Thị trường

Mối lo rất quen của một thông tư “lạ”

Một thông tư hiện đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì soạn thảo cùng với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng để hướng dẫn quy trình tổng thể giải quyết thủ tục hành chính về đầu tư, đất đai, xây dựng và môi trường đối với dự án đầu tư.

Nội dung quan trọng của thông tư là cụ thể hóa và xác định rõ một quy trình tổng thể giải quyết các thủ tục hành chính cần thiết để triển khai một dự án đầu tư có sử dụng đất - Ảnh minh họa.

Yêu cầu này được thực hiện theo yêu cầu của Chính phủ, một trong các giải pháp cụ thể để thực hiện đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh giai đoạn 2013-2020.

Dự thảo thông tư với 22 điều và một phụ lục hướng dẫn quy trình thủ tục hành chính triển khai dự án đầu tư có sử dụng đất ngoài khu công nghiệp, khu chế xuất. Nội dung quan trọng của thông tư là cụ thể hóa và xác định rõ một quy trình tổng thể giải quyết các thủ tục hành chính cần thiết để triển khai một dự án đầu tư có sử dụng đất. Quy trình được thiết lập trên nguyên tắc mang tính kết nối, hệ thống, phù hợp với thực tiễn và đảm bảo hiệu lực quản lý nhà nước từ chấp thuận chủ trương đầu tư và cấp giấy chứng nhận đầu tư cho đến cấp giấy phép xây dựng.

Điều lạ thứ nhất là trái với không ít văn bản “trời ơi đất hỡi” gây dư luận bức xúc được đưa ra gần đây, thông tư này được ban hành nhằm chủ động giải quyết một vấn đề bức xúc trong cộng đồng doanh nghiệp hiện tại, theo khuyến nghị mà doanh nghiệp nêu ra. Bởi vì một trong những khó khăn hàng đầu đối với nhà đầu tư tại Việt Nam là các thủ tục hành chính trong triển khai dự án đầu tư, từ khi có ý tưởng kinh doanh cho đến khi xong xuôi các thủ tục để đưa nhà máy vào vận hành.

Điều lạ thứ hai là chủ trì việc soạn thảo được giao cho Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), một cơ quan nghiên cứu, không phải là cơ quan trực tiếp có thẩm quyền cấp phép, cơ quan này từng chủ trì soạn thảo Luật Doanh nghiệp với tư duy đổi mới đã được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao.

Dù chỉ là một thông tư, trái với thông lệ ban soạn thảo chỉ gồm các vụ, cục thuộc bộ, thành phần ban soạn thảo của thông tư này đã có sự tham gia của đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cơ quan đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và đại diện chính quyền địa phương.

Điều lạ thứ ba là dù quy mô một thông tư liên tịch thôi nhưng tham vọng rất lớn, đó là giảm tối đa những nội dung thiếu rõ ràng hoặc mâu thuẫn và không tương thích của “một rừng” các quy định pháp luật có liên quan, tạo lập một quy trình thủ tục chuẩn mực và thống nhất. Hiện tại chỉ trong giai đoạn đầu này thôi có rất nhiều quy định điều chỉnh.

Theo nghiên cứu của VCCI thì chỉ tính từ khi nhà đầu tư bắt đầu thực hiện dự án đầu tư cho đến khi kết thúc xây dựng nhà xưởng đã có đến 6 đạo luật lớn điều chỉnh, 10 nghị định và 9 thông tư thuộc nhiều ngành khác nhau hướng dẫn về thủ tục, đó là chưa tính đến một khối lượng lớn các văn bản hướng dẫn thực hiện cấp tỉnh. Việc hiểu được, hiểu đúng và thực hiện các quy định một cách thống nhất rất khó, chi phí thực hiện các quy định hành chính rất lớn.

Đó là chưa tính đến các rủi ro lớn khác cho nhà đầu tư như các văn bản này thường xuyên thay đổi, việc hiểu và áp dụng các quy định này hoàn toàn không giống nhau giữa các cơ quan nhà nước, giữa các cán bộ các cấp.

