Mối nguy hiểm thực sự của cuộc xung đột giữa Mỹ và Nga
Giới chính trị gia, các nhà báo và công chúng có thể thấy điều này là phóng đại khó tin, thế nhưng sự thật vẫn là sự thật. Sự gia tăng lực lượng của cả hai bên và khả năng đối thoại trực tiếp vẫn có các cản trở, có nghĩa là sự nguy hiểm hiện nay có nhiều khả năng xảy ra, còn việc san phẳng chúng và loại bỏ sự căng thẳng ngày càng trở nên khó khăn hơn.
Tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở Warsawa, các nguyên thủ quốc gia trong Liên minh đã tuyên bố quyết tâm của mình để đảm bảo an ninh cho các thành viên phía đông. Họ có kế hoạch tăng thêm bốn tiểu đoàn với tổng số bốn ngàn quân ở miền đông Ba Lan và các nước Baltic, tức là trong vùng gần sát với thủ đô lịch sử của Nga St. Petersburg và khu vực Kaliningrad, bị các thành viên NATO bao vây hoàn toàn, và chỉ cách Berlin 480 km. Những đóng góp của Mỹ trong nỗ lực này, được gọi là "Sáng kiến bảo đảm an ninh châu Âu", tính ra bằng tiền là gần bốn tỷ USD và dự tính luân phiên điều chuyển quân đội, huấn luyện quân sự và tập trận với các đồng minh trong khu vực và đối tác của Hoa Kỳ, bao gồm cả Gruzia và Ukraine. Hai thành viên NATO Romania và Bulgaria, có bờ biển trải dài trên Biển Đen phía nam nước Nga, đã yêu cầu dồn cho họ lực lượng hải quân của Liên minh. Còn hệ thống phòng thủ tên lửa châu Âu dưới sự lãnh đạo của Mỹ sẽ lập thêm các đơn vị đánh chặn tên lửa ở Ba Lan và Romania.
Tất cả điều này có vẻ giống như NATO đang chuẩn bị để bảo vệ các thành viên phía đông trước cuộc tấn công của Nga — hay là đại loại như vậy. Vấn đề là hành động trấn an hàng xóm của NATO đang tiến hành hoàn toàn không phải suôn xẻ.
Đáp lại hành động triển khai quân đội NATO trên địa bàn gần sát biên giới của mình, ngay lập tức Nga hứa sẽ đưa ra các phản ứng thích hợp. Biện pháp đối phó của Nga ngày càng đa dạng, bao gồm tập trận không báo trước, thành lập ba sư đoàn mới gần biên giới phía đông của Ukraina và triển khai tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân ở khu vực Kaliningrad.
Ba thập kỷ thống trị của Mỹ, như Matthew Rojansky viết, đã dẫn đến sự tự cao tự đại, và người Mỹ đã không quen đối phó với các đối thủ ngang sức như nước Nga. Washington về cơ bản đang cho rằng Nga là một cường quốc đang suy giảm, và về lâu dài khó có thể cưỡng lại được áp lực của Mỹ.
Về phía mình, giới lãnh đạo Nga đang theo dõi động thái bá quyền của Mỹ, Hoa kỳ đang cố kéo căng lực lượng của mình và nỗ lực hành động một cách quyền lực và có tính sai khiến. Họ tin rằng Hoa kỳ khó có thể vừa tập trung các nguồn lực và sự quan tâm cần thiết để loại bỏ những khó khăn gần nước Mỹ, chưa tính đến các vấn đề khác ở tận phía bên kia địa cầu. Người ta đang chờ đợi với hy vọng vào thời điểm nào đó một cơn gió mạnh sẽ hủy diệt ván bài quyền lực của chính trường Mỹ.
Cả hai bên đều có thể đúng trong viễn cảnh dài hạn. Nhưng ở đây và ngay bây giờ, họ đang tiến đến những rủi ro không thể chấp nhận khi tạo ra tình huống mà quan điểm thù địch của họ về một loạt các vấn đề xung đột từ Balkan tới Trung Đông có thể gây ra leo thang ngoài ý muốn. Việc loại bỏ những rủi ro này không có nghĩa là từ bỏ đồng minh và xa rời các nguyên tắc cơ bản; điều này đơn giản là cần phải rút ra bài học lịch sử. Đối với mỗi hành động đều có một phản ứng, và để cho chu kỳ này không vượt ra ngoài tầm kiểm soát, cần xác định rõ ràng các kênh đối thoại, còn các nhà lãnh đạo của cả hai bên phải sẵn sàng sử dụng chúng, ông Matthew Rojansky kết luận.
End of content
Không có tin nào tiếp theo