Mua tàu ngàn tỷ đồng để thử nghiệm
Sáng 27/3, tòa án nhân dân TP Hải Phòng mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ cố ý làm trái các quy định của nhà nước trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin).
Vinashin: nhà thầu “sắt vụn”
Theo cáo trạng được công bố tại tòa, trong quá trình hoạt động, bị cáo Phạm Thanh Bình (SN 1953) và các bị cáo khác đã “lèo lái” Vinashin đầu tư nhiều dự án từ vài chục đến hàng trăm tỷ đồng nhưng thất bại nặng nề như: đầu tư mua tàu cao tốc Hoa Sen, đầu tư xây dựng Nhà máy nhiệt điện Sông Hồng (Nam Định), đầu tư xây dựng Nhà máy điện diezel Cái Lân (Quảng Ninh), việc bán vỏ tàu Bạch Đằng Giang ở Tổng công ty công nghiệp tàu thủy Nam Triệu (Hải Phòng), đầu tư thuê mua tài chính tàu Bình Định Star.
Những sai phạm tại Vinashin kéo dài trong nhiều năm ở nhiều địa phương nên hội đồng xét xử tiến hành thẩm vấn làm rõ sai phạm ở từng dự án riêng biệt. Dự án nhà máy nhiệt điện Diezel Cái Lân (Quảng Ninh) được thẩm vấn đầu tiên. Đây là dự án thực hiện trong giai đoạn 2002 - 2005, thiệt hại 66,5 tỷ đồng.
Danh sách các bị cáo: Phạm Thanh Bình, nguyên Chủ tịch hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Vinashin; Trần Quang Vũ (nguyên Tổng giám đốc Vinashin); Trần Văn Liêm (nguyên thành viên hội đồng quản trị, Trưởng ban kiểm soát Vinashin) và 6 bị cáo khác là Nguyễn Tuấn Dương, Nguyễn Văn Tuyên, Tô Nghiêm, Trịnh Thị Hậu, Hoàng Gia Hiệp, Đỗ Đình Côn (nguyên là lãnh đạo, cán bộ một số công ty thành viên của Vinashin). |
Trong thời gian này, Vinashin dưới sự chỉ đạo của Phạm Thanh Bình đã mua và tháo dỡ thiết bị từ một nhà máy nhiệt điện cũ ở Trung Quốc về lắp đặt tại Cái Lân, trị giá gần 600 tỷ đồng.
Mặc dù thừa nhận những sai phạm trong quá trình chỉ đạo thực hiện dự án này nhưng bị cáo Phạm Thanh Bình lại đổ lỗi cho cơ chế và thủ tục xin được đầu tư và quá trình triển khai dự án quá rườm rà nên đã “đốt cháy giai đoạn” chỉ đạo triển khai nhiều bước đầu tư khi chưa được cơ quan chức năng phép.
Cuộc “thử nghiệm” ngàn tỷ
Phần thẩm vấn sôi nổi nhất diễn ra khi phiên tòa chuyển sang phần dự án mua tàu Hoa Sen. Năm 2007, khi Viện Khoa học công nghệ tàu thủy (VFC) chưa lập xong báo cáo nghiên cứu khả thi dự án, dự án chưa được thẩm định và phê duyệt, nhưng Phạm Thanh Bình đã chỉ đạo cho Trần Văn Liêm (nguyên thành viên hội đồng quản trị, Trưởng ban kiểm soát Vinashin) tiến hành kí hợp đồng (không số) ngày 7/5/2007 với công ty Caronte và Tourist của Italia mua tàu Cartour với giá khoảng 64 triệu USD, về Việt Nam đổi tên thành tàu Hoa Sen.
Con tàu khổng lồ này chạy được 39 chuyến thì phải dừng hoạt động vì kinh doanh không có hiệu quả. Tới nay, nó vẫn nằm ở một cảng của Trung Quốc vì không có đối tác thuê.
Cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao xác định “thương vụ” này gây thiệt hại cho Nhà nước trên 469 tỷ đồng, bao gồm thiệt hại tiền lãi vay và phí vay vốn là hơn 464 tỷ đồng và chi phí sửa chữa vết nứt ở đáy tàu là 346.989USD - tương đương hơn 5,2 tỷ đồng.
Trả lời hội đồng xét xử, bị cáo Bình cho rằng hành vi của mình là sai phạm. Tuy nhiên, không đồng ý với phần cáo buộc của cơ quan công tố, bị cáo Bình một mực khẳng định thời điểm đó Vinashin đầu tư dự án tàu Hoa Sen có tính cấp bách cho đầu tư phát triển tuyến vận tải trên biển.
Hơn nữa, việc đầu tư dự án tàu Hoa Sen là một thử nghiệm đột phá của Vinashin, nhằm tạo ra một con đường cao tốc Bắc - Nam vận tải trên biển, đồng thời thử nghiệm một hình thức vận tải mới.
Trả lời hội đồng xét xử, bị cáo Phạm Thanh Bình vẫn đưa ra bài toán kinh tế: Chỉ cần đầu tư khoảng hai tỷ USD là Việt Nam đã có được một tuyến đường cao tốc vận tải Bắc - Nam trên biển với nhiều ưu thế. Trong khi đó, nếu đầu tư xây dựng đường cao tốc bằng đường bộ, hay đường sắt thì lên tới hàng chục tỷ USD.
Tại phiên tòa, đại diện của cơ quan giám định Vinacontrol cho biết, tính đến thời điểm 31/7/2010, tổng chi phí cho dự án tàu Hoa Sen lên tới trên 1.982 tỷ đồng. Giá trị của tàu Hoa Sen tính vào thời điểm tháng 1/2011 là còn hơn 839 tỷ đồng và con tàu này hiện đang nằm “đắp chiếu” ở một cảng của Trung Quốc.
Trong ngày, hội đồng xét xử cũng đã tiến hành xét hỏi các bị cáo liên quan đến 3 dự án: dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện diezel Cái Lân, dự án mua tàu cao tốc Hoa Sen và việc bán vỏ tàu Bạch Đằng Giang.
Hôm nay (28/3), phiên tòa tiếp tục với phần xét hỏi các bị cáo.
Theo ĐV
End of content
Không có tin nào tiếp theo