Mức xử phạt DN xuất nhập khẩu gỗ khai báo sai
Bà Trần Vĩ Châu (chautranvi76@...) công tác tại cơ quan Hải quan của TP Đà Nẵng, đề nghị cơ quan chức năng giải đáp một số vướng mắc trong xử lý vi phạm quy định khai báo hồ sơ xuất khẩu đối với mặt hàng gỗ xuất khẩu có nguồn gốc nhập khẩu
Theo phản ánh của bà Châu, thực tế hiện nay hầu hết các doanh nghiệp nhập khẩu gỗ có nguồn gốc từ Lào về chỉ khai báo bằng một nửa hoặc một phần ba số thực nhập. Do đó, khi xuất bán, doanh nghiệp cũng khai xuất phù hợp với hồ sơ nhập nhưng thực xuất thì lại lớn hơn nhiều so với khai báo.
Bà Châu hỏi, khi cơ quan Hải quan kiểm tra, phát hiện vi phạm thì sẽ xử lý thế nào?
Về vấn đề này, theo ý kiến của Tổng cục Hải quan, đối với vụ việc doanh nghiệp đã hoàn thành thủ tục nhập khẩu gỗ từ Lào, sau đó thực hiện xuất bán nhiều lần và qua kiểm tra thực tế hàng hóa của lô hàng xuất khẩu, cơ quan Hải quan phát hiện doanh nghiệp khai báo ít hơn hàng hóa thực tế xuất khẩu thì tùy từng trường hợp có thể bị xem xét xử phạt như sau:
- Trường hợp doanh nghiệp xuất khẩu gỗ có nguồn gốc từ lô hàng gỗ mà doanh nghiệp đã nhập khẩu hợp pháp trước đó, không vi phạm về chính sách mặt hàng:
Nếu doanh nghiệp không khai hoặc khai sai về số lượng, trọng lượng, chất lượng dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được miễn, giảm, được hoàn, không thu thì ngoài việc phải nộp đủ số tiền thuế theo quy định, tùy từng trường hợp người nộp thuế còn bị phạt 10% số tiền thuế khai thiếu hoặc số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn, không thu khai tăng theo điểm b, khoản 4, Điều 9 Nghị định số 97/2007/NĐ-CP ngày 7/6/2007 (đã được sửa đổi, bổ sung bằng Nghị định số 18/2009/NĐ-CP ngày 18/2/2009) hoặc bị phạt tiền 1 lần số thuế trốn, gian lận theo quy định tại điểm c, khoản 1, Điều 14 Nghị định số 97/2007/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 18/2009/NĐ-CP).
- Trường hợp có căn cứ chứng minh lô hàng gỗ xuất khẩu không có nguồn gốc từ lô hàng gỗ đã được doanh nghiệp nhập khẩu trước đó:
Nếu mặt hàng gỗ thuộc diện cấm xuất khẩu theo Nghị định số 12/2006/NĐ-CP ngày 23/1/2006 của Chính phủ và Thông tư số 88/2012/TT-BNNPTNT ngày 28/12/2011 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì doanh nghiệp sẽ bị xử phạt theo quy định tại điểm a, khoản 4; điểm a, khoản 6, Điều 16 Nghị định số 97/2007/NĐ-CP (được sửa đổi bằng Nghị định số 18/2009/NĐ-CP) với mức phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng và bị tịch thu hàng hóa vi phạm.
Trường hợp sản phẩm làm từ gỗ quy định tại Phụ lục II của CITES phải có giấy phép do Cơ quan quản lý CITES Việt Nam cấp mà khi xuất khẩu không có giấy phép sẽ bị xử phạt theo quy định tại điểm đ, khoản 4, Điều 16 Nghị định số 97/2007/NĐ-CP (được sửa đổi bằng Nghị định số 18/2009/NĐ-CP).
Chinhphu.vn
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo