Một cựu chiến binh hiến đất xây bệnh xá
Chỉ cho chúng tôi xem ngôi nhà dài, nhiều phòng mới xây dựng bề thế trên một khu đất rộng, thoáng mát, già làng A Teng hồ hởi: Ðó là bệnh xá của Công ty 78 (Binh đoàn 15) mới xây dựng. Từ nay, có bác sĩ giỏi, có bệnh xá của Công ty 78 rồi, dân làng K Ðinh và bà con đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn vùng biên giới xã Mô Rai không phải băng rừng về tận Sa Thầy khám bệnh nữa... Già làng khoe: A Hải, đã hiến hơn một nghìn m2 đất để Công ty 78 xây bệnh xá. Gia đình A Hải vẫn nằm trong diện hộ nghèo, vợ chồng lao động quần quật quanh năm cũng chỉ đủ ăn. Bây giờ hiến đất xây bệnh xá, nó lại khó khăn hơn, nhưng việc làm của nó là tốt lắm... Rồi già làng A Teng kể cho chúng tôi nghe chuyện về Cựu chiến binh A Hải, người Giơ rai, ở làng K Ðinh hiến đất, hiến vườn xây bệnh xá.
Năm 1963, A Hải tròn 19 tuổi, khi cái đầu cao bằng ngọn mía thì anh đã tình nguyện lên đường "theo" bộ đội. Năm 1976, A Hải trở về buôn làng với cấp bậc Ðại úy, vẫn thấy đời sống của bà con chưa hết khổ cực. Ðiệp khúc "chặt, đốt, chọc, tỉa" đã làm cho rừng mất hết cây, mọi người vẫn không thoát được cái đói, cái nghèo. Người dân trong xã đau ốm không đi bệnh xá điều trị chỉ mời thầy mo đến cúng, tiền mất, bệnh vẫn còn. Thương bà con đồng bào mình, A Hải vận động mọi người khai hoang đất làm lúa nước, nuôi thêm con lợn, con bò để lấy phân bón ruộng và từ bỏ các hủ tục để chung sức lao động sản xuất, ổn định cuộc sống. Có Ðại úy A Hải tiếp sức, người dân địa phương đã từng bước thoát được cái đói, nhưng cái nghèo vẫn chưa qua được.
Căn nhà cấp bốn của vợ chồng A Hải khoảng 50 m2, trong nhà không có thứ gì giá trị hơn một triệu đồng, thế nhưng A Hải đã tự nguyện hiến khu vườn trồng cây ăn trái có mít, chuối của gia đình. Nghe chúng tôi hỏi chuyện hiến đất, hiến vườn để xây bệnh xá, A Hải chỉ cười: Khi cán bộ Công ty 78 và chính quyền xã đến gặp gia đình để vận động, mình thấy đây là việc nghĩa nên đồng ý hiến đất, hiến vườn để Công ty 78 xây bệnh xá. Có người trong thôn bảo, bộ đội xây bệnh xá sao không xin đất của xã, của huyện, quyết định của A Hải là sai rồi. Ðất đó bây giờ bán rẻ cũng hơn hai trăm triệu đồng, tiền đó A Hải xây được một cái nhà to để ở, mua thêm cái xe máy cho con đi làm... Song A Hải lại nghĩ khác, dù không giàu có, nhưng hai vợ chồng và mấy cháu nhỏ vẫn sống đầy đủ, không thiếu ăn mùa giáp hạt. Khổ nhất bây giờ là con cái và bà con đau ốm phải đi khám bệnh nơi xa. Nếu bệnh xá được xây ở xã, thì bà con đau ốm sẽ không phải đi xa để khám bệnh nữa. Có bệnh xá, có bác sĩ bộ đội chăm sóc, mọi người bớt đau yếu yên tâm lên nương, lên rẫy làm ăn, no ấm... Từ những suy nghĩ đó, A Hải đã bàn với vợ và được vợ đồng ý hiến đất, hiến vườn cho Công ty 78 để xây dựng bệnh xá.
Nói về những đóng góp của gia đình A Hải đối với Công ty 78, Ðại tá Nguyễn Xuân Minh, Giám đốc Công ty 78, kể rằng: "Khi đơn vị mới lên đây "lập nghiệp", gia đình A Hải đã cho bộ đội ở nhờ trong vườn mít, khi đơn vị đặt vấn đề hiến đất, hiến vườn xây dựng bệnh xá, vợ chồng A Hải và bà con địa phương đồng tình hưởng ứng... Tình cảm quý báu đó đã thôi thúc đơn vị có nhiều việc làm thiết thực: động viên mọi người vào làm công nhân trong công ty, hỗ trợ lương thực cho bà con mùa giáp hạt, hỗ trợ cây giống, vật nuôi, nhất là trồng, bàn giao và hướng dẫn cách chăm sóc, nâng cao năng suất trồng cây lúa nước... để giúp bà con phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống".
Chia tay bà con ở vùng biên giới Mô Rai, chúng tôi nhớ mãi câu nói của Cựu chiến binh A Hải: "Rồi đây bà con mình sẽ không còn ai bị chết vì sốt rét, mọi người ốm đau đều có bác sĩ bộ đội khám bệnh, cấp thuốc miễn phí, điều trị không lấy tiền, con ma bệnh hết đường sống, thầy mo cũng thôi việc... Có sức khỏe là có tất cả, cái đói, cái khổ sẽ hết, nói rồi A Hải cười rất vui.
Hồng Lĩnh (Theo Nhân Dân)
End of content
Không có tin nào tiếp theo