Do vậy, trên thực tế hiện nay không thể sắp xếp được một quy trình thống nhất các thủ tục hành chính để triển khai dự án đầu tư nếu căn cứ vào các quy định pháp luật có liên quan. Điều này đã dẫn đến một thực tế “loạn sứ quân”, mỗi địa phương khác nhau có những quy trình hướng dẫn thủ tục triển khai dự án đầu tư khác nhau.

Từ các kinh nghiệm tốt ở một số địa phương, các quy định của thông tư được thiết kế để hướng dẫn chi tiết trình tự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong giải quyết thủ tục hành chính; theo đó xác định rõ trách nhiệm các cơ quan cơ quan có liên quan, cụ thể. Trong các trình tự đã chỉ rõ cơ quan nào chịu trách nhiệm đầu mối giải quyết thủ tục: nhận hồ sơ, tham mưu giải quyết, quyết định và trả kết quả.Chỉ rõ thời hạn mà các cơ quan có liên quan phải hoàn thành nhiệm vụ của mình.

Điều lạ thứ tư là thông tư này đã hướng đến dự liệu việc thực hiện trên thực tế. Tinh thần của quy định này là thúc đẩy sự phối hợp giữa các cơ quan có liên quan. Một trong những điểm yếu nhất của hệ thống hành chính hiện tại là sự phối hợp giữa các cơ quan Nhà nước. Nhiều thủ tục đáng ra phải có cơ quan Nhà nước đầu mối, chủ trì để phối hợp giữa các cơ quan Nhà nước với nhau, nhưng thực tế không được như vậy, doanh nghiệp phải tự “chạy”, tự thúc đẩy.

Chẳng hạn một thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư ban đầu, trước khi UBND tỉnh quyết định thì cần phải lấy ý kiến các sở, ngành liên quan, các cấp huyện, xã, thậm chí một số dự án phải có cả ý kiến của một số bộ, ngành. Trong những trường hợp đó, thực tế doanh nghiệp phải “gõ cửa” từng cơ quan một, gặp gỡ từng người liên quan một; như vậy, rõ ràng phát sinh nhiều thủ tục hành chính “con” bên trong một thủ tục hành chính “lớn” và tốn rất nhiều chi phí và thời gian. Do vậy, nếu có cơ chế phối hợp hay “một cửa” đúng nghĩa sẽ giảm được rất nhiều thời gian đi lại và chi phí cho doanh nghiệp…

Để tháo gỡ khó khăn này, thông tư đưa vào áp dụng nhiều giải pháp trong đó có nguyên tắc họp đại diện các cơ quan liên quan thay cho lấy ý kiến bằng văn bản trong quá trình phối hợp giải quyết thủ tục hành chính. Trường hợp lấy ý kiến bằng văn bản, cơ quan được lấy ý kiến không trả lời đúng thời hạn thì coi là ý kiến đồng ý và cơ quan đó chịu trách nhiệm về việc không trả lời đúng hạn này. Điều này góp phần giúp giảm nhiều thời gian cho doanh nghiệp và tăng trách nhiệm của cơ quan nhà nước. Một giải pháp rất tích cực và đột phá và có vẻ đi ngược chiều với nhiều văn bản pháp luật đã được ban hành!

Tuy nhiên, dù cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư đánh giá rất cao tư duy và cách tiếp cận của thông tư này, ban soạn thảo hiện đang phải đối mặt với một lo ngại rất quen.

Làm sao để thuyết phục các bộ vượt qua được tư duy và “quyền lợi” của ngành mình vì lợi ích chung? Liệu các bộ quan trọng như bộ Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng có đồng tình việc rút ngắn và đơn giản hoá thủ tục, đồng thời cũng phần nào làm hạn chế quyền của ngành mình?

Hơn 40 UBND tỉnh, thành phố mà ban soạn thảo thông tư lấy ý kiến đều phản hồi tích cực, đánh giá cao cách tiếp cận của thông tư này. Tuy nhiên, theo như người viết được biết, quá hạn mà bạn soạn thảo đề nghị, các bộ quan trọng nêu trên vẫn chưa phản hồi chính thức về dự thảo mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi lấy ý kiến.

Tại cuộc họp lãnh đạo các bộ có liên quan để thảo luận về nội dung dự thảo thông tư này thì đại diện lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng Bộ Xây dựng cũng đều vắng mặt!

Theo Vneconomy
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo