Pháp luật

Mù Cang Chải: Cưỡng chế trái luật, ép doanh nghiệp nhận lại tài sản

Mặc dù Thanh tra Tỉnh Yên Bái đã kết luận về việc làm sai trái của UBND huyện Mù Cang Chải thực hiện cưỡng chế không đúng luật nhưng từ đó đến nay đã 3 tháng, UBND huyện vẫn lúng túng giải quyết vụ việc và khó lý giải”.

Dùng văn bản trái pháp luật để... cưỡng chế doanh nghiệp

 

Theo tường trình của bà Đinh Thị Duyên ở xã Nậm Có huyện Mù Cang Chải tỉnh Yên Bái, gia đình bà thành lập Công ty TNHH Duyên Thuận (Công ty Duyên Thuận) chuyên sản xuất kinh doanh đồ mỹ nghệ, cụ thể là sản xuất chiếu, thảm hạt pơmu từ những cành cục của cây pơmu.

 

Doanh nghiệp vừa mới đăng ký ổn định được 2 tháng thì ngày 25/03/2011, UBND huyện Mù Cang Chải ra công văn 56/UBND-KL, yêu cầu tất cả các doanh nghiệp “Dừng sản xuất, chế biến thu mua gỗ nói chung, cành, ngọn pơmu… Chậm nhất ngày 31/03/2012 phải tháo dỡ toàn bộ máy móc nhà xưởng liên quan đến việc sản xuất, chế biên gỗ, cành ngọn pơmu”

 

Từ đó công ty Duyên Thuận bị kiểm tra nhiều lần và đình chỉ sản xuất. Đỉnh điểm ngày 3/12/2011, lực lượng liên ngành đã cưỡng chế, tháo dỡ máy móc, chở máy móc và gỗ sản xuất của bà ra khỏi xưởng sản xuất, gây đình trệ công việc dẫn đến 14 công nhân phải nghỉ làm và công ty lâm vào khó khăn đứng trước bờ vực phá sản.

 

Báo cáo kết luận thanh tra số 29/BCKL-TTr ngày 27/3/2012 của Thanh tra tỉnh Yên Bái, đã chỉ ra rất nhiều điểm vi phạm luật trong văn bản tạm giữ tài sản của công ty Duyên Thuận.

 

Cụ thể, tại biên bản xử lý vi phạm hành chính của đoàn kiểm tra ngày 3/12/2011, ghi là “lén lút mua gỗ cành, ngọn Pơmu” trong biên bản xử phạt hành chính không phải là hành vi vi phạm áp dụng tại Nghị định 99/2009/NĐ-CP, ngày 02/11/2009 vì không có hành vi vi phạm và không có người vi phạm.

 

Như vậy là đoàn kiểm tra đã ghi vào biên bản xử phạt hành chính một hành vi không được coi là vi phạm.

 

Bên cạnh đó, kết luận thanh tra còn đưa ra những vi phạm của cả biên bản và quyết định tạm giữ tang vật sai về thẩm quyền so với Pháp lệnh xử phạt hành chính sửa đổi 2008. Theo điểm 2 khoản 19 điều 1 Pháp lệnh xử phạt hành chính sửa đổi năm 2008, “Trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi ra quyết định, người ra quyết định phải báo cáo thủ trưởng của mình là một trong những người có quyền tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính tại khoản 1 điều này và phải được sự đồng ý bằng văn bản của người đó…”

 

Oái oăm thay, từ Biên bản xử lý vi phạm hành chính có tạm giữ tang vật đến Quyết định tạm giữ tang vật thì lại do nhân viên và cấp phó của Hạt kiểm lâm Mù Cang Chải ký. Trong biên bản người làm chứng lại chính là Phó chủ tịch huyện Mù Cang Chải, là người có chức vụ cao nhất trong đoàn kiểm tra.

 

Biên bản không hề có chữ ký của người làm chứng thứ 2 và đại diện chính quyền sở tại và công ty Duyên Thuận. Không hiểu đoàn kiểm tra lập biên bản ở đâu ?

