Quốc tế

Mỹ - Ấn phá vỡ bế tắc

Ông Obama trở thành Tổng thống Mỹ đầu tiên 2 lần đến thăm Ấn Độ, có lẽ nhằm để lại một “di sản ngoại giao” trước khi phải rời Nhà Trắng vào năm 2016.

 Tổng thống Mỹ Barack Obama có cơ hội xem cuộc diễu hành rực rỡ về sức mạnh quân sự và đa dạng văn hóa của Ấn Độ hôm 26-1, trong ngày thứ 2 của chuyến thăm được ca ngợi là cơ hội thiết lập quan hệ đối tác chiến lược mạnh mẽ giữa Mỹ và Ấn Độ.

 
Tổng thống Mỹ Obama (vẫy tay) cùng Thủ tướng Modi và các quan chức cấp cao tham dự lễ kỷ niệm Ngày Cộng hòa Ấn Độ hôm 26-1. Ảnh: AP
 
“Một con ruồi cũng không thể lọt qua”
 
Trời đổ mưa khi cuộc diễu hành quy mô lớn qua trung tâm thủ đô New Delhi, nhưng cũng không làm giảm độ nóng chuyến thăm của ông chủ Nhà Trắng với mục tiêu phá vỡ bế tắc và kết nối tình bạn mới với Thủ tướng Narendra Modi.
 
Mối lo khủng bố khiến an ninh được thắt chặt ở New Delhi với mức chưa từng có trong tiền lệ. Ấn Độ thiết lập vòng an ninh 7 lớp, được ví như “một con ruồi cũng không thể lọt qua”. Hàng chục ngàn cảnh sát và nhân viên bán quân sự được triển khai trên các góc phố và mái nhà. Riêng Mỹ mang theo hơn 1.000 tay súng bắn tỉa, được triển khai trên khắp ngõ ngách ở New Delhi.
 
Ông Obama là Tổng thống Mỹ đầu tiên tham dự lễ kỷ niệm Ngày Cộng hòa Ấn Độ, chương trình hàng năm nhằm phô trương sức mạnh quân sự lâu nay vẫn gắn liền với tư tưởng chống Mỹ từ thời Chiến tranh Lạnh. Nhưng nay thì khác. Bất chấp trời mưa, người dân Ấn Độ hò reo, vỗ tay khi ông chủ Nhà Trắng và đệ nhất phu nhân bước lên bục danh dự. Tổng thống Obama sau đó ngồi sau bức màn chắn mưa với Thủ tướng Modi và các quan chức cấp cao khác xem duyệt binh, diễu hành.
 
Sự hiện diện của ông Obama tại cuộc diễu hành - theo lời mời cá nhân của ông Modi - đánh dấu đà phát triển tốt đẹp trong mối quan hệ song phương vốn vẫn tả tơi cách đây 1 năm.       
 
Bước đột phá quan trọng
 
Thành quả quan trọng nhất, cho đến nay, của ông Obama trong chuyến đi đến quốc gia Châu Á này là đạt thỏa thuận theo đó, cho phép các Cty Mỹ cung cấp công nghệ hạt nhân dân sự cho Ấn Độ.
 
Đây là thỏa thuận quan trọng và được chờ đợi từ lâu nhưng bị treo lại trong 6 năm qua do những quan ngại về trách nhiệm pháp lý. Mỹ - Ấn từng ký thỏa thuận này vào năm 2008 nhưng Washington lo sợ trách nhiệm pháp lý đè nặng ở New Delhi khi xảy ra tai nạn. Vấn đề này phủ bóng đen lên mối quan hệ song phương trong nhiều năm qua. Ngoài ra, Mỹ-Ấn cũng ký lại hiệp định khung về quốc phòng thời hạn 10 năm thay cho hiệp định hợp tác quốc phòng song phương ký năm 2005 nay đã hết hiệu lực và đồng ý tăng thương mại song phương lên gấp 5 lần, từ 100 tỷ USD/năm.
 
“Mobama (Modi và Obama) đã phá vỡ bế tắc”, tờ Mail Today đăng trên trang chủ đính kèm bức ảnh ông Modi và Obama ôm nhau thật ấm áp. Hình ảnh này xóa tan những nghi ngại giữa hai nhà lãnh đạo khi ông Modi từng bị cấm đến Mỹ do những cáo buộc liên quan đến cuộc bạo loạn chết người tại bang Gujarat thời ông làm thị trưởng – song nhà lãnh đạo này luôn bác bỏ.
 
Đối trọng với Trung Quốc?
 
Trung Quốc đang theo dõi chặt chẽ mọi diễn biến từ Ấn Độ. Kênh CCTV của Trung Quốc trực tiếp cảnh Thủ tướng Modi ra tận sân bay đón Tổng thống Obama - động thái chưa từng có tiền lệ - và đặt câu hỏi: Liệu động thái này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến Trung Quốc.
 
Mỹ xem Ấn Độ là thị trường rộng lớn và tiềm năng đối trọng ở Châu Á với một Trung Quốc đang ngày quyết đoán nhưng thường xuyên gây thất vọng vì tuyên bố chủ quyền vô lý ở biển Đông và biển Hoa Đông cùng với nền kinh tế đang đi xuống. Khi mối quan hệ với Bắc Kinh khó có thể cải thiện, Washington tìm đến New Delhi nhằm kiềm chế đối thủ kinh tế đang nhăm nhe giành ghế “số 1 thế giới”.
 
Nhiều chuyên gia nhận định, New Delhi là “chìa khóa” mở cái gọi là “chiến lược Ấn Độ Dương -Thái Bình Dương” của Washington nhằm kiềm chế Bắc Kinh và quan trọng hơn cả là tạo đối trọng với chiến lược thúc đẩy “con đường tơ lụa” của Bắc Kinh đến Ấn Độ Dương.
 
Theo Công an TP.Đà Nẵng
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo