Pháp luật

Mười tám năm xử chưa xong vụ tranh chấp thừa kế

Sinh thời, vợ chồng ông Bạch Tân - bà Quỳnh Châu tạo lập được mảnh đất diện tích 1.300m2 (trên có nhà, xưởng) tại số 45/9-10 Âu Cơ, P9Q Tân Bình. Trước khi qua đời, ông bà không lập di chúc. Trong số mười lăm người con của ông Tân - bà Châu (đã chết ba) có chín người đang định cư ở nước ngoài, giao tài sản trên cho ba anh em Bạch Cẩm Vân (SN 1952), Bạch Xy Quynh (SN 1968) và Bạch Thiệu Vân (SN 1972) quản lý, sử dụng.

Tài sản đang tranh chấp đã được sửa chữa, xây dựng lại 

Đầu năm 1996, hai anh Quynh - Vân phát hiện trước đó người anh Cẩm Vân tự ý lập thủ tục đứng tên chủ sở hữu tài sản chung rồi dùng giấy chủ quyền thế chấp vay ngân hàng, mất khả năng thanh toán cả gốc lẫn lãi hơn 2,4 tỷ đồng nên buộc phát mãi nhà, đất theo quyết định (QĐ) của TAND Q.Tân Bình.

Căn cứ đơn khiếu nại và khởi kiện của hai đồng thừa kế, TAND TP.Hồ Chí Minh kháng nghị bản án của cấp sơ thẩm; áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời bằng hình thức kê biên, tạm giao tài sản cho Bạch Cẩm Vân, Bạch Xy Quynh và Bạch Thiệu Vân quản lý.

Cuối tháng 7-1996, TAND TP.Hồ Chí Minh đưa vụ kiện đòi nợ giữa nguyên đơn là Ngân hàng Sài Gòn thương tín - chi nhánh Thành Công với ông Bạch Cẩm Vân ra xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm. Hội đồng thẩm phán hủy án sơ thẩm, giao hồ sơ về Tòa dân sự - TAND TP.Hồ Chí Minh xét xử lại. Gần năm sau, TAND TP.Hồ Chí Minh ra QĐ tạm đình chỉ vụ án tranh chấp thừa kế do nhà số 45/9-10 Âu Cơ xác lập trước ngày 1-7-1991 nên phải chờ QĐ của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Mãi đến năm 2011 tòa mới gửi thông báo yêu cầu nguyên đơn cung cấp các chứng từ liên quan và hai anh Quynh - Vân đã đáp ứng đầy đủ. Tuy nhiên, điệp khúc im lặng lại tiếp diễn. "Biết vụ án phức tạp do có yếu tố nước ngoài nhưng chúng tôi đã nộp đầy đủ giấy tờ theo yêu cầu của tòa, trong đó có giấy ủy quyền của các anh chị em ở hải ngoại thì còn khúc mắc gì nữa mà cơ quan bảo vệ pháp luật chưa chịu giải quyết" – anh Quynh than thở.

Cũng theo hai anh Quynh - Vân, việc vụ án bị câu dầm đã xảy ra nhiều hệ lụy. Cùng là đồng quản lý tài sản nhưng lúc còn sống, ông Bạch Cẩm Vân thường xuyên kiếm chuyện gây sự và cản trở việc làm ăn của các anh. Để tránh cảnh "sứt đầu mẻ trán", hai người phải thuê nhà ở riêng. Năm 2007, ông Cẩm Vân chết, các con ông tiếp tục sử dụng toàn bộ mặt bằng để kinh doanh.

Mới đây, con gái lớn ông Cẩm Vân là Bạch Thúy Hà tùy tiện tháo dỡ nhà xây cất lại nhưng không hỏi ý kiến hai chú. Việc sửa chữa, xây dựng lại công trình đang tranh chấp vẫn được chính quyền địa phương chấp thuận! Ngay sau khi phát hiện việc xây cất trái phép, các anh khiếu nại nhiều nơi nhưng chưa được giải quyết thỏa đáng, để giờ "gạo đã thành cơm".

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, bà Phạm Thị Thanh Thủy - Chủ tịch UBND phường 9 - cho biết, sau khi nhận đơn xin sửa nhà của bà Bạch Thúy Hà, phường phối hợp với quận khảo sát hiện trạng, ghi nhận công trình đã xuống cấp. Để đảm bảo tính mạng, tài sản cho người dân, phường giải quyết cho bà Hà được nâng nền, sửa chữa lại bằng vật liệu bán kiên cố dưới sự giám sát của cán bộ chức năng. Trước khi cho xây dựng, phường yêu cầu bà Hà làm cam kết không cộng chi phí này vào tài sản đang tranh chấp.

Anh Quynh khẳng định nhà chỉ dột một số chỗ do mái tole đã cũ chứ không "xuống cấp nghiêm trọng" như báo cáo của phường. Công trình mới được đổ móng, xây tường bê tông và nới rộng diện tích. Thừa biết nhà, đất đang tranh chấp nhưng cán bộ phường không hề tiếp xúc với hai anh, chỉ làm việc đơn phương với bà Hà. Cho rằng UBND phường cho bà Hà xây dựng lại nhà không đúng quy định, có dấu hiệu tiêu cực nên hai anh đề nghị làm rõ, buộc tháo dỡ trả lại hiện trạng ban đầu nhằm tránh phát sinh rắc rối về sau.

Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của những người liên quan, chúng tôi đề nghị các cơ quan hữu quan sớm giải quyết dứt điểm vụ việc, đừng kéo dài làm mất lòng tin trong nhân dân.

Theo Công an TP.HCM
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo