Quốc tế

Một năm sau thảm họa, điều gì đang khiến người Nhật lo lắng nhất?

Ngày 11/3/2011 là ngày không thể quên với người dân Nhật Bản. Một năm sau đó, người Nhật vẫn sống trong âu lo thường trực, trong đó có cả những băn khoăn là làm cách nào để đối phó với một cơn đại địa chấn khi biết là không thể tránh được.

 Thực hư mức độ an toàn thực phẩm

Trước khi xảy ra tai nạn hạt nhân Fukushima, với người dân Nhật Bản, an toàn vệ sinh thực phẩm là chuyện không đáng phải bận tâm. Một năm sau xảy ra tai họa, nỗi lo thực phẩm nhiễm phóng xạ vẫn ám ảnh người tiêu dùng ở đất nước này mặc dù chính quyền vẫn cố gắng trấn an người tiêu dùng.

Trận sóng thần kinh hoàng hôm 11/3/2011 với độ cao đạt đến hàng chục m đã dẫn đến tai nạn tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1. Các phần tử cesium và nhiều thành phần phóng xạ khác bị phát tán vào không khí, nước trong một vùng rộng lớn xung quanh nhà máy. Các chất phóng xạ bị nhiễm vào trong cây trồng hoặc được động vật hấp thụ.

Sau tai nạn chính quyền đã phải tiến hành đo đạc rất tỷ mỉ nồng độ nhiễm xạ trong các loại thực phẩm, đồng thời tạm thời cấm lưu hành các loại sản phẩm rau quả, thịt cá, sữa… có nguồn gốc từ khu vực Fukushima và vùng phụ cận. Từ đó đến nay có rất nhiều vấn đề xung quanh cái ăn khiến người dân Nhật không khỏi lo ngại nhất là việc chính quyền thông tin thiếu nhất quán về nguy cơ nhiễm xạ.

Thí dụ như lúa gạo trồng trong khu vực xảy ra tai nạn ban đầu được công bố là vẫn có thể sử dụng được nhưng sau khi có các xét nghiệm bổ sung thì lại phát hiện ra mức nhiễm xạ tăng cao hơn bình thường.

Mới đây, chính phủ thông báo từ mùng 1 tháng Tư tới sẽ nâng giới hạn tạm thời mức phóng xạ thực phẩm được quy định sau tai nạn từ 100 lên 500 becquerel Cesium trên một kilogram thực phẩm. Điều này khiến người dân nghi ngờ chính phủ chỉ quan tâm đến sản xuất hàng hóa nhiều hơn là lo bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.

Mặc dù sắp tới mức trần phóng xạ cho các loại thực phẩm sẽ trở lại mức nghiêm khắc để dư luận yên tâm, nhưng sản phẩm của Fukushima vẫn không thể xóa bỏ hết hoài nghi.

Nước biển bị ô nhiễm

Sau khi sóng thần tàn phá nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1, các vụ nổ đã liên tiếp xảy ra. Tình hình trở nên vô cùng nghiêm trọng. Vỏ bọc bị phá hủy, sau đó lò phản ứng bị nóng chảy. Và nước nhiễm phóng xạ cường độ cao bắt đầu chảy vào đại dương.

Theo giới khoa học Nhật Bản, từ Fukushima-1 đã xả xuống Thái Bình Dươngkhoảng 13.000-15.000 terabekkereley chất phóng xạ. Hầu hết các chất này có thời gian phân hủy ngắn và cho đến thời điểm hiện nay không gây nguy hiểm.

Nhưng ngoài ra, hàm lượng chất phóng xạ cesium trong nước biển đang khiến dư luận báo động. Hàm lượng chất phóng xạ cesium trong nước biển Thái Bình Dương hiện cao hơn gấp 6 lần so với những ước tính từ trước - đó là kết quả nghiên cứu do Cơ quan Nhật Bản về khảo sát biển công bố mới đây.

Sau khi kiểm tra mẫu nước biển ở 500 điểm ven bờ của tỉnh Fukushima, các nhà khoa học Nhật Bản đi đến kết luận rằng lượng chất thải cesium -137 từ nhà máy điện hạt nhân bị tai nạn là từ 4200 đến 5600 terabekkereley.

Chất phóng xạ cesium-137 cực kỳ nguy hiểm bởi nó có thể tích tụ trong cơ thể, hủy hoại cơ bắp và khởi phát bệnh ung thư. Thời gian bán phân hủy của cesium-137 là khoảng 30 năm.

Nhà môi trường học nổi tiếng Alexei Yablokov của Nga phân tích: “Hầu hết các hạt nhân phóng xạ trôi vào đại dương. Phóng xạ này không hòa tan được hoàn toàn. Bây giờ một nửa số cá được mua bán ở phần phía đông Nhật Bản bị nhiễm hạt nhân phóng xạ Fukusima. Hạt nhân phóng xạ qua các đại dương dạt đến Mỹ. Các đám mây mang khí thải bay qua Mỹ và tới châu Âu. Ngay cả ở Litva đã ghi nhận plutoni từ Fukusima. Khí thải phóng xạ cũng ảnh hưởng đến phần lãnh thổ Nga giữa Kamchatka và Chukotka.”

Hậu quả với kinh tế, bao giờ khắc phục xong?

Ngoài hậu quả môi trường và nhân đạo do thảm họa hạt nhân Fukusima gây ra, người Nhật còn phải chịu hậu quả kinh tế. Thiệt hại sóng thần cho đất nước được ước tính khoảng 200 tỷ USD, và nếu tính cả thiệt hại do tai nạn nhà điện hạt nhân gây ra thì con số này lên đến 500 tỷ.

Một con số cho thấy mức độ thiệt hại với nền kinh tế Nhật Bản: Số công ty bị phá sản lên đến gần 650 công ty, kể từ sau thảm họa 11/3.

Công ty nghiên cứu tín dụng tư nhân Teihoku Databank cho biết, tính trong tròn một năm qua, có 645 công ty bị phá sản ( đây là chỉ tính những công ty có số nợ ít nhất là từ 10 triệu yên trở lên, tức là khoảng 120.000 USD). Con số này cao gấp 3,3 lần, so với số công ty bị phá sản trong 1 năm, sau trận đại động đất Hanshin năm 1995.

Hạ viện Nhật Bản cuối tuần trước đã thông qua dự thảo ngân sách cho tài khóa 2012 là khoảng 1.100 tỷ USD -dự thảo ngân sách lớn nhất trong lịch sử. Dự thảo ngân sách này bao gồm cả khoản kinh phí 3.800 tỷ yên (khoảng là 47 tỷ USD), để tái thiết sau động đất và sóng thần.
 

Khởi động lại nhà máy điện hạt nhân, nên hay không nên?

 

Bộ trưởng Công nghiệp Nhật Bản Edano Yukio cuối tuần trước tuyên bố chính phủ sẽ quyết định có khởi động lại các lò phản ứng hạt nhân hay không sau khi các chính quyền địa phương chấp nhận kết quả điều tra đánh giá độ an toàn do chuyên gia tiến hành.

Ông Edano đề cập tới vấn đề các lò phản ứng hạt nhân của Nhật Bản đã phải ngưng hoạt động để kiểm tra định kỳ. Chỉ còn 2 trong số 54 lò phản ứng ở Nhật Bản còn đang hoạt động.

Chính phủ luôn tuyên bố cần đặt yếu tố an toàn lên trên nhu cầu phát điện, nhưng cũng không giấu được những lo ngại.

Không chỉ có Nhật Bản bị thiệt hại bởi tai nạn nhà máy điện hạt nhân. Cũng như trong trường hợp Chernobyl, gần như toàn bộ thế giới cảm thấy hậu quả của vụ tai nạn hạt nhân Fukushima.

Thảm họa Fukushima khiến các nước hàng đầu thế giới phải xem xét lại chương trình phát triển "hạt nhân hòa bình" của mình. Một số nước như Đức chẳng hạn, cuối cùng đã quyết định từ bỏ năng lượng hạt nhân.

Tuy nhiên, các chuyên gia lưu ý rằng, một năm sau thảm họa, thế giới đã khắc phục được “hội chứng Fukusima”. Pháp đã bắt đầu đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân, nhưng bây giờ họ quyết định gia hạn lò phản ứng đến 40 năm. Một xu hướng tương tự đang xảy ra ở Mỹ. Nga không những không từ bỏ việc xây dựng các nhà máy điện hạt nhân mới mà còn đặt ra những mục tiêu rất tham vọng, trong đó đặt an toàn lên trên hết.

Đối phó với thảm họa tương lai, làm cách nào?

Sau vụ động đất và sóng thần tàn phá vùng đông bắc Nhật Bản cách nay đúng một năm, người dân Nhật hồi hộp chờ đợi nguy cơ mà giới khoa học gọi là “cơn đại địa chấn thế kỷ”. Theo các nhà khoa học Nhật Bản, thủ đô Tokyo nằm trong vùng thiên tai với xác xuất 50% trong vòng 4 năm tới.

Vào năm 1923, Đông Kinh đã bị tàn phá với cường độ 7,9 gây tử vong cho 142.000 dân. Nếu xảy ra một cuộc động đất tương tự, thì Tokyo ngày nay với 35 triệu dân sẽ chịu những thiệt hại khó tưởng tượng.

Bằng chứng các nhà khoa học đưa ra là từ sau tai họa 11/3/2011, hoạt động địa chấn xảy ra thường xuyên hơn tại quần đảo Phù Tang. Trung bình mỗi ngày vùng Tokyo đều có hơn một lần rung chuyển với cường độ lớn hơn 3 Richter, nhiều hơn 5 lần so với một năm trước.

Phó giáo sư Miyazawa Masatoshi ở Viện Nghiên cứu Phòng chống Thiên tai của Đại học Kyoto, đã phân tích dữ liệu thu được từ khoảng 1.500 máy ghi địa chấn trên khắp Nhật Bản, ngay sau trận động đất ngày 11/3. Ông kết luận: trận động đất hôm 11/3/2011 đã gây ra khoảng 80 trận động đất riêng lẻ, mà một trong số những trận này ở cách xa tâm chấn đầu tiên tới 1.300km.

Nhật Bản đang gấp rút chuẩn bị một loạt biện pháp từ khoa học đến công nghệ và ngoại thương để giới hạn thiệt hại cho nhân mạng và kinh tế quốc gia. Các cuộc tập dượt đối phó với thảm họa thiên tai cũng đang được nỗ lực phổ biến trong nhân dân.

 

Theo Dân trí

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo