Mỹ, Ấn cần nhau để kiềm chế Trung Quốc
Chiều 5/6, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta đã đến New Delhi bắt đầu chuyến thăm Ấn Độ hai ngày. Sau đó ông đã gặp Thủ tướng Manmohan Singh và cố vấn an ninh quốc gia Shivshankar Menon. Hôm nay (6-6), ông sẽ hội đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ AK Antony.
Báo Times of India (Ấn Độ) ghi nhận Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta sẽ thảo luận với phía Ấn Độ các vấn đề về tình hình phô trương sức mạnh của Trung Quốc ở biển Đông, quan hệ hợp tác Ấn Độ-Mỹ ở Afghanistan, tình hình chống khủng bố của Pakistan.
Hai bên cũng sẽ thảo luận về hợp tác chiến lược quốc phòng, về Thỏa thuận hỗ trợ hậu cần quốc phòng (LSA) và Văn bản ghi nhớ về an ninh và phối hợp thông tin quốc phòng (CISMOA).
Hôm trước đó, trợ lý bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Robert Blake nhận định Ấn Độ có đầy đủ năng lực cần thiết để trở thành cường quốc thế giới và đó là lý do Mỹ đầu tư xây dựng quan hệ chiến lược giữa hai nước.
Báo chí Ấn Độ rất quan tâm đến chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta. Báo India Today nhận định Mỹ đang muốn thuyết phục Ấn Độ trở thành quốc gia đối trọng với Trung Quốc.
Trong tuyên bố chiến lược hướng trọng tâm về châu Á-Thái Bình Dương hồi tháng 1/2012, Ấn Độ là nước duy nhất được Tổng thống Obama gọi là “đối tác trọng yếu của Mỹ”.
Báo Economic Times nhận định Mỹ đánh giá Ấn Độ là đối tác chủ chốt tiềm năng, Mỹ hy vọng Ấn Độ sẽ hỗ trợ đắc lực khi Mỹ thực hiện chiến lược chuyển trọng tâm quân sự sang châu Á-Thái Bình Dương và giữ vai trò kiềm chế tốt tham vọng của Trung Quốc trong khu vực.
Báo New York Daily Times (Mỹ) dẫn nguồn từ các quan chức quốc phòng Mỹ giấu tên ghi nhận nguyên nhân chính thúc giục Mỹ và Ấn Độ cải thiện quan hệ hơn nữa chính là thái độ bành trướng của Trung Quốc. Nỗi lo ngại của Ấn Độ đối với Trung Quốc gồm:
- Tại Đối thoại Shangri-La mới rồi, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ AK Antony đã bày tỏ lo ngại Trung Quốc chi tiêu quá nhiều cho quân sự. Ông nói Ấn Độ mong muốn được bảo đảm tự do hàng hải trên vùng biển quốc tế.
- Về tình hình tranh chấp khu vực Kashmir, cuối tháng 5, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tiếp tục gửi đến Đại sứ quán Ấn Độ ở Trung Quốc công hàm không công nhận Kashmir thuộc chủ quyền Ấn Độ.
- Bên cạnh nỗi lo khủng bố từ Pakistan (vụ đánh bom Mumbai là ví dụ tiêu biểu), Ấn Độ rất lo ngại phiến quân Hồi giáo trỗi dậy sau khi NATO rút quân khỏi Afghanistan vào cuối năm 2014. Trong khi đó, Afghanistan và Trung Quốc ngày càng quan hệ khăng khít với nhau.
Bằng chứng là trong khuôn khổ hội nghị thượng đỉnh lần thứ 12 của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải ngày 6 và 7/6 tại Bắc Kinh, Tân Hoa xã (Trung Quốc) cho biết Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào và Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai sẽ ký tuyên bố chung về thiếp lập quan hệ đối tác chiến lược.
Báo The Nation của Pakistan đưa tin ngày 5/6, Pakistan đã bắn thử thành công tên lửa hành trình tầm trung Hatf-VII. Tên lửa Hatf-VII do Pakistan sản xuất, có tầm bắn lên đến 700 km, có khả năng đánh trúng mục tiêu với độ chính xác cao, tránh được radar đối phương và có thể mang đầu đạn hạt nhân lẫn đầu đạn quy ước. Đây là vụ thử tên lửa lần thứ năm của Pakistan từ khi Ấn Độ bắn thử thành công tên lửa liên lục địa Agni-V hồi tháng 4. Tên lửa này có khả năng mang đầu đạn hạt nhân, đạt tầm bắn 5.000 km. |
Theo Pháp luật TP.HCM
End of content
Không có tin nào tiếp theo