 

Nghiêm trọng hơn, trong văn bản vi phạm hành chính đã không chỉ ra sai phạm cụ thể, không chỉ ra cái gì là tang vật vi phạm nhưng đã quyết định đình chỉ và tạm giữ tang vật (xâm hại tài sản của công ty).

 

Điểm đáng chú ý, khoản 3 điều 35 Pháp lệnh xử phạt hành chính sửa đổi 2008, Hạt trưởng hạt kiểm lâm mới chỉ có quyền tạm giữ tang vật giá trị tối đa 30 triệu đồng. Trong khi đó đoàn kiểm tra đã thu giữ 11 tấn gỗ Pơ mu, 16 máy dập hạt, và những máy sản xuất hàng mỹ nghệ khác, mỗi máy có giá trị khoảng 17 triệu đồng.

 

Như vậy, dư luận hoàn toàn có thể đặt câu hỏi về sự lạm quyền, cố tình làm trái pháp luật của đoàn kiểm tra huyện Mù Cang Chải trong vụ việc này.

 

Giao trả tài sản… trái luật

 

Sau khi có kết luận thanh tra, UBND huyện và hạt kiểm lâm đã nhận ra những sai trái của mình. Sự việc sẽ không có gì nếu UBND huyện tiến hành trao trả tài sản, bồi thường cho doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.

 

Ngày 15/5/2012, UBND huyện đã có buổi làm việc với công ty Duyên Thuận, UBND huyện sẽ trao trả cho công ty số gỗ, máy móc đã thu giữ trái pháp luật và bảo dưỡng cho máy móc. Huyện không bồi thường cho doanh nghiệp mà chỉ hỗ trợ doanh nghiệp một phần kinh phí 50 triệu đồng. Ép doanh nghiệp phải trả lời trong ngày 19/05/2012.

 

Ngày 18/05/2012, công ty Duyên Thuận đã không đồng ý với mức “hỗ trợ” 50 triệu đồng và có đơn gửi đến UBND huyện trong đó Công ty đã chỉ ra số tiền thiệt hại từ việc làm trái pháp luật của UBND huyện Mù Cang Chải gồm tiền lương cho công nhân, tiền phạt hợp đồng vì không sản xuất được, tiền vay ngân hàng, tiền phí tổn đơn thư đòi công lý…với tổng số tiền là 1,5 tỉ đồng.

 

 

Hoang tàn sau cưỡng chế, doanh nghiệp làm ăn thịnh vượng giờ bỏ hoang không máy móc

 

Ngày 28/5/2012, ông Giàng A Tông, Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải đã ra quyết định hành chính “về việc trả lại số gỗ cành, cục pơ mu, máy dập hạt, máy cắt phôi, cưa vanh (tạm giữ) cho công ty Duyên Thuận”. Quyết định ban ra không có hội đồng định giá tài sản, không có hội đồng đánh giá thiệt hại, hư hao máy móc khi tạm giữ nhưng lại ép doanh nghiệp phải nhận từ ngày 28/05/2012 đến ngày 5/6/2012. Sau quyết định này Hạt kiểm lâm liên tục thông báo để trả tài sản.

 

Ngày 26/06, PV báo điện tử Infonet đã gọi điện thoại cho ông Giàng A Tông, Chủ tịch huyện Mù Cang Chải. Ông cho biết, “chúng tôi đang thương lượng hòa giải với doanh nghiệp, hiện tại vẫn chưa giải quyết xong... Chúng tôi đang tiến hành trả máy móc cho doanh nghiệp nhưng doanh nghiệp không nhận”

 

Vậy là vì làm sai luật dẫn đến cưỡng chế, tạm giữ tài sản doanh nghiệp gây thiệt hại trầm trọng cho doanh nghiệp, UBND huyện lại tiếp tục dùng mệnh lệnh của mình để giải quyết một việc làm sai trái đó.

 

Ngoài ra, theo phản ánh của bà Đinh Thị Duyên, chính vì việc này chủ tịch Hội Doanh nghiệp huyện Mù Cang Chải cũng đã đang làm “thuyết khách” thương lượng, gây sức ép cho gia đình bà Duyên khiến gia đình xảy ra việc bất thường và sống không yên ổn. Chúng tôi sẽ thông tin kỳ tiếp theo.

 

 

Theo Infonet

 

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo