Thị trường

Môi trường kinh doanh giảm tám bậc

(DNHN)-Báo cáo về môi trường kinh doanh 2012” do Ngân hàng thế giới công bố, năm 2011 Việt Nam giảm 8 bậc xuống vị trí thứ 98 trong bảng xếp hạng môi trường kinh doanh của 183 nên kinh tế

 Được bắt đầu từ năm 2006, Báo cáo thường niên doanh nghiệp Việt Nam do Viện Phát triển doanh nghiệp – Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam thực hiện, là một trong những tài liệu quan trọng, giúp các doanh nghiệp và những người quan tâm hiểu rõ về tình hình phát triển của doanh nghiệp Việt Nam qua từng năm, trên cơ sở đó xây dựng những hướng đi thích hợp phục vụ công việc phát triển kinh doanh ở Việt Nam.

  

Trong năm 2011, Việt Nam phải đón nhận nhiều tác động xấu từ bên ngoài. Điển hình là cuộc khủng hoảng nợ công ở Châu Âu và Hoa Kỳ, động đất, sóng thần ở Nhật Bản. Môi trường kinh doanh trong nước năm 2011 đã kém đi so với năm 2010 thể hiện qua các chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế, thu hút vốn đầu tư nước ngoài và đặc biệt là tình trạng làm phát cao.

 

Trong “Báo cáo về môi trường kinh doanh 2012” do Ngân hàng thế giới công bố, năm 2011 Việt Nam giảm 8 bậc xuống vị trí thứ 98 trong bảng xếp hạng môi trường kinh doanh của 183 nên kinh tế.

 

Trước những khó khăn này, các doanh nghiệp Việt Nam đã nỗ lực vượt khó và cũng thu được một số kết quả tích cực. Kim ngạch xuất nhập khẩu đã vượt qua con số 200 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 96,3 tỷ USD, tăng 33,3% so với năm 2010.

 

Trong khó khăn, số lượng doanh nghiệp mới thành lập giảm cả về số lượng, số vốn đăng ký. Năm 2011, số lượng doanh nghiệp mới đăng ký kinh doanh đạt 77.548 doanh nghiệp, với số vốn đăng ký đạt trên 513 nghìn tỷ đồng, giảm khoảng 13% về số doanh nghiệp đăng ký mới và giảm 5,7% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2010. Tính cả năm 2011, số doanh nghiệp giải thể là 7.611 doanh nghiệp.

 

Theo số liệu của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, tính đến 31/12/2011, tổng số doanh nghiệp đăng ký theo Luật Doanh nghiệp là 622.977 doanh nghiệp. Tổng số doanh nghiệp đã giải thể là 79.014 doanh nghiệp. Như vậy, số doanh nghiệp còn tồn tại về mặt pháp lý tính đến hết ngày 31/12/2011 là 543.963 doanh nghiệp với tổng số vốn trên 6 triệu tỷ đồng.

 

“Báo cáo thường niên doanh nghiệp Việt Nam 2011” cho thấy đây là năm  “Liên kết kinh doanh” qua khảo sát năm ngành kinh tế được lựa chọn là sản xuất chế biến thực phẩm, sản xuất da giầy và các sản phẩm liên quan, sản xuất xe có động cơ, vận tải và kho bãi, Du lịch.

 

Các doanh nghiệp có thể tăng cường liên kết kinh doanh thông qua việc tham gia vào các chuỗi giá trị, các mạng sản xuất, hình thành các cụm nông công nghiệp. Việc liên kết này sẽ giúp các doanh nghiệp phát triển bền vững, đảm bảo đầu vào cũng như đầu ra của doanh nghiệp, nâng cao năng suất và hiệu quả kinh doanh.

 

Trong việc thúc đẩy liên kết kinh doanh giữa các doanh nghiệp, không thể không nhắc đến vai trò quan trọng của ngành dịch vụ vận tải kho bãi cũng như của các hiệp hội doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc liên kết kinh doanh hiện nay giữa các doanh nghiệp Việt Nam còn yếu, chủ yếu mang tính tự phát.

 

Trong bối cảnh khó khăn này, Chính phủ cần có những giải pháp quyết liệt để giúp ổn định tình hình kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp.

 

Các doanh nghiệp cần tiếp tục thực hiện tái cấu trúc doanh nghiệp nhằm nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm để có thể tham gia sâu rộng vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. Đồng thời, cần đa dạng hóa các nguồn vốn để không bị quá phụ thuộc vào nguồn vốn của Ngân hàng.

 

Kiến An   

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo