Thị trường

Nhật bản cam kết xóa 86% số dòng thuế cho Việt Nam

(DNVN) - Theo Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ Tài chính), Nhật Bản cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 86% số dòng thuế (chiếm 93,6% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang nước này (tương đương 10,5 tỷ USD) ngay khi Hiệp định TPP có hiệu lực và vào năm thứ 11 xóa bỏ đối với khoảng 95,6% số dòng thuế.

Cụ thể, đối với nông sản từ Việt Nam, Nhật bản không cam kết mặt hàng gạo và áp dụng hạn ngạch thuế quan hoặc cắt giảm một phần hoặc cam kết kèm theo các biện pháp phòng vệ thương mại đối với một số mặt hàng nhạy cảm như thịt trâu bò, thịt lợn, sữa, sản phẩm sữa, lúa mỳ, lúa gạo và các chế phẩm phẩm của chúng.

Nhật bản cam kết xóa 86% số dòng thuế cho Việt Nam. Ảnh minh họa.

Nhiều mặt hàng ưu tiên của Việt Nam được rút ngắn đáng kể lộ trình so với cam kết tại Hiệp định FTA Việt Nam – Nhật Bản như đa số mặt hàng thủy sản có thế mạnh của Việt Nam được hưởng thuế suất 0% ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực như các mặt hàng cá ngừ vây vàng, cá ngừ sọc dưa, cá kiếm, một số loài cá tuyết, surimi, tôm, cua ghẹ.... 

Toàn bộ các dòng hàng thủy sản không cam kết xóa bỏ thuế trong FTA Việt Nam – Nhật Bản sẽ được xóa bỏ trong TPP với lộ trình xóa bỏ vào năm thứ 6, năm thứ 11 hoặc năm thứ 16 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực.

Theo Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài chính), đối với mặt hàng rau quả, Nhật Bản cam kết mức thuế 0% vào năm thứ 3 hoặc năm thứ 5 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực. Mặt hàng mật ong sẽ xóa bỏ thuế vào năm thứ 8.

Đối với mặt hàng giày dép, 79,5 % kim ngạch các xóa bỏ thuế vào năm thứ 10 và các mặt hàng còn lại (giày da) sẽ xóa bỏ thuế suất vào năm thứ 16. Mặt hàng vali, túi xách bằng da sẽ xóa bỏ thuế vào năm thứ 16.

Trong khi đó, đối với sản phẩm dệt may thì 98,8% số dòng thuế sẽ xóa bỏ thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực, tương đương 97,2% kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam sang Nhật Bản. Những mặt hàng còn lại sẽ có lộ trình xóa bỏ thuế vào năm thứ 10.

 

Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được khởi xướng từ năm 2005 bởi 4 nước thành viên ban đầu là Brunei, Chilê, Niuzilân và Xinh-ga-po. TPP chính thức khởi động vào tháng 3/2010. Việt Nam tham gia TPP vào tháng 11/2010. 

Đến nay, TPP bao gồm 12 thành viên gồm: Hoa Kỳ, Úc, Niu Di-lân, Xin-ga-po, Nhật Bản, Ma-lai-xi-a, Bru-nây, Pêru, Chi-lê, Ca-na-đa, Mê-xi-cô và Việt Nam. Với sự tham gia của Nhật Bản (tháng 7/2013), TPP trở thành Khu vực mậu dịch tự do (FTA) lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 40% tổng GDP toàn cầu và khoảng 1/3 tổng kim ngạch thương mại thế giới. 

Ngày 5/10/2015, 12 nước TPP đã tuyên bố kết thúc đàm phán Hiệp định và sẽ tiến hành rà soát pháp lý và hoàn tất các công việc kỹ thuật. Đến ngày 6/11/2015, các nước thành viên cũng đã công bố các văn bản cam kết của các nước TPP đã thống nhất. 

VĂN HUY
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo