Quốc tế

Mối lo sợ của Mỹ từ vũ khí không gian Nga - Trung

Tình báo Mỹ đánh giá Trung Quốc và Nga đạt nhiều bước tiến về công nghệ vũ khí không gian, cho phép biên chế chúng trong tương lai gần.

"Các đối thủ như Nga và Trung Quốc đang phát triển khả năng diệt vệ tinh từ dưới mặt đất và trong không gian. Những vũ khí này có thể được ra mắt và biên chế trong tương lai gần", Defense One dẫn lời tướng Robert Ashley, giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ, phát biểu hồi cuối tháng 6.

Dù cộng đồng tình báo Mỹ chưa công khai thừa nhận Nga và Trung Quốc đang đẩy mạnh quân sự hóa không gian, báo cáo hồi tháng 2 của Văn phòng Giám đốc Tình báo Mỹ đã ám chỉ khả năng này.

Tên lửa đưa vệ tinh bí mật của Nga lên không gian năm 2016. Ảnh: Roscosmos.

"Nga và Trung Quốc liên tục phóng các 'vệ tinh thử nghiệm' để tiến hành hoạt động tinh vi trên quỹ đạo, trong đó bao gồm một số khí tài tăng cường năng lực tác chiến không gian. Một số công nghệ vì mục đích hòa bình như kiểm tra, tiếp liệu và sửa chữa vệ tinh cũng có thể được sử dụng để tấn công thiết bị không gian của đối phương", báo cáo này cho biết.

Tháng 9/2014, Nga phóng vệ tinh Olymp-K lên quỹ đạo. Nó thực hiện nhiều động tác cơ động bất thường và áp sát hai vệ tinh liên lạc Intelsat ở khoảng cách gần 11 km.

"Đây là động thái bất thường và đáng lo ngại", Kay Sear, giám đốc công ty vận hành vệ tinh liên lạc này, cho biết. Động thái của Nga khiến Lầu Năm Góc phải tổ chức nhiều cuộc họp bí mật. Kể từ đó, giới quan sát đã cảnh báo về ba vệ tinh cơ động khác của Nga trên quỹ đạo.

Tuyên bố của tướng Ashley được đưa ra trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa yêu cầu Lầu Năm Góc nhanh chóng thành lập Quân chủng Vũ trụ (SF), quân chủng thứ 6 của lực lượng vũ trang Mỹ.

Thỏa thuận không gian (OST) năm 1967 cấm các nước thành viên, trong đó có Mỹ, triển khai vũ khí hạt nhân và các vũ khí hủy diệt hàng loạt trên quỹ đạo quanh Trái Đất. Các quốc gia cũng không được thử vũ khí trên không gian, xây dựng căn cứ quân sự trên Mặt Trăng và các hành tinh khác.

 

Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Michael Griffin hồi tháng 3 cho biết Washington có thể hồi sinh kế hoạch được phát triển từ cuối thập niên 1980, trong đó triển khai các bộ phát chùm hạt neutron lên không gian để tấn công tên lửa dưới mặt đất hoặc những vật thể trong vũ trụ.

Giới quan sát đánh giá việc Mỹ thành lập Quân chủng Vũ trụ có nguy cơ khơi mào cuộc chạy đua vũ trang mới giữa các cường quốc. Moskva cảnh báo nếu quân chủng mới thành lập của Washington triển khai vũ khí hạt nhân trên vũ trụ, nhân loại có thể đối mặt với thảm họa diệt vong.

 

Nên đọc
Theo VnExpress
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo