Mua mỗi lít xăng người dân phải "cõng" gần 9.000 đồng tiền thuế, phí
Theo hướng dẫn của Bộ Tài chính tại Công văn số 13991/BTC-QLG ngày 04/10/2016, thuế nhập khẩu bình quân gia quyền áp dụng trong công thức tính giá cơ sở các mặt hàng xăng dầu tại các kỳ tính giá Quý IV/2016 như sau:
Mặt hàng dầu diesel là 2,10%, tăng so với mức 1,84% trong quý trước. Đặc biêt, thuế bình quân gia quyền với mặt hàng xăng 16,22%, tăng so với mức 15,74% trong quý trước.
Theo số liệu của Bộ Công Thương, bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới trong 15 ngày trước ngày 5/10/2016 là 56,177 USD/thùng xăng RON 92. Trong khi đó, các đơn vị đầu mối xăng dầu cho biết để vận chuyển xăng về Việt Nam mất khoảng 2,5 -3 USD một thùng. Như vậy, giá CIF tính thuế nhập khẩu là 7.875 đồng/lít.
Hiện một lít xăng đang phải áp các loại thuế phí sau: Thuế nhập khẩu (thuế bình quân gia quyền), thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế VAT, thuế bảo vệ môi trường, chi phí định mức, lợi nhuận định mức, chi quỹ bình ổn.
Theo tính toán của VnEconomy, với cách tính thuế mới, thuế nhập khẩu áp trên mỗi lít xăng là 1.275 đồng, thuế bảo vệ môi trường (3.000 đồng), chi phí định mức (1.050 đồng), lợi nhuận định mức (300 đồng), quỹ bình ổn giá (300 đồng), thuế tiêu thụ đặc biệt (1.380 đồng), thuế VAT (1.520 đồng).
Như vậy, tổng các loại thuế phí một lít xăng phải gánh đạt 8.825 đồng. Trong khi đó, giá xăng Ron 92 bán lẻ ngày 5/10 được Petrolimex niêm yết ở mức 16.400 đồng. Như vậy, thuế phí chiếm tới 53,8% giá xăng.
Nếu như so sánh với thời điểm tháng 3 năm nay, khi thuế bình quân gia quyền và cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt chưa được áp dụng thì cơ cấu thuế phí tăng về tuyệt đối, nhưng giảm về tỷ trọng.
Cụ thể, tại ngày 18/3/2016, số tiền thuế phí mà người mua phải trả là gần 7.900 đồng/lít, chiếm tỷ lệ 54,7% giá bán lẻ hiện tại, tức là cứ 100.000 đồng tiền xăng, người tiêu dùng phải trả 54.700 đồng tiền thuế, phí. Cùng kỳ 2014, tỷ trọng này chỉ ở mức 43%.
Tỷ trọng thuế phí có xu hướng giảm đáng kể là do cách tính bình quân gia quyền theo mức thuế nhập khẩu bình quân của các thị trường.
Việc Việt Nam gia nhập hàng loạt các hiệp định thương mại tự do, đặc biệt với ASEAN, Hàn Quốc, Nhật Bản… đã tác động mạnh mẽ đến thuế nhập khẩu xăng dầu.
Theo đó, thuế xăng từ Hàn Quốc giảm xuống 10% khiến các đơn vị xăng dầu dầu mối đổ xô sang thị trường này nhập khẩu. Trong khi đó, thuế xăng từ Nhật Bản sắp tới cũng về 10%, thuế của ASEAN là 20%. Cơ quan quản lý sẽ tổng hợp, tính bình quân dựa trên mức thuế, số lượng nhập để áp tính giá bán lẻ.
Như vậy, mức thuế nhập khẩu gia quyền áp dụng cho quý cuối năm nay là 16,22%, giảm đáng kể so với thuế nhập khẩu 20% áp dụng tháng 3 năm nay, thấp hơn nhiều so với mức 35% hồi đầu năm 2015. Tuy nhiên, việc tăng thuế và thay đổi cách tính thuế đã khiến tỷ trọng thuế phí trong cơ cấu giá xăng dầu chỉ giảm nhẹ.
End of content
Không có tin nào tiếp theo