Một vốn bốn lời từ nuôi thỏ trắng
Xóm Biệng nằm tít trên núi cao của xã Quyết Chiến. Nơi này được coi là nóc nhà của huyện Tân Lạc. Khu chăn nuôi của anh Hậu được làm vững chãi ngay sau nhà ơ. Cả ngày anh quanh quẩn bên đàn thỏ, chẳng muốn rời nửa bước.
Năm 2016, anh Hậu - chàng trai người Mường đã dám nghĩ, dám làm và người đầu tiên đưa thỏ về vùng núi này chăn nuôi. Hiện anh có 50 con thỏ mẹ và trên 200 thỏ con. Đám thỏ trắng chạy tung tăng trong chuồng. Chúng rất thích ăn mớ rau tổng hợp được anh Hậu lấy ngoài rừng về. Vừa cho chúng ăn, anh Hậu vừa nói: “Cái đám này hay ăn vặt. Chúng ăn cả ngày lẫn đêm, chẳng chừa thứ lá nào. Cái quan trọng là thức ăn phải khô ráo, không bị nhiễm nước mưa và sương sớm”.
50 con thỏ mẹ được nhốt ở 50 ô chuồng. Đám thỏ nhỡ được nhốt riêng ở các chuồng khác. Đàn thỏ được anh Hậu phân loại theo độ tuổi. Loài ngặm nhấm này ăn nhiều, nên chúng lớn rất nhanh. Từ khi sinh ra cho đến lúc xuất chuồng khoảng 4 tháng đã đạt trọng lượng 4kg. Với giá bán như hiện nay là 80–90.000đ/1kg, một con thỏ trưởng thành thu được trên 300.000đ.
So với các loài vật nuôi khác, thịt thỏ dễ bán và được đặt mua với số lượng lớn. Anh Hậu làm ra không đủ hàng bán. “Thịt thỏ thơm ngon. Chúng chỉ ăn lá, không có thức ăn công nghiệp, nên càng dễ bán”, anh Hậu chia sẻ. Cũng theo anh Hậu, 1 con thỏ mẹ, 1 năm đẻ 5-7 lứa, mỗi lứa 7-8 con. Như vậy, bình quân 1 thỏ mẹ, một năm đẻ khoảng 30 thỏ con. Một con thỏ mẹ, 1 năm cho thu nhập 7-8 triệu đồng.
Nuôi thỏ đầu tư ít lại thu hồi vốn nhanh, nó rất hợp với quy mô chăn nuôi nông hộ. Thức ăn cho chúng chủ yếu là phụ phẩm nông nghiệp, có sẵn tại địa phương. Ngoài thời gian chăm sóc đàn thỏ của gia đình, anh Hậu cũng rất nhiệt tình đến các hộ khác quanh vùng, hướng dẫn họ nuôi thỏ. Trong năm nay, anh tiếp tục mở rộng quy mô đàn vì đã có mối đặt mua thịt thỏ với số lượng lớn.
End of content
Không có tin nào tiếp theo