Phân tích

Mục tiêu 13-15% tăng trưởng tín dụng năm 2015 là khả thi

(DNVN) - Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) cho biết, sau 10 tháng đầu năm, tín dụng tăng 12,51%, như vậy mục tiêu 13-15% tăng trưởng tín dụng trong năm nay hoàn toàn khả thi.

Theo báo cáo phân tích vĩ mô tháng 10/2015 của Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) cho biết, chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 10 đã hồi phục trở lại sau 2 tháng liên tiếp giảm nhờ sự điều chỉnh giá của xăng dầu. 

Cụ thể, CPI tháng 10 tăng 0,11% mom. Như vậy, CPI của Việt Nam tại thời điểm hiện tại tăng 0,51% so với hồi đầu năm từ mức 0,4% ytd tại thời điểm tháng 9, nhưng tương đương với mức giá cùng kỳ năm 2014. 

Ảnh minh họa.

Giá xăng dầu điều chỉnh tăng trở lại đã tạo động lực thúc đẩy giá cả nhiều nhóm hàng hóa trong nền kinh tế, ngăn lại đà giảm trong khoảng thời gian vài tháng gần đây. Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống, may mặc, thiết bị đồ dùng gia đình và đồ uống là những nhóm tăng giá chính, trong khi nhóm giao thông, dịch vụ giao thông, nhà ở và vật liệu xây dựng vẫn giảm nhẹ.

Báo cáo phân tích về vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), BSC cho biết, hoạt động thu hút vốn đầu tư nước ngoài trong tháng vừa qua tiến triển tích cực. Tốc độ giải ngân thực tế duy trì gia tăng trở lại. Đặc biệt, tháng 10 tiếp tục đón nhận lượng vốn đăng ký cấp mới và tăng lên đột biến so với diễn biến trong năm 2015.

Vốn FDI giải ngân tăng mạnh trong tháng vừa qua. Với giá trị là 2,15 tỷ USD trong tháng 10, vốn giải ngân thực tế tăng 87% so với tháng trước, tăng 65% so với cùng kỳ 2014. Đây là dòng tiền từ các dự án lớn gần đây như Nhà máy điện Duyen Hải (2 tỷ USD), Samsung Display Việt Nam (3 tỷ USD) và Thành phố Đế Vương (1,2 tỷ USD) bắt đầu đi vào giải ngân. Lũy kế 10 tháng đầu năm, tổng giá trị giải ngân thực tế của dòng vốn trực tiếp nước ngoài đạt 11,8 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ 10 tháng đầu năm 2014.

Vốn FDI đăng ký và cấp bổ sung có giảm tốc trong 2 tháng gần đây, tuy nhiên vẫn đạt ở mức cao, kéo dài chuỗi 5 tháng vốn đăng ký đạt trên 1 tỷ USD. Cụ thể, vốn đăng ký trong tháng 10 là 2,14 tỷ USD, giảm 44% mom và giảm 15% yoy. Tính chung 10 tháng đầu năm, tổng vốn đăng ký đạt 19,3 tỷ USD, tăng 40% so với cùng kỳ 2014. 

Tình hình thu hút đầu tư có tín hiệu tích cực tại cả 2 chỉ tiêu: đăng ký lẫn giải ngân thực tế. Tỷ trọng dành cho hai lĩnh vực: Sản xuất chế biến, chế tạo (giảm xuống 64,7% từ mức 66,3% trong tháng trước), và Sản xuất, phân phối điện nước (xuống 13,6% từ mức 15,3% trong tháng trước). Ngược lại, tỷ trọng các lĩnh vực còn lại, trong đó có bất động sản tăng nhẹ lên 11,1% từ mức 10,6% trong tháng trước.

 

Báo cáo về Ngân hàng và lãi suất, BSC cho biết, tình hình tín dụng hiện tương đối khả quan so với mục tiêu đề ra. Tăng trưởng phương tiện thanh toán kể từ đầu năm đã đạt 12,51%, tăng 19,09% so với cùng kỳ 2014.

Lãi suất cho vay tiếp tục duy trì ổn định trong tháng 10, không thay đổi so với tháng 9 trước đó. Lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường ở mức 6,8-9%/năm đối với ngắn hạn, 9,3 -11%/năm đối với trung và dài hạn. 

Đối với các lĩnh vực ưu tiên, mặt bằng lãi suất phổ biến ở mức 6-7%/năm đối với ngắn hạn và 9-10%/năm cho trung và dài hạn. Lãi suất cho vay USD không đổi, ở mức quanh 3 – 5,5% trong ngắn hạn và 5,5 – 6,7% trung và dài hạn.

Lãi suất huy động bằng VND ổn định, không có biến động so với tháng trước. Mặt bằng lãi suất huy động bằng VND tháng 10/2015 phổ biến ở mức 0,8-1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 4,5-5,4%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 5,4-6,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn trên 12 tháng ở mức 6,4-7,2%/năm.

Lãi suất huy động USD giữ mức 0%/năm (từ mức 0,25%/năm trước đó) đối với tiền gửi của tổ chức và 0,25%/năm (từ mức 0,75%/năm trước đó) đối với tiền gửi của dân cư.
Mặt bằng lãi suất liên ngân hàng đa phần có xu hướng giảm ở hầu hết các kỳ hạn. Lãi suất bình quân kỳ hạn qua đêm, 1 tuần và dưới 1 tháng có xu hướng lao dốc nhanh. Lãi suất bình quân kỳ hạn từ dưới 3 tháng giảm bình quân từ 0,96 đến 3,42%, tùy mật độ xương. Các kỳ hạn dài hơn biến động giảm không đáng kể.

 

Dựa trên báo cáo phân tích, BSC đưa ra dự báo vĩ mô tháng 11/2015. Theo đó, về lạm phát, CPI dự đoán sẽ hồi phục trong những tháng cuối năm, trước nhất là trong tháng 11. Tốc độ tăng trưởng tín dụng tích cực là cơ sở chủ đạo cho kỳ vọng lạm phát dương trong các tháng cuối năm 2015. Sau 10 tháng đầu năm, tín dụng tăng 12,51%, như vậy mục tiêu 13-15% tăng trưởng tín dụng trong năm nay hoàn toàn khả thi. 

Tốc độ sản xuất đang có xu hướng giảm tốc, NHNN hoàn toàn có thể đẩy mạnh tín dụng ra nền kinh tế, có thể đạt mức 16-17% vào thời điểm cuối năm để kích thích nền kinh tế. "Ngân hàng Nhà nước đã có gợi mở kể từ đầu năm cho khả năng tín dụng đạt 17% và bối cảnh lạm phát rất thấp, là cơ sở cho khả năng thúc đẩy tín dụng”, BSC lý giải.

BSC cho rằng, lạm phát nhiều khả năng sẽ duy trì mức tăng trưởng dương. Tuy nhiên, biên độ có thể khiêm tốn do áp lực giảm giá dầu. Giá dầu trung bình vẫn nằm trong xu hướng tích lũy, từ 40-50 USD/thùng, là yếu tố kìm hãm lạm phát trong nền kinh tế.

Về FDI, các FTAs và TPP tạo điều kiện cho Việt Nam trong việc thu hút thêm các nguồn vốn FDI. Trong tháng tới, vốn FDI giải ngân có thể giảm xuống (do giá trị tăng vọt trong tháng 10 đến từ các dự án đã đăng ký trước đó). Tuy nhiên, xu hướng trong thời gian tới của thu hút đầu tư nước ngoài vẫn rất khả quan. Việt Nam hiện đang nỗ lực hết mình trong công cuộc hội nhập hóa, cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

VĂN HUY
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo