Mức tăng tín dụng bất động sản vẫn ở ngưỡng an toàn
Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) đánh giá, với gia tốc như vậy, dự báo tín dụng đổ vào bất động sản có thể đạt từ 18-20% cho cả năm 2015, cao hơn mức trung bình 14-15% cho giai đoạn 2012-2014.
Tuy nhiên, về giá trị tuyệt đối, đến cuối tháng 9/2015 dư nợ bất động sản mới chỉ chiếm khoảng 8% tổng dư nợ của toàn nền kinh tế, tương đương khoảng 358.000 tỷ đồng. Với tỷ trọng ở mức còn “khiêm tốn” như vậy, BVSC cho rằng rủi ro đến nguồn vốn toàn hệ thống chưa phải quá lớn.
BVSC phân tích, nếu so với giai đoạn đỉnh điểm là năm 2009 (tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống đạt 37,7%; tín dụng cho lĩnh vực phi sản xuất bao gồm bất động sản và chứng khoán tăng gần 42%, chiếm 19% tổng dư nợ) và năm 2010 (tín dụng tăng trưởng 27,6%, dư nợ cho vay riêng bất động sản tăng trưởng 23,5%) thì mức tăng hiện nay vẫn tương đối an toàn.
Trên nền sự phục hồi của thị trường bất động sản, kết quả kinh doanh của nhóm các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực này cũng cho thấy xu hướng dần khởi sắc trở lại. Theo thống kê, trong 9 tháng đầu năm nay, tổng lợi nhuận của 60 doanh nghiệp bất động sản đạt 4.000 tỷ đồng, giảm nhẹ 3% so với cùng kỳ nhưng doanh thu thì tăng khá tốt (13% YoY), đạt mức 37.400 tỷ đồng.
Trong số này chỉ có 12 doanh nghiệp bị lỗ, còn lại đều lãi, thậm chí có những doanh nghiệp có mức lãi tăng mạnh so với cùng kỳ như: HQC (tăng 863%), PDR (tăng 843%), DXG (tăng 360%), BCI (tăng 247%)…
Dẫn đầu con số lợi nhuận về giá trị tuyệt đối vẫn là VIC với hơn 972 tỷ đồng, tiếp đến là FLC với mức lợi nhuận đạt hơn 630 tỷ đồng, tăng trưởng 163% so với cùng kỳ. Tập đoàn Nam Long (mã NLG) cũng là cái tên đáng chú ý khi đã thoát lỗ và chuyển sang mức lãi ròng 75 tỷ đồng lũy kế 9 tháng…
BVSC cho rằng xu hướng cải thiện lợi nhuận của các doanh nghiệp bất động sản có thể sẽ còn tiếp tục duy trì trong quý IV, thậm chí sang cả năm 2016 trong bối cảnh kinh tế phục hồi giúp gia tăng sức mua cho người có nhu cầu mua nhà cùng dòng vốn hỗ trợ dồi dào từ các ngân hàng. Do vậy, nhà đầu tư vẫn có thể cân nhắc nhóm ngành này cho mục đích đầu tư trung hạn.
Trước đó, trao đổi với báo chí, một vị lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng cho rằng, dòng chảy tín dụng vào lĩnh vực đầu tư kinh doanh bất động sản liên tục có sự tăng trưởng trong thời gian qua. Tuy nhiên xét về tỷ trọng thì tăng không nhiều. Tốc độ tăng trưởng cho vay đầu tư kinh doanh BĐS trong 9 tháng đầu năm nay đạt 14,5%, dư nợ cho vay đầu tư kinh doanh BĐS chiếm tỷ trọng 8,05% tổng dư nợ tín dụng.
Theo vị này, mặc dù tốc độ tăng trưởng cho vay đầu tư kinh doanh BĐS cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng chung của ngành nhưng dư nợ cho vay đầu tư kinh doanh BĐS chủ yếu phục vụ cho nhu cầu thực về nhà ở của người dân. Mức tăng trên không đáng lo ngại. Với sự ấm lên của thị trường BĐS, Vụ tín dụng nhận định việc xử lý tài sản đảm bảo bằng BĐS của các ngân hàng thuận lợi hơn. Đồng thời, nhiều dự án xây dựng dở dang được khởi động lại và tiêu thụ tốt giúp cho doanh nghiệp có nguồn thu trả nợ ngân hàng.
Để đảm bảo tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, bền vững giảm thiểu rủi ro trong việc cho vay BĐS, NHNN đã ban hành hai văn bản (CV số 5492 và 6981) gửi các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài yêu cầu tăng cường kiểm soát rủi ro cho vay đối với lĩnh vực đầu tư kinh doanh BĐS.
End of content
Không có tin nào tiếp theo