Môi trường

Mùa hè năm nay mát, bão nhiều

Theo ông Nguyễn Đức Hòa, Phó trưởng phòng Dự báo Khí tượng hạn vừa – hạn dài, Trung tâm Dự báo KTTV Trung ương, số cơn bão ảnh hưởng đến Việt Nam sẽ nhiều hơn nhưng số đợt nắng nóng và cường độ nắng nóng chỉ tương đương năm ngoái.

Theo quy luật, những cơn bão đầu mùa thường ảnh hưởng đến các tỉnh miền Bắc, sau đó là miền Trung rồi mới đến miền Nam. Trong khi đó, cơn bão số 1 năm nay lại ảnh hưởng đến các tỉnh miền Nam. Vậy nguyên nhân dẫn đến sự thay đổi này là gì?

 

- Trong thời gian qua, do tiếp tục ảnh hưởng của hiện tượng Lanina và hiện tượng này thường gây nên những nhiễu động ở khu vực biển phía nam và tạo điều kiện cho đối lưu phát triển; Chính vì vậy các nhiễu động xoáy ở vùng biển phía nam cũng rất dễ hình thành nên những xoáy thuận nhiệt đới (hay còn gọi là ATNĐ hoặc bão). Cơn bão số 1 vừa qua cũng được hình thành ngay trên vùng biển phía nam Biển Đông cũng do những nhiễu động này và nó là hệ quả của hiện tượng Lanina.

 

 

Thường thì những cơn bão đầu mùa hay ảnh hưởng đến vùng biển phía Bắc, tuy nhiên con bão số 1 vừa qua lại ảnh hưởng đến Nam Bộ là vì vùng biển phía nam ấm hơn, kết hợp với đối lưu dễ phát triển và đó là điều kiện thuận lợi để bão hình thành và ảnh hưởng đến khu vực phía nam.

 

Một nguyên nhân nữa là do không khí lạnh từ phía bắc tràn xuống và làm cho cơn bão không có điều kiện thuận lợi di chuyển lên phía trên như thông thường.

 

- Hiện tượng này có phải là dự báo cho những diễn biến bất thường của thời tiết trong thời gian sắp tới hay không?

 

- Với bối cảnh biến đổi khí hậu như hiện nay thì những hiện tượng thời tiết trong tương lai sẽ diễn ra càng ngày bất thường và gia tăng những hiện tượng bất thường như: cường độ bão hay hướng di chuyển của các cơn bão cũng rất phức tạp.

Mùa hè năm nay được dự báo, bão sẽ nhiều hơn nhưng nắng nóng thì không quá gay gắt

- Vậy theo dự báo của Trung tâm, tình hình mưa bão năm nay ở nước ta năm nay diễn biến thế nào?

 

- Theo nhận định của Trung tâm măm 2012, bão và Áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực Biển Đông có khả năng nhiều hơn trung bình nhiều năm và xuất hiện sớm hơn so với quy luật hàng năm.

 

Cụ thể, bình thường cơn bão đầu tiên xuất hiện vào khoảng giữa tháng 5 thì năm nay cơn bão này đã xuất hiện từ đầu tháng 4 vừa qua. Số cơn bão, áp thấp nhiệt đới hoạt động trên biển Đông trung bình nhiều năm là 13 - 14 cơn thì năm nay có thể nhiều hơn số này một chút.

 

Trong đó, số cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam khoảng 6 - 7 cơn, cao hơn so với trung bình nhiều năm và nhiều hơn so với năm 2011. Các cơn bão sẽ tập trung vào thời điểm từ tháng 5 đến tháng 10, tuy nhiên vẫn có thể xuất hiện những cơn bão muộn vào tháng 11, 12, đặc biệt là khu vực miền Trung.

 

Ngoài ra, trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay, cường độ của các cơn bão có thể mạnh hơn, hướng di chuyển phức tạp hơn.

 

- Vậy khả năng xuất hiện bão ở các tỉnh miền Nam năm nay thế nào?

 

- Chúng tôi không thể khẳng định có mấy cơn bão ảnh hưởng đến miền Nam hay khả năng bão còn xuất hiện ở khu vực này hay không. Tuy nhiên, với những diễn biến bất thường của thời tiết thời gian gần do tác động của biến đổi khí hậu, người dân khu vực này vẫn phải đề phòng tình huống tái xuất hiện bão cũng như các hiện tượng thời tiết bất thường khác.



- Lượng mưa ở ba miền năm nay thế nào?



- Các tháng đầu mùa mưa lượng mưa ở Tây Bắc bộ có khả năng cao hơn một ít so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ, phía Đông Bắc bộ ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm cùng thời kỳ, các tháng giữa và cuối mùa ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm.

 

Có khả năng các đợt mưa lớn sẽ tập trung vào thời kỳ các tháng từ tháng 5 đến tháng 7. Ở khu vực Trung bộ lượng mưa đầu mùa ở khu vực Bắc Trung bộ cao hơn một ít so với trung bình nhiều năm, khu vực Trung và Nam Trung Bộ ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm, các tháng cuối mùa toàn Trung bộ có khả năng ở mức xấp xỉ so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.

 

Nam Bộ và Tây Nguyên, lượng mưa toàn mùa có khả năng cao hơn so với  trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Khả năng mùa mưa tại Tây Nguyên và Nam Bộ sẽ đến sớm hơn so với bình thường, trước đầu tháng 5 năm 2012. Điều lo ngại nhất là những cơn mưa lớn có thể xuất hiện đúng thời điểm triều cường, dẫn đến ngập lụt. Do đó, người dân khu vực này cần đề phòng những tình huống bất thường này có thể xảy ra.

 

- Còn tình hình nắng nóng ở các tỉnh miền Bắc năm nay được dự báo ra sao?

 

- Nhìn chung, nhiệt độ toàn mùa phổ biến ở mức xấp xỉ sơ với trung bình nhiều năm. Trong những tháng mùa hè các tỉnh Bắc bộ, Bắc Trung bộ và Trung Trung bộ có khả năng xảy ra một số đợt nắng nóng. Tuy nhiên, mức độ , phạm vi ảnh hưởng không rộng, cường độ ít gay gắt và có khả năng tương đương như mùa hè 2011.

 

- Đợt nắng nóng ngày 12 – 15/4 vừa qua ở miền Bắc, miền Trung đã phải đợt nắng nóng đầu tiên của mùa hè năm nay chưa thưa ông?

 

- Cũng có thể nói đó là đợt nắng nóng đầu tiên của năm nay nhưng nó chỉ mới diễn ra cục bộ một số nơi phía Tây Bắc bộ và Bắc Trung bộ. Đợt nắng nóng diện rộng, phổ biến khắp miền Bắc, miền Trung thì phải khoảng giữa hoặc cuối tháng 5, đầu tháng 6.

 

- Nhiệt độ cao nhất của mùa hè năm nay có thể chạm ngưỡng bao nhiêu độ?

 

- Theo nhận định chung của chúng tôi, nắng nóng năm nay cũng tương đương mùa hè năm ngoái. Các đợt nắng nóng tập trung vào tháng 6 -7 nhưng không kéo dài, thường chỉ 3-7 ngày với nhiệt độ cao nhất phổ biến 36 – 38 độ C. Tuy nhiên, vẫn có thể xảy ra một số đợt nắng nóng kéo dài hơn 10 ngày nhưng không quá gay gắt hoặc có những đợt nắng nóng cục bộ với nhiệt độ cao nhất có thể xấp xỉ 39 - 40 độ C nhưng nó chỉ là ở một điểm nào đó của một huyện.

 

- Ngoài nắng nóng, mưa bão, liệu có xuất hiện hiện tượng thời tiết bất thường nào khác không thưa ông?

 

- Việc đưa ra các dự báo thời tiết bất thường là rất khó. Tuy nhiên, trong bối cảnh chịu tác động của biến đổi khí hậu và tình trạng khai thác đá, chặt phá rừng bừa bãi hiện nay thì cần đề phòng các hiện tượng lũ lụt cục bộ, lũ quét xuất hiện sau các cơn mưa lớn cục bộ, đặc biệt là các tỉnh vùng núi.

 

Tại Hà Nội, khả năng tái xuất hiện mưa lớn như năm 2008 là khó xảy ra nhưng người dân vẫn phải đề phòng những trận mưa lớn gây ngập úng trong nội thành. Bởi lẽ với hệ thống đường xá, thoát nước hiện nay chỉ một trận mưa giông trên 50 mm là có thể gây ngập lụt một số nơi.

 

Theo Đất Việt

 

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo