Moody's: Môi trường vĩ mô của Việt Nam đã ổn định hơn
Theo Moody’s, tăng trưởng GDP thực của Việt Nam đã hồi phục từ mức thấp của năm ngoái và được hỗ trợ bởi lạm phát ổn định cùng với cán cân thanh toán được củng cố.
Ngày 12/12, hãng xếp hạng tín nhiệm Moody’s vừa công bố báo cáo cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam. Theo đó, Moody’s cho rằng triển vọng tích cực cho mức xếp hạng B2 đối với trái phiếu do chính phủ Việt Nam phát hành phản ánh môi trường kinh tế vĩ mô ổn định hơn và quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng đã có những tiến triển ban đầu.
Đây là báo cáo cập nhật hàng năm và không đi kèm theo hành động xếp hạng. Xếp hạng được đưa ra dựa trên 4 yếu tố: sức mạnh kinh tế vĩ mô ở mức vừa phải, sức mạnh thể chế vẫn còn yếu, sức mạnh tài khóa ở mức vừa phải và dễ bị ảnh hưởng bởi các sự kiện rủi ro.
Theo Moody’s, tăng trưởng GDP thực của Việt Nam đã hồi phục từ mức thấp của năm ngoái và được hỗ trợ bởi lạm phát ổn định cùng với cán cân thanh toán được củng cố. Đặc biệt, tăng trưởng của nhóm các doanh nghiệp nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực sản xuất đồ xuất khẩu (nhất là điện thoại) đã giúp khôi phục “sức khỏe” cán cân vãng lai cũng như cán cân thanh toán tổng thể. Kết quả là, dự trữ ngoại hối đang ở mức cao kỷ lục trong nhiều năm. Tỷ giá ổn định cũng giúp kiềm chế lạm phát.
Thách thức lớn nhất đối với tín dụng ở Việt Nam và rủi ro lan tỏa của khu vực ngân hàng và khu vực doanh nghiệp nhà nước. Mặc dù nợ trực tiếp của chính phủ đối với hai khu vực này là không nhiều, bảng cân đối kế toán của các doanh nghiệp nhà nước được mở rộng trong suốt thập kỷ vừa qua có nguyên nhân xuất phát từ tín dụng tăng trưởng quá nóng, tạo gánh nặng nợ lớn lên khu vực công.
Tuy nhiên, báo cáo của Moody's cũng cho rằng Việt Nam đã đạt được tiến bộ trong quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, mặc dù rủi ro khiến xếp hạng bị hạ xuống mức B2 hồi tháng 9 năm ngoái vẫn chưa hoàn toàn biến mất. Đặc biệt, VAMC đã bắt đầu mua nợ xấu từ các ngân hàng và điều này sẽ giúp giảm thiểu rủi ro trong thời gian tới.
Theo Tri thức trẻ
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo