Bình dẫn đầu xu hướng tăng trưởng
Thủ tướng: Can thiệp vào hoạt động doanh nghiệp nhà nước sẽ làm méo mó thị trường, cản trở phát triển
Mắc một loạt sai phạm, Chứng khoán SmartInvest AAS bị phạt gần 1,4 tỷ đồng
Quy mô nền kinh tế Internet Việt Nam năm 2024 ước đạt 36 tỷ USD
Cột tin quảng cáo