Mức độ hài lòng của dân xuống thấp
(TPO) Theo kết quả điều tra, tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực tại các sở vẫn diễn ra, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính vẫn còn tình trạng tiêu cực.
Tỷ lệ này chiếm 2,7% tại Sở Tài chính; 7,6% tại Sở Tài nguyên Môi trường; 6,3% tại Sở Quy hoạch Kiến trúc, 4,3% tại Sở Xây dựng; 4,7% tại Sở Kế hoạch Đầu tư.
Ngoài ra, các phòng khác cũng có tỷ lệ nhũng nhiễu tiêu cực cao như phòng Quản lý và Cấp phép (Sở Xây dựng), phòng Thẩm định dự án (Sở Kế hoạch Đầu tư), phòng Thông tin Quy hoạch Kiến trúc (Sở Quy hoạch Kiến trúc), phòng Đo đạc bản đồ (Sở Tài nguyên Môi trường)...
Phần đông ý kiến không hài lòng về thái độ thực thi công vụ của một bộ phận cán bộ các sở, ngành. Theo đó, Sở Tài nguyên Môi trường đạt tỷ lệ hài lòng thấp nhất là hơn 11%, được hài lòng cao nhất là Sở Tài chính với hơn 26%.
Nhiều người được hỏi cho biết đã không được hướng dẫn đầy đủ khi làm việc với một số phòng ban, bộ phận.
Quyết liệt đẩy lùi rào cản
Tại cuộc họp giao ban lãnh đạo thành phố với các quận huyện vừa qua, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị cho biết, cải cách hành chính trong các cơ quan của thành phố cần quyết liệt hơn nhằm đẩy lùi những rào cản trong quá trình phát triển.
Theo đánh giá tại Hà Nội, cải cách hành chính còn nhiều việc phải làm, phải chấn chỉnh, từ nâng cao hiệu quả, cắt giảm những cuộc họp, đến những việc lớn như sửa đổi bệnh quan liêu giấy tờ, ý thức cán bộ và cơ chế chính sách.
Ông Nguyễn Hoàng Sơn, Trưởng phòng Dư luận xã hội, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cũng lưu ý: Việc tổ chức đợt điều tra xã hội học này tập trung vào công tác cải cách hành chính và hoạt động của 5 sở “nhạy cảm” liên quan trực tiếp đến đời sống dân sinh đang có nhiều bức xúc. Những hạn chế cần được mổ xẻ, làm rõ nhất là khi chỉ số năng lực cạnh tranh của Hà Nội năm vừa qua tụt giảm mạnh.
Cũng theo ông Sơn, kết quả điều tra cho thấy tại 5 sở nêu trên, còn có nhiều nội dung trong cải cách hành chính cần được đầu tư, tập trung nhiều hơn. Đây là dịp mà các sở nghiêm túc tự đánh giá lại kết quả cải cách hành chính của mình.
“Mong muốn lớn nhất của người làm trực tiếp điều tra xã hội là làm sao để cán bộ, công chức thấy rõ thực trạng đang diễn ra và từ đó phấn đấu làm tốt hơn. Tôi thấy cần khảo sát thường xuyên để biết được rõ những biến chuyển trong cải cách hành chính” - ông Sơn nói.
Thảo Nguyên
End of content
Không có tin nào tiếp theo