Tài chính - ngân hàng

Môi trường sản xuất kinh doanh: Chưa sòng phẳng

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, mô hình tăng trưởng của Việt Nam đang có vấn đề, trường hợp cứ giữ mô hình tăng trưởng cũ thì Việt Nam sẽ bị đứng ngoài cuộc chơi của nền kinh tế thế giới.
Nhận định về thực trạng tăng trưởng của Việt Nam TS. Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chính sách khẳng định: "Kinh tế Việt Nam còn nhiều bất ổn, đà tăng trưởng kinh tế chưa có dấu hiệu lấy lại đà tăng trưởng”. Ông Thành phân tích thêm, dữ liệu tăng trưởng và lạm phát giai đoạn 1995-2012 cho thấy, năm 2007 là thời điểm quan trọng. Sau khi tăng trưởng ở đỉnh cao, kinh tế Việt Nam từ 2007 bắt đầu giảm dần, từ khoảng 10% trong suốt thập niên trước đó, bắt đầu giảm dần - còn khoảng 5%.  
 
Không phủ nhận sự tăng trưởng của kinh tế trong nước, TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, nền kinh tế Việt Nam duy trì được tốc độ khá cao trong một thời gian khá dài. Tuy nhiên, quá trình tăng trưởng đó có hai đặc trưng nổi bật và nghịch lý.
 
Một là chậm nâng cấp về trình độ và chất lượng, hai là thiếu tính không bền vững. Nói cách khác, nền kinh tế đã chịu duy trì quá lâu trong mô hình "giá trị gia tăng thấp”, dựa vào khai thác tài nguyên và sản xuất gia công lắp ráp. Thậm chí nền kinh tế đã tăng trưởng thiếu bền vững hay còn gọi là tăng trưởng nóng khi ồ ạt bơm tín dụng trong khoảng thời gian dài.
 
"Dữ liệu những năm qua cho thấy tốc độ tăng trưởng tín dụng đáng kinh ngạc của Việt Nam: trong cùng một giai đoạn, chỉ có Việt Nam duy trì đường đồ thị tăng trưởng tín dụng "dốc đứng” trong khi các nước khác đều "đi ngang” hoặc "lao dốc”.
 
Có thể nói đây chính là căn nguyên của tình trạng hiệu quả sử dụng vốn thấp, lạm phát cao, bất ổn kéo dài trong nền kinh tế mấy năm qua”, ông Thiên nhấn mạnh. 
 
Vẫn theo TS Trần Đình Thiên, nền kinh tế tăng trưởng đã phải đánh đổi bằng lạm phát, nếu không có quyết tâm đổi mới mạnh thì cái giá phải trả cho sự tăng trưởng này sẽ rất đắt.  
 
Không ít ý kiến cho rằng những mô hình tập đoàn kinh tế nhà nước như Vinashin, Vinalines, kể cả Vietnam Airlines đều cho thấy họ ít nhiều thất bại trong môi trường kinh doanh mới, còn khối doanh nghiệp tư nhân thiếu cơ hội phát triển bởi sự phân bổ nguồn lực đã tập trung vào tập trung vào doanh nghiệp nhà nước.
 
Ông Đỗ Duy Thái, Tổng Giám đốc Công ty Thép Việt phân trần, doanh nghiệp tư nhân đang chịu sự đối xử thiếu công bằng. Bởi vì các chính sách phân bổ nguồn lực chủ yếu tập trung cho doanh nghiệp nhà nước, các ưu đãi về thuế, hạ tầng và thu hút đầu tư dành cho khối FDI.
 
Trong khi các doanh nghiệp tư nhân không được hưởng các chính sách này và xoay trở chật vật trong môi trường kinh doanh thiếu sự bình đẳng. Theo ông Thái, ngành công nghệ điện toán phát triển tạo cơ hội cho các doanh nghiệp đổi mới công nghệ và rút ngắn khoảng cách với đối thủ, nhưng họ đã khó khăn ngay ở thị trường nội địa chứ chưa nói vươn ra nước ngoài. "Chỉ cần chính sách vĩ mô có sự công bằng, các hoạt động thị trường tự điều tiết thì doanh nghiệp sẽ tự khắc phát triển”, ông Thái nhìn nhận.
 
Vẫn biết rằng, thực tiễn hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp cho thấy mấu chốt phát triển trong doanh nghiệp là tự lực tự cường, dựa trên năng lực của mình. Tuy nhiên, nhằm tạo ra môi trường kinh doanh và cạnh tranh lành mạnh TS Nguyễn Đức Thành cho hay: "Để có đội ngũ doanh nghiệp mạnh, cần một môi trường bình đẳng để vượt qua các khó khăn. Các chính sách vĩ mô cơ bản phải tạo sự công bằng, minh bạch và không can thiệp quá nhiều vào các hoạt động doanh nghiệp”.
 
 
 
 
Gia Huy
Theo ĐĐK
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo