Mua vé bay 10.000 đồng: Khó như trúng độc đắc!
Từ ngày 7 đến 9/11/2012, hãng hàng không chi phí thấp Vietjet Air tiếp tục mở đợt 2 chương trình khuyến mãi lớn nhất trong năm 2012 của mình: bán vé máy bay 10.000 đồng/chặng. Tuy nhiên, do hệ thống mạng của hãng liên tục báo lỗi, nhiều người muốn mua mà không được nên nghi ngờ có thể mình “bị lừa”.
Mất thời gian mà chẳng được gì
Vietjet Air công bố chương trình bán vé 10.000 đồng/chặng được chia làm ba đợt bán, từ 21 giờ đến 23 giờ 59. Đợt 1 vào các ngày 10, 11 và 12/10, đợt 2 ngày 7, 8 và 9/11, còn lại đợt 3 vào các ngày 5, 6 và 7/12. Số lượng vé mở bán là 100.000, thời gian bay từ 1/11/2012 đến 31/12/2013 (không áp dụng cho các ngày lễ, tết).
Ngày 8/11, sau một buổi tối gác tất cả công việc chỉ để tập trung săn vé 10.000 đồng, chị Hà Thanh, nhân viên một đại lý vé máy bay, cho biết mình không thể nào đăng ký mua được.
Cùng cảnh ngộ, anh Lê Hoàng Quân ở quận 11 (TP.Hồ Chí Minh) nói thêm: “Nghe quảng cáo rầm rộ, tôi cũng gác hết việc riêng, chuẩn bị sẵn sàng hai máy tính mua liền. Nhưng ngay từ 21 giờ tôi đã không truy cập được vào mạng của họ và không thấy bất cứ loại vé nào chứ đừng nói vé 10.000 đồng”. Anh Quân phán thêm: “Vậy số 100.000 vé đó họ đang bán cho ai? Tôi nghĩ hay mình đang bị lừa và quá mất thời gian cho việc này”.
Chị Lê Anh Thư, một du học sinh tại Singapore, người thường xuyên săn vé máy bay giá rẻ của nhiều hãng hàng không trong và ngoài nước, nói thêm: “ Tôi thường mua vé giá rẻ của Air Asia và hệ thống mạng của họ không hề bị nghẽn như Vietjet Air những ngày qua”.
Thực tế từ 21giờ đến 22giờ ngày 9/11, chúng tôi nhiều lần truy cập nhưng không thể vào trang bán vé Vietjet Air.
Do nghẽn mạng?
Thông tin từ Vietjet Air cho biết sau ba ngày mở bán đợt 1 vé giá 10.000 đồng/chặng, số lượng vé được mua là hơn 30.000. Tuy nhiên, trong đợt 2, do sự cố mạng toàn quốc nên số lượng vé bán được ít hơn. Hiện hãng chưa có con số chính thức của đợt 2.
“Bản thân tôi cũng không thể truy cập vào hệ thống được. Máy chủ của hãng đặt bên Canada nhưng đường truyền cáp quang từ Việt Nam qua Canada dường như bị trục trặc. Do vậy, ít người truy cập vào được. Chúng tôi đang tìm hiểu, đưa ý kiến lên cơ quan chức năng và sẽ có lời giải thích với người dân” - đại diện của Vietjet Air cho biết.
Doanh nghiệp khuyến mãi phải tính đến người mua. Ảnh minh họa.
Còn về thông tin đại lý gom hàng, ém vé, theo vị này là không thể có. Lý do: Hãng quy định khách hàng vé giá rẻ không được đổi tên, đổi hành trình nên các đại lý không thể “với tay”, đặt sẵn vé được.
“Khi mua vé số, có người trúng độc đắc, có người không. Ai mua mà chẳng muốn trúng nhưng chẳng lẽ không trúng thì mọi người đều quay sang chửi công ty xổ số? Quay lại trường hợp vé rẻ, chúng tôi đang gặp tình cảnh tương tự. Chỉ có 100.000 vé giá 10.000 đồng trong khi hàng triệu người muốn mua thì không thể nào ai cũng có. Thực tế khi làm chương trình này, chúng tôi cũng gặp nhiều ý kiến tiêu cực. Họ có ý kiến tích cực khi nào mua được. Chỉ có 10.000 đồng, giá bằng một ly cà phê mà đi được Hà Nội thì ai chẳng muốn” - vị này nói thêm.
Khuyến mãi phải tính đến người mua
Hầu hết các chương trình khuyến mãi của mỗi doanh nghiệp đều hướng đến mục tiêu quảng bá thương hiệu. Vậy với chương trình này, Vietjet Air có nhận được tín hiệu tích cực cho thương hiệu của mình?
Theo tính toán của Vietjet Air, với giá 10.000 đồng/chặng, chắc chắn hãng bị lỗ vì sau khi tính thêm thuế, phí cũng chưa đủ tiền sân, bãi. “Chúng tôi xem chi phí đó như một sự đầu tư cho thương hiệu trong tương lai. Tuy nhiên, dường như người dân hiểu không đúng lắm vấn đề này” - vị đại diện Vietjet Air chia sẻ.
Ngược lại, phía những người mua vé thất vọng lại cho rằng: Doanh nghiệp khuyến mãi phải tính đến người mua. Nếu nghẽn mạng liên tục như vậy, không ai mua được thì khuyến mãi làm gì.
Bàn về điều này, ông Nguyễn Tuấn Anh, chuyên gia thương hiệu, nhận định đây đúng là chương trình lớn của Vietjet Air nhằm quảng bá thương hiệu. “Tuy nhiên, thông thường với các chương trình lớn, doanh nghiệp phải thử nghiệm trước khi áp dụng. Ở đây Vietjet Air chưa làm tốt việc kiểm tra, thử nghiệm, đặc biệt là tốc độ đường truyền Internet, khâu giao dịch trực tuyến…
Thêm nữa, khi tung ra chương trình, hãng hàng không chưa làm tốt khâu quản lý rủi ro, cụ thể là chưa có giải pháp xoa dịu dư luận. Tôi cho rằng hãng cần giải thích kịp thời vì sao nhiều người chưa tiếp cận được chương trình. Hoặc sau khi kết thúc chương trình, họ cam kết đưa ra chương trình khác hấp dẫn hơn chẳng hạn…” - ông Nguyễn Tuấn Anh nhấn mạnh.
Hoàng Hải (Theo Pháp luật TP.HCM)
End of content
Không có tin nào tiếp theo