Quốc tế

Mỹ cảnh báo Trung Quốc về thái độ “hiếu chiến” ở Biển Đông

Bộ Quốc phòng Mỹ mới đây đã lên tiếng cảnh báo Trung Quốc về việc nước này có thể sẽ bị các nước khác phản ứng dữ dội nếu tiếp tục có thái độ “hiếu chiến” trong các cuộc tranh chấp lãnh thổ.

Trong bản báo cáo về sự phát triển quân sự của Trung Quốc năm 2012, Lầu Năm Góc cho rằng, Bắc Kinh cần phải cân bằng các lợi ích của nước này nếu muốn duy trì mối quan hệ hòa thuận, hài hòa với các nước khác trong khu vực. Đây là những nước mà Trung Quốc cần phải dựa vào để phát triển kinh tế.


 
"Bắc Kinh cảm thấy ngày càng khó khăn trong việc cân bằng những lợi ích của mình, đặc biệt khi nước này theo đuổi hết cuộc xung đột này đến cuộc xung đột khác” trong khu vực, bản báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ nhận định.
 


Lầu Năm Góc Mỹ đã đề cập đến các cuộc tranh chấp lãnh thổ của Trung Quốc với các nước láng giềng, trong đó có Philippines.
 


"Giới lãnh đạo Trung Quốc coi hai thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 21 là ‘thời kỳ cơ hội chiến lược’ cho sự phát triển và tăng trưởng của nước này. Họ đánh giá, giai đoạn đó sẽ bao gồm một môi trường bên ngoài thuận lợi với sự hợp tác, phụ thuộc lẫn nhau giữa các nước và nguy cơ chiến tranh thấp”.


 
"Giới cầm quyền Trung Quốc tin rằng, giai đoạn này sẽ đem lại cơ hội có một không hai để họ tập trung vào phát triển đất nước trong khi tránh những cuộc đối đầu trực tiếp với Mỹ và các cường quốc lớn khác. Giới lãnh đạo Trung Quốc không kỳ vọng giai đoạn cơ hội chiến lược sẽ không có căng thẳng và cạnh tranh (điều đó được thể hiện qua những cuộc đối đầu ở Biển Đông trong thời gian qua). Trung Quốc cũng không nghĩ, thời kỳ cơ hội chiến lược sẽ kéo dài mãi mãi”, bản báo cáo của Lầu Năm Góc cho biết.


 
Sự “hiếu chiến” của Trung Quốc


 
Theo một báo cáo được công bố hồi tháng 9 năm ngoái của Viện Hoover thuộc trường Đại học Stanford, Mỹ, hành động hiếu chiến của Trung Quốc trong các cuộc tranh chấp lãnh thổ dường như được bắt đầu từ năm 1999. Điều đó được thể hiện qua việc, hàng năm, Trung Quốc đều đơn phương áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá ở khu vực tranh chấp.


 
Bản báo cáo trên nói rõ, tàu thuyền của Cục Ngư nghiệp Trung Quốc bắt đầu tiến hành các cuộc tuần tra an ninh hàng hải thường xuyên ở Biển Đông từ năm 2000. Trong khi đó, Hải quân Trung Quốc chính thức tham gia vào hoạt động tuần tra ở những vùng tranh chấp từ năm 2005.


 
"Trong nửa đầu năm 2011, tàu tuần tra của Trung Quốc bắt đầu nhằm vào những chiếc tàu thăm dò và nghiên cứu của các nước khác. Trước đó, họ chỉ tập trung chủ yếu vào các tàu thuyền đánh bắt cá. Những hoạt động này của Trung Quốc đã gây ra một loạt cuộc xung đột với tàu thuyền Việt Nam và Philippine.

 

Giới quan sát và phân tích tin rằng, đây là những bằng chứng cho thấy thái độ ngày một hiếu chiến của Trung Quốc trong các cuộc tranh chấp ở Biển Đông", báo cáo của trường Đại học Stanford ghi rõ.


 
Chưa hết, Trung Quốc còn cho xây dựng dàn khoan dầu hiện đại ở Biển Đông và tăng cường các hoạt động trong khu vực.


 
Theo nhận định của bản báo cáo trên, có vẻ như Trung Quốc “đã thay đổi chiến lược và cách tiếp cận trong các cuộc tranh chấp lãnh hải ở Biển Đông, từ việc tập trung nhấn mạnh vào con đường đàm phán chuyển sang con đường phụ thuộc nhiều hơn vào vũ lực và dọa dẫm".


 
Biển Đông “không phải là ao nhà của Trung Quốc”


 
Các nhà phân tích tin rằng, Trung Quốc cần phải học cách chấm dứt ngay những hành động hiếu chiến trong các cuộc tranh chấp lãnh thổ hiện nay.


 
"Thông điệp gửi đến Trung Quốc rất đơn giản. Đó là, Biển Đông không phải là ao nhà của Trung Quốc để nước này muốn làm gì thì làm. Trung Quốc phải quyết định xem họ có mong muốn duy trì một cách tiếp cận gây đối kháng trong các cuộc tranh chấp lãnh thổ của mình hay không", chuyên gia phân tích nguy cơ Daniel Wagner và hai chuyên gia luật Edsel Tupaz, Ira Paulo Pozon cho biết trên tờ Huffington Post hôm 20/5 vừa rồi.


 
Cả ông Wagner, Tupaz và Pozon đều tin rằng, cách hành xử của Trung Quốc sẽ vô tình đẩy Philippines và các nước có tranh chấp Biển Đông khác đến gần hơn với Washington và xa lánh Bắc Kinh.


 
"Với việc Trung Quốc duy trì cách tiếp cận hiếu chiến trong tranh chấp Biển Đông, Philippines và các nước khác trong khu vực không có lựa chọn gì nhiều ngoài việc củng cố quan hệ đồng minh với Mỹ. Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore cũng đang làm thế. Philippine cuối cùng cũng thấy rõ lợi ích của họ trong việc tăng cường mối quan hệ hợp tác quân sự với Mỹ. Một số nước trong khu vực cũng đang cảm nhận thấy điều này”, ba nhà phân tích trên nhấn mạnh.

 

 

Theo VnMedia

 

 

 

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo