Muốn được vay vốn, đừng giấu tình trạng xấu
Hàng tồn kho của doanh nghiệp đang tăng cao vì nhiều đối tác đặt hàng mà không lấy. “Theo tôi biết, số doanh nghiệp đang điêu đứng vì bị hụt vốn chiếm tới trên vài chục %” - ông Bùi Quốc Lợi, Giám đốc Công ty TNHH và Dịch vụ kỹ thuật Minh Giao, nói.
Dễ “chết tươi” vì bước hụt vốn
Cụ thể trường hợp mình, ông Lợi cho hay: Cách đây vài tháng công ty đã ký hợp đồng với một nhà thầu, tổng dự án khoảng 300 triệu USD. Đơn đặt hàng giữa nhà thầu này với Công ty Minh Giao tương đương 16 tỉ đồng. Tìm hiểu, thấy bên đối tác có đủ số tiền thực hiện dự án nên công ty đã ký hợp đồng để nhập hàng về.
Tuy nhiên, khi triển khai dự án, đối tác đã dùng một khoản tiền từ 300 triệu USD kia để đầu tư sang một dự án khác, đúng lúc gặp thị trường khó khăn dòng vốn không quay lại kịp nên dự án 300 triệu USD nói trên… “đứng hình”.
“Chính bởi thế họ cũng không lấy hàng của chúng tôi như đã ký hợp đồng. Trong khi đó, đến hạn thì chúng tôi phải gom đủ tiền để trả cho nhà cung cấp, hàng thì bị tồn kho” - ông Lợi nói.
Một trường hợp khác, ông Khoa, giám đốc doanh nghiệp trên đường Nơ Trang Long, quận Bình Thạnh, than: Khách hàng ký hợp đồng đặt hàng các thiết bị điện, công ty đã nhập hàng từ nước ngoài về.
Tuy nhiên, sau đó khách hàng lại không lấy nữa vì thiếu vốn làm dự án. Cùng thời điểm đó, một hợp đồng khác của công ty cũng không được thực hiện. Công ty phải đóng cửa tạm thời và cũng chưa biết bao giờ mở lại.
Bảy lí do khiến ngân hàng khó cho doanh nghiệp vay - Có nợ quá hạn hoặc nợ xấu cao tại ngân hàng.
- Doanh nghiệp chưa có phương án kinh doanh hiệu quả.
- Các chỉ số an toàn trong hoạt động bị suy giảm đáng kể.
- Ngân hàng Nhà nước chưa có hướng dẫn và quy định cụ thể về cho vay mới trả nợ cũ nên các ngân hàng không thể thực hiện.
- Ngân hàng gặp nhiều khó khăn trong việc xác minh tính minh bạch và lành mạnh của doanh nghiệp bởi doanh nghiệp chưa kiểm toán, báo cáo tài chính chưa rõ ràng.
- Thực tế món vay dư nợ cũ được các ngân hàng thẩm định cho vay dựa trên tài sản đảm bảo là bất động sản nhưng hiện tại giá trị này bị giảm nên hạn mức tín dụng bị giảm theo so với món vay trước.
- Hàng tồn kho nhiều, tìm đầu ra cho sản phẩm khó khăn …
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM ngày 5-6 |
Hiện nay có rất nhiều doanh nghiệp đóng cửa, “chết tươi” cũng chỉ bởi sự đóng băng của doanh nghiệp này kéo theo doanh nghiệp kia.
Có thể chia thành ba khả năng: Nếu công ty còn tiềm lực, xoay được dòng vốn thì tiếp tục kinh doanh; nếu công ty yếu hơn thì cầm cự qua ngày để chờ đối tác có tiền rồi lấy hàng; cuối cùng, nếu công ty không có khả năng trả tiền hàng đã mua thì sẽ bị nhà cung cấp kiện, công ty đó lại đi kiện nơi đặt mua hàng…
Phải cung cấp đủ thông tin cho ngân hàng
Tuy nhiên theo ông Lợi, cũng có trường hợp doanh nghiệp đã gom đủ tiền để trả cho nhà cung cấp nhưng lại khó khăn trong việc không tìm ra hợp đồng mới.
Khi đầu ra không có, hồ sơ vay vốn gửi ngân hàng thiếu hợp đồng bảo lãnh thanh toán của đối tác, nên doanh nghiệp cũng sẽ không được ngân hàng cho vay.
Điều đó cho thấy trong câu chuyện hàng tồn kho, mỗi doanh nghiệp mang một “bệnh” khác nhau, muốn cứu cũng phải tùy trường hợp.
“Trước hết, doanh nghiệp phải cung cấp đủ thông tin cho ngân hàng” - ông Đặng Quốc Tiến, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng MB, yêu cầu.
Theo ông Tiến, hiện MB chia thành sáu nhóm doanh nghiệp từ loại khỏe đến loại yếu nhất. Từng nhóm một sẽ có những biện pháp hỗ trợ riêng.
“Bởi vậy khi tiếp xúc với doanh nghiệp chúng tôi luôn yêu cầu nói hết những khó khăn và tình trạng thật sự của mình để tìm cách hỗ trợ. Nếu doanh nghiệp không nói thật thì ngân hàng khó cứu.
Thời gian qua, có một số doanh nghiệp đến vay vốn, chúng tôi vẫn khuyên họ rằng nếu chưa thực sự cần hoặc có thể cầm cự thì nên chờ lãi suất hạ tiếp rồi hãy vay, bởi theo xu hướng lãi suất có thể còn giảm nữa.
Nếu tháng này vay 15%, vay trong sáu tháng thì lãi suất cho sáu tháng liên tiếp vẫn là 15%. Nhưng nếu doanh nghiệp ráng nhích qua tháng sau vay vốn thì có thể họ chỉ đóng lãi 14% hoặc thấp hơn nữa, rất có lợi cho doanh nghiệp ” - ông Tiến nói.
Ông Trần Xuân Quảng, Phó Tổng Giám đốc Thường trực Maritime Bank, cho biết ngân hàng này đưa ra các tiêu chí cụ thể để cho vay. Chẳng hạn, các doanh nghiệp trong 12 tháng không có nợ xấu, có báo cáo kiểm toán thì sẽ dễ được xét.
Maritime Bank còn kết hợp hệ thống đánh giá thương hiệu nội bộ, thường xuyên áp dụng cho nhóm khách hàng A, 2A, 3A. Các doanh nghiệp tiếp cận các điều kiện vay và tự so chiếu với tiêu chí đó.
“Đối với các doanh nghiệp đã đạt được rồi tiêu chí kia nhưng chưa chú trọng kiểm toán chẳng hạn thì họ cũng sẽ hiểu mình thiếu sót phần này, có động thái làm kiểm toán để đạt được tiêu chuẩn đó”.
YÊN TRANG (PL TP HCM)
End of content
Không có tin nào tiếp theo